Việc chiên nấu nhiều, nhất là trong các dịp lễ, Tết khiến rất nhiều dầu ăn dư thừa phải thải ra môi trường. Nhận thấy lượng dầu này có thể tái chế để sử dụng, hạn chế ô nhiễm, chị Phạm Minh Hậu (phố Quán Thánh, Hà Nội) đã tự mày mò tìm ra công thức chế tạo xà phòng từ dầu thừa. Việc làm của chị nhận được sự ủng hộ của nhiều người.
Dầu mỡ thừa tưởng vứt đi, đã được Hậu tái chế lại thành các bánh xà phòng có ích.
Giảm mối hại từ dầu mỡ thừa
Thời gian qua, trên các hội nhóm về lối sống xanh, chị Phạm Minh Hậu, chủ cửa hàng chuyên kinh doanh các sản phẩm tiêu dùng xanh tại Hà Nội luôn tích cực chia sẻ về các hoạt động tái chế dầu thừa thành xà phòng giặt rửa. Các bài viết của chị Hậu nhận được nhiều sự quan tâm, khen ngợi từ cộng đồng mạng.
Tới không gian quán nhỏ của chị nằm trong một con ngõ phố Quán Thánh, ấn tượng với chúng tôi là một không gian vô cùng thân thiện, với kệ gỗ và các sản phẩm thiên nhiên. Là một người theo chủ nghĩa “sống xanh”, chị Hậu hạn chế “đi ăn hàng” mà ăn đồ tươi, tự nấu, hạn chế tối đa việc sử dụng túi nylon. Bản thân chị cũng sở hữu một cửa hàng cam kết chỉ bán những sản phẩm tự nhiên, thủ công của Việt Nam an toàn, không hóa chất, tốt cho sức khỏe và thân thiện với môi trường.
Chị Hậu chia sẻ: “Khi tôi vào bếp, dọn rửa bát đĩa, thấy lượng dầu thừa của chính gia đình mình thải ra nó cũng gây tắc, khó thoát nước trong khu bếp của mình và chắc hẳn nhiều gia đình khác cũng vậy, nhất là những ngày Tết, những ngày giãn cách, ở nhà và nấu nướng nhiều. Rất nhiều người có ý thức bảo vệ môi trường, không muốn đổ dầu thải ra cống nhưng không biết phải làm như thế nào hoặc muốn tái chế nhưng còn ngại, còn nhiều hạn chế. Mùa mưa tới, cống rãnh tắc cũng dễ gây ngập lụt cục bộ, vậy nên tôi tìm cách tạo ra công thức làm xà phòng từ dầu thừa. Xa hơn, tôi mong dự án này được chia sẻ rộng rãi hơn để hạn chế đến mức thấp nhất việc xả dầu thừa ra môi trường”.
Từng theo học các khóa làm xà phòng từ cơ bản tới nâng cao, sau đó, từ kinh nghiệm đúc rút được, chị Hậu tạo ra công thức làm xà phòng từ dầu ăn thừa. Phải hàng chục, hàng trăm mẻ xà phòng thử nghiệm, chị mới tìm ra được công thức chuẩn nhất. Việc làm xà phòng, quan trọng là người làm phải hết sức tỉ mỉ, cẩn thận. Phải đảo thật đều tay, tính toán nhiệt độ thật chuẩn thì xà phòng mới đặc và kết dính. Tại gian hàng của chị Hậu, chúng tôi gần như không thể phân biệt được đâu là xà phòng làm từ dầu thường, đâu là xà phòng làm từ dầu tái chế. Thậm chí, miếng xà phòng được làm từ dầu thừa nhìn qua còn có hình thức “đẹp” hơn. Chị Hậu chia sẻ: “Mục đích của việc tái chế dầu thừa là hạn chế rác thải, góp phần bảo vệ môi trường. Và tốt nhất để bảo vệ môi trường là không có dầu thừa, không tiêu dùng, không sản xuất, không làm gì cả. Điều đó mình cũng không làm được nên mình tái chế dầu thừa làm xà phòng, góp chút sức nhỏ bé để “khắc phục hậu quả”.
Do dịch Covid-19 kéo dài, việc vận chuyển bị đình trệ, khó khăn trong việc gửi dầu ra ngoài Hà Nội. Để tránh quá tải, bảo đảm an toàn cháy nổ, chị Hậu thành lập các điểm thu nhận và tái chế ở từng khu vực, gọi là trạm tái chế vệ tinh. Các đầu mối này được chia sẻ lại kiến thức để hướng dẫn cho người khác, đồng thời tiếp nhận dầu thừa mang về tái chế và cho ra thành phẩm.
Mẻ xà phòng mới ra lò của chị Hậu.
Sống “xanh” không hề phức tạp!
Về công việc hiện tại của chị Hậu, chị đang kinh doanh Phốm Quán - một cửa hàng chuyên kinh doanh các sản phẩm thiên nhiên, không hóa chất, xuất xứ tại Việt Nam. Với chị, bảo vệ môi trường là giảm thiểu rác thải, cũng là nghiên cứu, tạo ra và giới thiệu những sản phẩm đẹp, có tính ứng dụng cao, sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau và sau cùng có thể tái chế, tái sử dụng dễ dàng. Chị Hậu còn lập riêng một nhóm có tên Cộng đồng tái chế, kết nối những người có cùng đam mê sống xanh vào với nhau, tổ chức những hoạt động, dự án vì môi trường, chia sẻ những kinh nghiệm tái chế hay cùng các hoạt động thiện nguyện.
Chỉ từ những việc nhỏ vậy thôi, nhưng nếu mọi người cùng nhau biết chung tay giữ gìn có ý thức thì sẽ góp phần cải thiện đời sống xanh hơn, khỏe mạnh hơn. “Tôi là luôn trân trọng công sức và thành quả lao động của nông dân. Lựa chọn con đường này, tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi có thể chung tay góp sức xây dựng cộng đồng và lối sống xanh này lan rộng hơn nữa”, chị Hậu bộc bạch.
Hương Giang, một thành viên từ những ngày đầu tiên trong nhóm Cộng đồng tái chế rất đồng tình với những đóng góp, dự án của Hậu. Giang cho biết: “Mình thấy việc lan tỏa “lối sống xanh” của chị Hậu là một dự án vô cùng thú vị và ý nghĩa trong thời điểm hiện tại, khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Dự án của chị Hậu cũng góp phần giải quyết vấn đề bấy lâu nay của nhiều gia đình và cơ sở kinh doanh, đó là việc dư dầu, mỡ thừa gây tắc cống, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. “Lối sống xanh” không phải là điều gì đó phức tạp, mà nó được bắt nguồn từ những điều bạn có thể thực hiện hằng ngày. Không cần ôm đồm, làm nhiều việc, chỉ cần bạn làm tốt một khía cạnh là đã đủ tạo dựng một lối sống xanh cho mình. Tôi cũng tin là chính sự đồng hành, cùng chung lý tưởng của chị Hậu và các thành viên nhóm sẽ gắn kết và đưa tới một sức mạnh thật sự, học cách thay đổi thói quen, thay đổi cách nghĩ và lối sống của chính mình, rồi mới đến xã hội và cộng đồng chung”.
Chị Hậu còn kể: “Không ít người sau khi biết tôi tốn nhiều thời gian nghiên cứu để làm xà phòng từ dầu thừa đã bảo đó là công việc vô ích, tốn thời gian, công sức. Nếu đã làm những việc này thì tôi cũng chấp nhận những ý kiến trái chiều. Tôi sẽ chỉ ngừng lại khi không còn đủ sức nữa”. Tuy nhiên, rất may là hiện nay rất nhiều người đồng hành, đó cũng là nguồn động lực lớn để chị tiếp tục với các dự án sắp tới.
Nhiều người nghĩ rằng, sống xanh là phải sử dụng các sản phẩm hữu cơ đắt đỏ và vô cùng phức tạp, những ai có điều kiện mới có thể theo được. Thế nhưng, sống xanh có thể được thể hiện qua những thói quen hằng ngày, trong sinh hoạt hằng ngày, trong sự điều chỉnh, thay đổi thói quen. Đó là điều chị Hậu cùng các thành viên trong nhóm của mình luôn tìm cách lan tỏa đến mọi người.
Mai Hoa