(TITC) - Cầu kính Rồng Mây nằm ở xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Liên Sơn làm chủ đầu tư. Nằm cách thị xã Sa Pa khoảng 17 km, cách trung tâm huyện Tam Đường khoảng 30 km, du khách đến với cầu kính Rồng Mây sẽ có những trải nghiệm hết sức thú vị như đi thang máy trong lòng núi, chụp ảnh, săn mây trên cầu kính và ngắm cảnh, chụp hình núi non hùng vĩ vừa đẹp, vừa nên thơ của núi rừng Tây Bắc.
Khu du lịch cầu kính Rồng Mây được đưa vào hoạt động từ tháng 6/2019 với nhiều hạng mục công trình như: Khách sạn, hệ thống thang máy và cầu kính, bugallow nghỉ dưỡng, bể bơi… Trong đó, hệ thống Thang máy ngoài trời và cầu kính là hai sản phẩm du lịch đặc biệt, đóng vai trò quan trọng nhất trong tổng thể Khu du lịch cầu kính Rồng Mây. Đây là hai sản phẩm du lịch rất độc đáo, mới lạ đạt tiêu chuẩn châu Âu và chưa từng xuất hiện tại Việt Nam.
Hệ thống thang máy có lồng kính trong suốt ở độ cao 2.200 mét so với mực nước biển và 548.5 mét so với độ cao khe núi của đỉnh dãy Hoàng Liên Sơn. Để lên được cầu kính Rồng Mây, du khách sẽ được đi thang máy với độ cao 300 mét, trong đó khoảng 80 mét thang máy đi trong lòng núi. Buồng thang máy được thiết kế 3 mặt kính trong suốt hướng ra bên ngoài. Thang máy có thể chở được 30 hành khách/lượt với năng lực vận chuyển khoảng 1.200 hành khách/giờ. Tốc độ di chuyển của thang máy không quá nhanh, chỉ mất 1,5 phút để lên tới đỉnh núi thay vì phải mất khoảng 3 giờ đi bộ. Trong quá trình thang máy di chuyển lên cao, du khách có cảm giác như đang bay qua các tầng mây, hòa mình vào thiên nhiên để ngắm nhìn những núi đá nhấp nhô hòa quyện trong những làn mây trắng bồng bềnh của dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ (trong đó có đỉnh Fan-Xi-Păng cao 3.143 mét).
Cầu kính Rồng Mây dài 50m, ở độ cao 2.200m so với mực nươc biển. (Ảnh: Thế Phi)
Khi bước chân ra khỏi buồng thang máy, du khách sẽ bắt gặp hệ thống cầu kính vươn ra khỏi vách núi 50 mét để dẫn lối du khách vào khu vui chơi. Cầu kính được làm hoàn toàn bằng kính trong suốt, sàn kính được lắp ghép bởi 3 lớp kính, mỗi lớp dầy khoảng 2cm được dán với nhau bằng lớp keo đặc biệt. Cây cầu có lối đi rộng khoảng 5m với độ dài 50 mét tính từ buồng thang máy vào vách núi đá sa thạch. Cầu kính Rồng Mây có thể chịu được sức nặng của 3.000 người cùng lúc nhưng để đảm bảo an toàn tuyệt đối, khu du lịch chỉ cho phép vận hành tối đa 500 người cùng một thời điểm.
Cầu kính được xây dựng bắt đầu từ vách núi đá sa thạch trên dãy Hoàng Liên Sơn
Đứng trên cầu kính du khách sẽ được ngắm nhìn toàn cảnh đèo Ô Quy Hồ - được mệnh danh là “Tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam với những dãy đồi núi trùng điệp ẩn mình lấp ló sau những làn sương khói, những con đường trải nhựa ngoằn ngèo uốn lượn quanh núi, hòa trong những thửa ruộng bậc thang và những vạt chè xanh ngút ngàn của núi rừng Tây Bắc.
Các bậc thang từ cầu kính lên khu du lịch có màu sắc rực rỡ được gọi là "Cầu vồng tình yêu"
Đặc biệt đến nơi đây du khách còn được tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc Mông với những nét truyền thống như: đan lát thổ cẩm, đồ trang sức bằng bạc, cách làm yên cương ngựa…
Một số hình ảnh tại Khu du lịch cầu kính Rồng Mây:
Để lên được cầu kính Rồng Mây, du khách được trải nghiệm 80 m thang máy đi trong lòng núi
Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây là điểm đến hấp dẫn, mới lạ được đông đảo du khách lựa chọn
Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây là điểm đến hấp dẫn, mới lạ được đông đảo du khách lựa chọn
Nhiều du khách thích thú khi đến với cầu kính Rồng Mây, được trải nghiệm cảm giác mới lạ, check in trong khung cảnh lãng mạn, nên thơ và được ngắm nhìn biển mây bao quanh các ngọn núi
Đứng trên cầu kính du khách được ngắm cảnh đèo Ô Quy Hồ - được mệnh danh là “Tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam
Đứng trên cầu kính du khách được ngắm cảnh đèo Ô Quy Hồ - được mệnh danh là “Tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam
Khu du lịch cầu kính Rồng Mây được đưa vào hoạt động từ tháng 6/2019 với nhiều hạng mục công trình như: Khách sạn, hệ thống thang máy và cầu kính, bugallow nghỉ dưỡng, bể bơi…
Đến đây vào mùa hè du khách sẽ được tận hưởng không khí mát mẻ, trong lành như ở Sa Pa hay Đà Lạt và hòa mình vào cùng mây núi
Để lên được cầu kính Rồng Mây, du khách sẽ được đi thang máy với độ cao 300 m, trong đó khoảng 80 m thang máy đi trong lòng núi
Du khách đến đây còn được tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc Mông
Du khách vui vẻ chụp ảnh lưu niệm với các cô gái dân tộc Mông
Trung tâm Thông tin du lịch