Thủy Sơn là một trong năm núi đá vôi của quần thể danh thắng quốc gia đặc biệt thuộc quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng. Trong 5 ngọn núi đứng riêng lẻ thì ngọn Thủy Sơn cao rộng và có nhiều hang động nhất.
Được thiên nhiên tạo thành trên một bãi cát vàng mịn sát biển, núi Thủy Sơn có diện tích 15 ha, được chia thành 3 tầng nên còn có tên gọi là núi Tam Thai.
Tầng Hạ Thai có các động nhỏ Ngũ Cốc, Tàng Chơn, Âm Phủ, Giếng Tiên; tầng Trung Thai có động Thiên Phước Địa, Văn Căn Nguyệt; tầng Thượng Thai có các động Hoa Nghiêm và Huyền Không.
Để chiêm ngưỡng được động Huyền Không, động lớn nhất trong các hang động ở đây, từ chân núi du khách bắt đầu leo bộ hàng trăm bậc cấp ngoằn ngoèo để lên đỉnh núi. Dọc đường đi có các ghế dành cho ai thấm mệt dừng chân nghỉ ngơi. Tọa lạc tại khu đất bằng phẳng trên đỉnh núi là ngôi chùa cổ Tam Thai được vua Minh Mạng cho xây dựng từ năm 1825 trong chuyến vi hành về đây.
Cũng tại ngôi chùa này, công chúa Ngọc Lan, con gái vua Gia Long, em ruột vua Minh Mạng đã xuất gia tu hành và bút tích sắc phong chùa Tam Thai là Quốc tự, vẫn còn lưu giữ vẹn nguyên.
Cổng vào các động Hoa Nghiêm và Huyền Không.
Men theo lối đi nhỏ phía bên trái chùa Tam Thai rồi tiếp tục rẽ trái chừng 30 m, ta nhìn thấy ngay cổng cửa động rêu phong với 3 chữ Hán “Huyền Không Quan”. Đầu tiên, du khách sẽ nhìn thấy một cái động nhỏ ở bên ngoài, đó là động Hoa Nghiêm, thờ Phật Bà Quán Thế Âm. Tượng Phật trùng màu sẫm đá núi với đôi mắt hiền từ nhìn ra cửa động. Trên vách động có khắc tấm bia cổ do nhà sư Huệ Đạo Minh lập năm Canh Thìn 1640 có nội dung tôn vinh, ghi nhớ các tăng ni, phật tử cũng như một số thương gia Nhật Bản làm ăn, buôn bán ở Hội An có công chung góp tu sửa chùa chiền và thờ tự trên núi Thủy Sơn.
Từ động Hoa Nghiêm, du khách tiếp tục rẽ trái để bước xuống hơn 20 bậc tam cấp vào động Huyền Không. Ngay tại cửa động có 4 pho tượng các thần kim cang hộ pháp cưỡi trên lưng 4 con vật kỳ quái đêm ngày canh gác để xua đuổi điều ác, đón rước những tấm lòng thiện mỹ từ khắp muôn nơi của trần gian tề tựu về chốn này. Động Huyền Không hình vòm trông giống như một quả chuông lớn úp xuống nền đất. Từ trên đỉnh vòm cao 16 m so với nền đất có 5 lỗ thủng tự nhiên lớn nhỏ khác nhau và những tia nắng, luồng gió từ biển khơi xa theo những lỗ thông này lọt vào bên trong khiến hang động sáng hơn và quanh năm mát mẻ. Trên phiến đá chính giữa động Huyền Không đặt pho tượng Phật Thích Ca ngồi cao 3 m. Phía dưới bức tượng này là bàn thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát, vào sâu phía bên phải của động là Trang Nghiêm Tự, một ngôi chùa nhỏ xinh hình thành lâu đời trong lòng núi đá. Trang Nghiêm Tự được chia thành 3 gian, gian giữa thờ Phật Bà Quan Âm, gian bên trái thờ tượng tam quan (tức Quan Vũ, Quan Bình và Quan Châu Xương) biểu tượng cho đức độ, trí dũng và lòng trung thành. Gian bên phải thờ ông Tơ, bà Nguyệt. Đây là gian thờ được rất nhiều các đôi trai gái yêu nhau đến cầu xin được kết tóc, se duyên với nhau.
Ngôi chùa nhỏ có từ lâu đời trong lòng động Huyền Không
Phía sau Trang Nghiêm Tự là hai thạch nhũ từ trên vách đá cao đổ xuống trông giống như cặp nhũ hoa. Tương truyền ngày xưa có một cái nhũ hoa nhỏ nước đục giống như sữa mẹ, cái nhũ còn lại nhỏ nước rất trong. Do nhiều người tranh giành hứng những giọt sữa ngọt ngào từ mẹ núi nên nhũ hoa của thánh mẫu cạn kiệt, chỉ còn mỗi cái nhũ nhỏ tí tách những giọt nước trong veo tới tận bây giờ. Trong động Huyền Không còn có đền thờ bà Ngọc Phi và Lôi Phi.
Theo truyền thuyết, bà Ngọc Phi còn gọi Chúa Tiên, rất linh nghiệm, là vợ của Ngọc Hoàng được cử xuống hạ giới chăm lo cuộc sống cho muôn dân; còn bà Lôi Phi, em gái bà Ngọc Phi, là Chúa Thượng ngàn có nhiệm vụ cai quản rừng núi.
Quanh động những dải thạch chảy dài làm cho vách đá lồi lõm, tạo ra nhiều hình thù kỳ lạ như con chim hạc, con đà điểu, cò mỏ dài, hình đầu voi với chiếc vòi thòng xuống, bàn tay thiếu nữ cầm bó hoa giơ cao, khuôn mặt ông già bực bội điều gì… Một khối thạch nhũ treo trên vách giống một chiếc trống. Đưa tay gõ nhẹ mặt trống, một thanh trầm vang vọng kéo dài…
Đến với động Huyền Không không chỉ thưởng thức vẻ đẹp tráng lệ của thiên tạo mà còn về với chốn huyền hoặc tâm linh. Chính vì vậy mà không ít người mệt nhoài sau chặng leo dốc lại cảm thấy nhẹ tênh lúc bước vào trong hang và lưu luyến, bâng khuâng khi phải chia xa Huyền Không. Nhà thơ Tản Đà trong một lần đến đây đã bật lên cảm xúc: “Rủ nhau lên động Huyền Không/Bụi trần rũ sạch như không có gì”.
Thái Mỹ