Sông Cửa Lớn, dòng sông vô cùng đặc biệt với một đầu đổ ra biển Ðông và một bên là biển Tây. Dọc theo sông Cửa Lớn là hàng loạt các kênh, rạch… tự nhiên có, nhân tạo có, không thể đếm xuể. Sự đặc biệt của nó đã tạo nên khu vực rừng ngập mặn Ngọc Hiển cũng đặc biệt không kém, có vai trò vô cùng quan trọng về môi trường sinh thái, hạn chế thiên tai và phát triển kinh tế.
Huyện Ngọc Hiển có tổng diện tích đất lâm nghiệp khoảng 57.751 ha, trong đó diện tích có rừng hơn 35.180 ha. Với hệ sinh thái phong phú, đa dạng, khu vực rừng ngập mặn không chỉ có giá trị về đa dạng sinh học, là lá phổi xanh của thế giới, mà còn góp phần quan trọng trong phòng, chống sạt lở ven biển, mang lại giá trị kinh tế lớn nếu được khai thác đúng hướng.
Lợi ích của rừng trước hết phải kể đến sản phẩm truyền thống là gỗ, củi. Từ khi vùng đất này được khai khẩn, người dân đã biết khai thác làm nhà ở, hầm than để đổi vải vóc, lúa gạo và các loại hàng hoá thiết yếu phục vụ đời sống. Những sản phẩm gắn liền với rừng đước như gỗ, mật ong và sáp ong cũng đã được người Pháp khai thác trong suốt thời gian đô hộ. Ngày nay, giá trị từ gỗ mà khu vực rừng ngập mặn này mang lại cho người dân trong vùng không hề nhỏ.
Nói đến vùng rừng ngập mặn, nguồn lợi quan trọng khác phải kể đến là thuỷ sản. Với hệ thống sông, kênh, rạch dày đặc, cùng với những khu bãi bồi, đầm phá trong rừng được xem là bãi đẻ cho nhiều loài thuỷ hải sản để bổ sung nguồn lợi cho biển. Chỉ cần lấy tay bụm nước lên là đã có mấy chục con tôm, cá con... là câu chuyện mà cô chú ở độ tuổi ngoài 60 hay kể khi nói về khu vực này.
Khu vực rừng ngập mặn Ngọc Hiển rất dồi dào tôm cá với nhiều loài có giá trị kinh tế rất cao. Tiêu biểu trong số ấy mà hầu như khi nhắc đến khu vực này ai cũng có thể kể vanh vách là cá mú, cá chẽm, cá dứa, cá ngát, tôm thẻ, tôm đất, tôm sú, cua, nghêu, sò huyết…
Dưới những tán rừng đước xanh mướt của vùng đất ngập mặn, các thế hệ người dân đã biết kết hợp hài hoà giữa trồng rừng với nuôi tôm, cua để xây dựng cuộc sống ngày một no đủ, giàu có hơn. Nghề nuôi tôm, nuôi cua, nghêu sò… và nhiều loại thuỷ hải sản khác dưới tán rừng phát triển nhanh trong những năm gần đây chính là kết quả của cả quá trình nỗ lực quản lý, bảo vệ, phát triển rừng kết hợp sinh kế cho người dân.
Hiện nay, toàn huyện Ngọc Hiển có hơn 23.000 ha mặt nước nuôi thuỷ sản kết hợp dưới tán rừng với 11.379 hộ. Ðặc biệt trong số này phải kể đến 19.400 ha nuôi theo loại hình sinh thái tạo ra hơn 4.000 tấn tôm sinh thái đạt các chứng nhận Naturland, EU Organic, Selva Shrimp, Mangrove Shrimp, Canada Organic, ASC, BAP... mỗi năm. Ngoài ra, còn mô hình nuôi bán thâm canh (26.490 ha), nuôi tôm thâm canh (263 ha), quảng canh (6.915 ha)... cung cấp cho thị trường trên 38.000 tấn tôm, cua các loại.
Ðể phát huy lợi thế, không ngừng nâng cao đời sống người dân dưới tán rừng cũng như bảo vệ và phát triển rừng, Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện Ngọc Hiển đã ban hành Nghị quyết số 05 về “Nâng cao năng suất, chất lượng nuôi trồng thuỷ sản nội địa giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, đặt ra mục tiêu tổng sản lượng nuôi thuỷ sản tăng bình quân 2,1%/năm, riêng tôm tăng bình quân 5,3% và cua 3,8%. Trong đó, nuôi tôm sinh thái (hữu cơ) mỗi năm tăng bình quân 2,1%, cua tăng 1,6%/năm; tôm nuôi bán thâm canh tăng bình quân 3,7%/năm, cua tăng bình quân 3,1%; nuôi tôm thâm canh tăng bình quân 7,9%/năm.
Nhân viên Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau tuần tra quản lý, bảo vệ rừng.
Chia sẻ về những định hướng phát triển trên mũi đất cuối cùng Mũi Cà Mau, ông Bùi Thanh Thương, Phó chủ tịch UBND xã Ðất Mũi, chân tình, thời gian qua, nhiều mô hình kinh tế dưới tán rừng như nuôi tôm, nghêu, sò… phát triển nhanh, góp phần cải thiện đời sống Nhân dân. Tuy nhiên, du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm sẽ là điểm đột phá cho người dân trên địa bàn xã. Hiện nay xã đang tập trung nguồn lực để khai thác tiềm năng này một cách nhanh chóng, hiệu quả và bền vững nhất.
Tuyến đường bộ Hồ Chí Minh nối liền Ðất Mũi đã mở ra vận hội mới cho người dân vùng rừng ngập mặn Ðất Mũi cất cánh. Hiện nay, tại nhiều tuyến dân cư trên địa bàn xã Ðất Mũi đã hình thành ngày một nhiều điểm du lịch cộng đồng gắn với nuôi thuỷ sản, giữ gìn, phát triển rừng ngập mặn.
Ông Trần Văn Ðồng, Phó giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, chia sẻ, nhiệm vụ trọng tâm của vườn là bảo vệ và phát triển rừng, phát triển hệ sinh thái dưới tán rừng bền vững nhất. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này thì phải tạo được sinh kế cho người dân dưới tán rừng, để người dân sống khoẻ từ rừng. Theo đó, đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái cộng đồng với nhiều sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn như du lịch xuyên rừng, dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm… gắn với nuôi thuỷ sản ven biển.
“Khi rừng mang về cho người dân thu nhập cao, tự họ sẽ trở thành lực lượng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả nhất”, ông Ðồng bộc bạch.
Ðũa đước là một trong những sản phẩm của làng nghề truyền thống vùng rừng ngập mặn.
Những cánh rừng ngập mặn ngày càng được phủ xanh bởi những cây đước, sú, vẹt, bần… không chỉ tạo thành vành đai vững chắc ngăn bão, hạn chế triều cường, phòng chống sạt lở và giảm nhẹ thiệt của các loại hình thiên tai khác, bảo vệ người dân mà còn góp phần to lớn cải thiện sinh kế cho cộng đồng cư dân ven biển. Về điều kiện tự nhiên, nhất là theo chế độ triều vùng rừng ngập mặn Ngọc Hiển không khác gì so với chế độ triều của biển. Tuy nhiên, vùng đất này lại không được công nhận là huyện đảo. Ðây là một thiệt thòi lớn cho người dân từ trong việc đầu tư hạ tầng cho đến sinh kế, bảo vệ môi trường và các phúc lợi khác.
Khu vực rừng ngập mặn toàn tỉnh có tổng diện tích hơn 110.448 ha, trong đó diện tích có rừng 56.402 ha, không có rừng 54.045,85 ha, nằm trên địa bàn 6 huyện: Năm Căn, Phú Tân, Ngọc Hiển, Ðầm Dơi, Trần Văn Thời và U Minh. Theo quy hoạch của tỉnh, vùng rừng ngập mặn là khu vực phát triển nuôi tôm sinh thái kết hợp với phát triển bảo vệ rừng.
Nguyễn Phú