Chủ tịch nước kêu gọi thực hiện thành công chương trình trồng 1 tỷ cây xanh

Cập nhật: 24/03/2022
Mỗi người dân hãy hành động trách nhiệm hơn nữa trong sử dụng nguồn nước một cách thông minh, tiết kiệm, bảo đảm an ninh nước, sinh kế dựa vào nước và hăng hái tích cực tham gia bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp; thực hiện thành công chương trình trồng 1 tỷ cây xanh đến năm 2025.

Chủ tịch nước: Mọi người dân, các tổ chức xã hội, hãy là chủ thể quan trọng nhất bảo đảm cho thành công của tiến trình ứng phó với biến đổi khí hậu

Sáng nay, 23/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới (22/3), Ngày Khí tượng thế giới (23/3), Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022. Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Nhân dịp này, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu ghi hình trước, nêu thông điệp, chỉ đạo quan trọng và mang tầm chiến lược đối với công tác khí tượng thủy văn, quản lý, sử dụng tài nguyên nước, biến đổi khí hậu của nước ta.

Năm nay, Ngày Nước thế giới 22/3 được Liên Hợp Quốc (UN) phát động với chủ đề là "Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình". Ngày Khí tượng thế giới 23/3 được Tổ chức Khí tượng thế giới phát động với chủ đề "Cảnh báo sớm để hành động sớm - Thông tin khí tượng thủy văn và khí hậu phục vụ hiệu quả giảm nhẹ rủi ro thiên tai". Còn Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022 được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phát động với chủ đề "Kiến tạo tương lai – Bây giờ hoặc không bao giờ".

Nêu lên thông điệp nhân các sự kiện này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt và khan hiếm nguồn nước đã và đang hiện hữu ở khắp các quốc gia, các châu lục, trở thành thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại.

Trong 50 năm qua, số lượng các hiểm họa về thời tiết, khí hậu và nước đã tăng 5 lần, gây thiệt hại vô cùng to lớn. Biến đổi khí hậu trên toàn cầu đã chuyển sang một giai đoạn mới với những tác động ngày càng khắc nghiệt. Các bản tin dự báo không còn dừng lại ở thông tin ngày mai thời tiết thế nào mà dần dịch chuyển sang dự báo tác động, thông báo cho công chúng về những gì thời tiết sẽ gây ra.

Tuy nhiên, một phần ba dân số thế giới vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ các thông tin dự báo này. Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Người dân thường xuyên phải gồng mình chống chịu nhiều loại thiên tai với "sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa".

Xây dựng Việt Nam xanh

Chủ tịch nước đánh giá, thời gian qua, công tác khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, ứng phó biến đổi khí hậu luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn Việt Nam dần tiệm cận trình độ quốc tế tiên tiến.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đã đến lúc chúng ta không chỉ đòi hỏi đổi mới căn bản về nhận thức, tư duy mà còn cần kịp thời chuyển biến thành hành động để chung tay bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta và nhân loại; đảm bảo mục tiêu đề ra trong chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững đến năm 2030, Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu phát triển ít phát thải, hướng tới phát thải dòng bằng 0 như mục tiêu của Hội nghị COP26.

"Tôi kêu gọi cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện các nghị quyết của Đảng về chuyển đổi nền kinh tế đang dựa vào nhiên liệu hóa thạch, lãng phí tài nguyên hiện nay sang nền kinh tế số, phát triển xanh với phát thải thấp, có sức chống chịu cao", Chủ tịch nước nêu rõ.

"Tôi cũng kêu gọi mọi người dân, các tổ chức xã hội, hãy là chủ thể quan trọng nhất bảo đảm cho thành công của tiến trình ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Mỗi người dân hãy hành động trách nhiệm hơn nữa trong sử dụng nguồn nước một cách thông minh, tiết kiệm, bảo đảm an ninh nước, sinh kế dựa vào nước và hăng hái tích cực tham gia bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp; thực hiện thành công chương trình trồng 1 tỷ cây xanh đến năm 2025".

Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Đây là thời khắc phải hành động xây dựng Việt Nam xanh, hành tinh xanh; hãy đoàn kết, chung sức, đồng lòng, thống nhất hành động mạnh mẽ, bảo vệ sinh kế cho cộng đồng, đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia hiện tại và tương lai, không để ai bị bỏ lại phía sau. Với sự hưởng ứng của toàn dân và xã hội nhất định chúng ta sẽ thành công".

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan quản lý Nhà nước, bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và các điều ước quốc tế để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xây dựng chính sách cụ thể, thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia, bao gồm cả đầu tư hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia, cơ sở hạ tầng, nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai. Đây là việc làm rất cần thiết trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, làm suy yếu các cơ chế, giảm nguồn lực ứng phó với thiên tai.

Nguyễn Đức

Nguồn: Báo Chính phủ - baochinhphu.vn - Đăng ngày 23/03/2022