Năm 2022, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang xây dựng đề án, đề tài và lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với di sản văn học Tao đàn Chiêu Anh Các và mở rộng quy mô tổ chức Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các – Hà Tiên nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn, khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, góp phần phục vụ cho phát triển kinh tế du lịch của Hà Tiên và tỉnh Kiên Giang.
Khai mạc Lễ hội kỷ niệm 282 năm Tao đàn Chiêu Anh Các (1736 - 2018)
Hà Tiên được người xưa ví là "thập cảnh thiên phú", với nhiều phong cảnh non nước hữu tình, đã làm rung động nhiều trái tim của giới văn nghệ sĩ. Cách đây 286 năm, vào ngày rằm tháng Giêng năm Bính Thìn (1736), tại trấn Hà Tiên đã xuất hiện một hiện tượng văn học được đánh giá là độc đáo, đó là sự ra đời Tao đàn Chiêu Anh Các do Mạc Thiên Tích, tự Sĩ Lân, vị Tổng trấn Hà Tiên lúc bấy giờ sáng lập và đứng ra làm chủ súy. Tao đàn ra đời đã quy tụ được nhiều văn nhân thi sĩ và để lại cho đời những áng văn chương lừng danh. Văn thơ Chiêu Anh Các chủ yếu ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và cuộc sống lao động sản xuất của người dân miền biên ải; đồng thời giáo dục, cổ vũ động viên người dân nâng cao ý thức cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ quê hương trước mọi kẻ thù xâm lược.
Di sản văn chương của Tao đàn Chiêu Anh Các để lại khá đồ sộ, nhiều tác phẩm có giá trị cao về mặt tư tưởng và nghệ thuật. Năm 1821, khi cho tái bản sách “Minh bột di ngư”, nhà thơ kiêm sử gia Trịnh Hoài Đức nhắc tới 6 tập sách từng được xuất bản và lưu hành là: Hà Tiên thập cảnh toàn tập, Minh bột di ngư thi thảo, Hà Tiên vịnh vật thi tuyển, Châu thị trinh liệt tặng ngôn, Thi truyện tặng Lưu tiết phụ, Thi thảo cách ngôn vịnh tập. Ngoài 6 tác phẩm trên, Lê Quý Đôn còn ghi thêm tập Thụ Đức Hiên tứ cảnh. Cả 7 tác phẩm trên là kết quả xướng họa thi ca của hơn 30 năm hoạt động của Tao đàn Chiêu Anh Các.
Khai mạc Lễ hội kỷ niệm 283 năm Tao đàn Chiêu Anh Các (1736 - 2019)
Trải qua 286 mùa xuân, cùng với sự phát triển của quê hương, đất nước, Lễ hội kỷ niệm ngày thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các hàng năm đã trở thành một hoạt động truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, là dịp để tôn vinh thành tựu thơ ca mà các bậc tiền nhân tạo lập trên quê hương Hà Tiên. Theo thông lệ, cứ đúng vào dịp tết Nguyên tiêu hằng năm, dòng người từ khắp nơi hội tụ về thành phố Hà Tiên mến yêu đẹp như xứ thơ để tham dự Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các. Năm nay, thực hiện tinh thần Công điện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND thành phố Hà Tiên chỉ tổ chức các hoạt động phần lễ kỷ niệm 286 năm Tao đàn Chiêu Anh Các (1736 - 2022), không tổ chức các hoạt động phần hội. Đêm 09/02/2022 (nhằm ngày 09/01 âm lịch), thành phố Hà Tiên đã tổ chức dâng hương tại Đền thờ họ Mạc; lễ tế trời đất tại nền Sơn Xuyên; lễ viếng mộ Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích và Đền bà Mạc Mi Cô. Ngày 15/02/2022 (nhằm ngày 15/01 âm lịch), lãnh đạo thành phố Hà Tiên đến thăm và dâng hương tại Nhà lưu niệm Đông Hồ; Thành đoàn thành phố tổ chức viếng mộ nhà thơ Đông Hồ, Mộng Tuyết.
Những năm trước đây, Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các luôn để lại những ấn tượng đẹp và tình cảm nồng nàn cho du khách và nhân dân Hà Tiên, với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức sôi nổi và ấn tượng, khơi dậy được lòng tự hào của cán bộ, nhân dân địa phương về một sự kiện văn học trọng đại diễn ra trên quê hương Hà Tiên từ những buổi ban đầu cha ông đi mở đất. Quy mô tổ chức lễ hội ngày càng được nâng lên gắn với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân; đồng thời qua đó tăng cường quảng bá tiềm năng du lịch của Hà Tiên; tạo sự kiện thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu Hà Tiên, thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết phát triển du lịch.
Bên cạnh hệ thống di tích, danh lam thắng cảnh, Hà Tiên còn có Nhà lưu niệm Chiêu Anh Các là nơi lưu giữ, trưng bày hình ảnh, hiện vật của Tao đàn Chiêu Anh Các xưa và những hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật ngày nay. Nhà lưu niệm Đông Hồ lưu giữ rất nhiều bút tích, tác phẩm và di vật gắn liền với cuộc đời của nhà thơ - nhà văn hóa Đông Hồ và nữ sĩ Mộng Tuyết, với 1.144 quyển sách; 446 bức tranh, ảnh; 937 tờ báo, tạp chí. Ngoài ra, còn có 1.485 quyển sách có giá trị của nhiều tác giả được lưu giữ tại đây. Nhà lưu niệm Đông Hồ là điểm đến tham quan, tìm hiểu ‘văn hóa Hà Tiên” của giới nghiên cứu và người hâm mộ trong, ngoài nước.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn học Tao đàn Chiêu Anh Các và lễ hội; trong năm 2022, Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan và thành phố Hà Tiên lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với di sản văn học Tao đàn Chiêu Anh Các; xây dựng đề án mở rộng quy mô tổ chức Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các - Hà Tiên; thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu triển khai các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản Tao đàn Chiêu Anh Các”; lập hồ sơ khoa học đề nghị UBND tỉnh xếp hạng Nhà lưu niệm Đông Hồ là di tích cấp tỉnh.
Quỳnh Như