(TITC) - Đây là tinh thần Hội nghị triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả diễn ra chiều tối nay (15/3) tại Hà Nội. Hội nghị do Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức vào đúng thời điểm Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ khẳng định, hội nghị này là một sự kiện quan trọng, cần thiết và rất đúng thời điểm, được tổ chức vào ngày 15/3, ngày Việt Nam chính thức mở cửa trở lại đối với hoạt động du lịch quốc tế.
Thứ trưởng cho biết đây cũng là Hội nghị về du lịch lần đầu tiên có sự tham dự trực tuyến của tất cả 94 Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và đông đảo lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, khách sạn, hãng hàng không; cho thấy sự quan tâm, kỳ vọng lớn và quyết tâm cao của các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp trong việc triển khai và cụ thể hóa chủ trương mở cửa du lịch đã được Chính phủ thông qua.
Thông tin về định hướng công tác xúc tiến quảng bá mở cửa đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch sẽ triển khai chương trình truyền thông quảng bá “Live fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn tại Việt Nam) nhằm thu hút, mời chào khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam. Đồng thời, Tổng cục Du lịch sẽ hợp tác truyền thông trên các kênh truyền thông quốc tế lớn như CNN, CNBC… Phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cung cấp các thông tin, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và khách quốc tế đi du lịch Việt Nam. Ngành du lịch Việt Nam cũng sẽ tham gia các hội chợ du lịch lớn trên thế giới; tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch, văn hóa Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức một số đoàn FAM quốc tế khảo sát, quảng bá du lịch Việt Nam. Tăng cường truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam qua hoạt động, sự kiện lớn ở trong nước như Năm Du lịch Quốc gia 2022 tại Quảng Nam, SEAGames 31...
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu giới thiệu về định hướng xúc tiến quảng bá du lịch
Góc nhìn từ quốc tế
Tại hội nghị, các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến tình hình, nhu cầu thị trường. Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cho biết, từ tháng 11/2021, Mỹ đã bỏ hạn chế đi lại đối với mọi du khách đến Mỹ khi đã tiêm chủng đầy đủ và có xét nghiệm âm tính. Hiện nay, du lịch nội địa phục hồi tốt, 80% người dân Mỹ muốn đi du lịch trong thời gian tới và sẽ ưu tiên lựa chọn những điểm đến an toàn, xanh, thân thiện với môi trường, có hạ tầng y tế tốt, linh hoạt dịch vụ.
Ông Vũ Hồng Nam - Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ, người dân Nhật Bản ưa thích du lịch theo nhóm, mua tour thông qua các doanh nghiệp lữ hành. Vì vậy, du lịch Việt Nam cần chủ động tiếp xúc với các đối tác, doanh nghiệp lữ hành Nhật Bản để tìm hiểu nhu cầu, chuẩn bị kế hoạch thu hút khách. Nhất là trong thời gian tới (tầm tháng 6, 7, 8) khi học sinh Nhật Bản có kỳ nghỉ dài, đây sẽ là thời điểm thuận lợi để thu hút du khách Nhật Bản đến Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần có chính sách ưu đãi, giảm giá, tạo sức cạnh tranh hấp dẫn.
Đối với thị trường Úc, Đại sứ Nguyễn Tất Thành cho biết đây là quốc gia có chính sách nhập cảnh rất nghiêm ngặt, tuy nhiên từ năm 2021, Chính phủ Úc đã xác định thích ứng sống chung với dịch bệnh. Từ ngày 21/2/2022, Úc đã chính thức mở cửa hoàn toàn trở lại cho tất cả du khách quốc tế, chỉ cần du khách đã tiêm vắc xin và có xét nghiệm âm tính.
Hội nghị diễn ra kết hợp trực tiếp và trực tuyến với gần 300 điểm cầu
Về công tác xúc tiến quảng bá, các Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài đánh giá cao kế hoạch xúc tiến quảng bá của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời bày tỏ nhất trí, sẵn sàng phối hợp triển khai cung cấp thông tin du lịch Việt Nam tới nhân dân, du khách, doanh nghiệp ở nước sở tại.
Các đại sứ đều đề nghị cần sớm có quy trình, hướng dẫn mở cửa du lịch áp dụng nhất quán, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đón khách và khách du lịch đến Việt Nam.
Đồng tình với ý kiến này, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp đề nghị cần sớm có quy định về y tế đối với khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam, trên cơ sở đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức ban hành phương án mở lại hoạt động du lịch.
Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để mở cửa du lịch
Khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và kế hoạch phục hồi hoạt động kinh doanh, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp bày tỏ mong muốn Chính phủ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ vượt qua khó khăn. Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Trung ương hỗ trợ triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch ra quốc tế, trong đó có vai trò đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Ngành hàng không nghiên cứu mở thêm đường bay mới tới sân bay Vân Đồn nhằm tăng lượng khách đến địa bàn.
Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang cho biết tỉnh có nhu cầu rất lớn về thu hút khách du lịch. Ông đề xuất Bộ Ngoại giao xem xét cho phép những đối tượng khách du lịch được miễn thị thực vào Phú Quốc được phép di chuyển sang 1 số địa phương khác của tỉnh rồi quay lại. Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng đề xuất đơn giản hóa thủ tục về xuất nhập cảnh, mở rộng diện miễn thị thực, kéo dài thời gian tạm trú ở Việt Nam.
Đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết hãng đã khôi phục 60% mạng bay quốc tế, đang nghiên cứu mở đường bay mới nối Singapore với các điểm đến như Đà Nẵng, Nha Trang, đường bay từ Việt Nam đến Ấn Độ. Đồng thời, ban hành chính sách đổi vé linh hoạt, tăng cường liên kết để tạo ra hệ sinh thái du lịch trọn vẹn.
Đại diện Bamboo Airways đề nghị cần có sự chỉ huy, định hướng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch để hiệu triệu các địa phương, doanh nghiệp triển khai đồng bộ việc mở cửa du lịch, đạt mục tiêu phục hồi trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đại diện Saigontourist đề xuất quan tâm phát triển loại hình du lịch MICE - một xu hướng du lịch quan trọng sau dịch bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, cập nhật dữ liệu thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng để triển khai hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá, kết nối thị trường.
Mở cửa du lịch từ 15/3, khởi đầu cho mở lại giao lưu, giao thương quốc tế của Việt Nam
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao sự chủ động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Ngoại giao trong việc tổ chức Hội nghị đặc biệt này, vào cùng thời điểm Việt Nam tuyên bố mở cửa trở lại hoạt động du lịch quốc tế trong tình hình mới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc mở lại hoạt động du lịch từ 15/3 nằm trong chủ trương lớn về mở lại hoạt động giao lưu, giao thương quốc tế của Việt Nam. Để phục hồi du lịch đây là một quá trình chuẩn bị kỹ càng trong nhiều tháng. Vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, Việt Nam hiện đang thực hiện chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”.
Lãnh đạo Chính phủ khẳng định, đối với việc mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch từ 15/3, khách du lịch quốc tế đảm bảo các quy định sau khi nhập cảnh vào Việt Nam sẽ không khác gì so với khách du lịch nội địa, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào. Đối với khách đi bằng đường hàng không đã có quy trình xét nghiệm, kiểm dịch trước khi lên máy bay. Đối với khách đi bằng đường bộ, đường biển, đường sắt mất nhiều thời gian di chuyển hơn thì cần có thêm biện pháp đảm bảo an toàn như tiến hành xét nghiệm tại cửa khẩu.
Nhất trí với các ý kiến đóng góp của các đại biểu về việc mở cửa du lịch an toàn, khoa học, hiệu quả, Phó Thủ tướng đề nghị ngay sau khi Bộ Y tế có ý kiến về quy định y tế đối với khách du lịch quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu và chính thức công bố phương án mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới. Các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tăng cường hợp tác, tuyên truyền quảng bá thông tin du lịch Việt Nam đến các thị trường quốc tế.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng chia sẻ, trong suốt 2 năm qua chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng đã khơi dậy những giá trị tốt đẹp của người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước chung vai sát cánh với nhau, chia sẻ khó khăn, đóng góp nguồn lực, chia sẻ vắc-xin, trong đó có vai trò kết nối quan trọng của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Chia sẻ với những khó khăn của ngành du lịch, của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ du lịch trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị toàn ngành cùng nỗ lực, phát huy tinh thần sáng tạo, làm tốt tất cả các khâu về xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm, chuẩn bị nhân lực… để từng bước phục hồi trở lại.
Thứ trưởng Bộ VHTTL Đoàn Văn Việt phát biểu tại Hội nghị
Cảm ơn và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết sau Hội nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Ngoại giao sẽ tổng hợp, đề xuất chính sách phục hồi cũng như các giải pháp thực hiện thành công mở cửa du lịch Việt Nam theo tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh” như trong Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.
Trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ tập trung các giải pháp ưu tiên gồm có: Tăng cường liên kết, hợp tác liên ngành và với các địa phương triển khai phương án mở cửa lại hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả; phối hợp với các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình khởi động lại hoạt động kinh doanh; Đẩy mạnh hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch, tăng cường hợp tác với các Đại sứ quán, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài; Có chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển nguồn nhân lực du lịch; Nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch.
Khôi phục chính sách xuất nhập cảnh như trước khi có dịch
Ngay trước khi diễn ra hội nghị quan trọng này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/3/2022 về việc miễn thị thực cho công dân của 13 quốc gia nhập cảnh Việt Nam không phân biệt hộ chiếu, mục đích nhập cảnh từ ngày 15/3/2022. Cùng ngày, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã có ý kiến đồng ý khôi phục từ ngày 15/3/2022 các biện pháp, thủ tục về xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài như trước khi có dịch.
|
Trung tâm Thông tin du lịch