Đại dịch COVID-19 bùng phát đã làm thay đổi nhiều thứ, trong đó có xu hướng du lịch. Sự chọn lựa của phần lớn du khách dịch chuyển mạnh từ các loại hình du lịch hưởng thụ với các dịch vụ cao cấp, xa xỉ, ở các trung tâm du lịch náo nhiệt trở về cuộc sống nông thôn bình dị, yên ả bên ruộng đồng, dòng sông, ao cá, vườn đồi với không khí trong lành và nhịp sống chậm rãi…
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Sông Ba Farmstay (làng rau Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa). Ảnh: PV
Xu thế này rất phù hợp để du lịch Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng có cơ hội bứt phá phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn. Những sản phẩm từ nông nghiệp và nền tảng văn hóa nông thôn đã, đang và sẽ là những sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút du khách tham quan, trải nghiệm.
Xu hướng của thời đại
Du lịch nông nghiệp xuất hiện từ rất sớm, được hiểu là một loại hình du lịch phục vụ du khách dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp với mục tiêu giải trí hoặc giáo dục. Khách du lịch nông nghiệp sẽ được trải nghiệm các hoạt động như tham quan trang trại nuôi trồng, thu hoạch nông sản, tìm hiểu về động thực vật hoặc tham gia quá trình sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, xu hướng này không được ưa chuộng trong thời gian dài, cho đến khi đời sống vật chất và tinh thần của con người phát triển cao, thay vì sử dụng các sản phẩm hiện đại ở những trung tâm du lịch náo nhiệt, du khách muốn tìm về với thiên nhiên, với nguồn cội, với văn hóa bản địa. Đây có thể nói là sản phẩm du lịch xanh, bền vững mà thế giới hiện đại đang hướng tới. Điều này đặc biệt có giá trị và trở thành xu hướng khi mà con người đang đối mặt với đại dịch COVID-19.
Một góc Sông Ba Farmstay (làng rau Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa) - khu du lịch trải nghiệm đồng quê gắn với các sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: Ngô Văn
Theo một nghiên cứu của Fortune Business Insights (hãng tư vấn quy mô ngành kinh tế), quy mô thị trường du lịch nông nghiệp toàn cầu trị giá 69,24 tỉ USD vào năm 2019 và dự kiến đạt 117,37 tỉ USD vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7,42% trong giai đoạn dự báo 2020-2027.
Xu hướng chuyển dịch về du lịch nông nghiệp, nông thôn được tái khẳng định bằng thông điệp chính thức của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) năm 2021, là: Du lịch và phát triển nông thôn. Theo Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili, du lịch đã được chứng minh là một chiếc phao cứu sinh cho rất nhiều cộng đồng nông thôn, qua việc tạo công ăn việc làm cho người dân và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ. Du lịch giúp các cộng đồng nông thôn gìn giữ di sản văn hóa và thiên nhiên độc đáo của họ, các phong tục hoặc bản sắc đã mai một. Tiềm năng to lớn của ngành Du lịch, bao gồm thúc đẩy sự phát triển của các cộng đồng nông thôn, nếu được phát huy toàn diện sẽ không bỏ ai lại phía sau.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cũng định hướng: Du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn là một trong những dòng sản phẩm chủ đạo. Nhiều sản phẩm từ loại hình du lịch này đã được định danh, thu hút một lượng lớn du khách, nhất là khách quốc tế.
Sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn made in Phú Yên
Là một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, ngoài lợi thế về biển đảo, Phú Yên là vùng đất đa dạng về địa hình, như một Việt Nam thu nhỏ có núi rừng - sông biển và đồng bằng. Nền kinh tế chủ đạo vẫn là nông nghiệp, dân số nông thôn chiếm 67,3% trong tổng dân số. Cùng với đó, Phú Yên còn là miền đất với chiều sâu trầm tích văn hóa và sự đan xen văn hóa của nhiều tộc người… rất phù hợp cho đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng.
Camping Trip Phú Yên, một điểm cắm trại bên bờ hồ Suối Phèn, xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa). Ảnh: Trần Quới
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Quyền Giám đốc Sở VH-TT-DL, cho biết: Chiến lược phát triển du lịch của tỉnh xác định, sản phẩm du lịch làng nghề/du lịch cộng đồng/du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong năm dòng sản phẩm chủ yếu. Điều này đã được ngành Văn hóa - Du lịch tỉnh nhà từng bước hiện thực hóa, cùng với cộng đồng người dân ở nông thôn, liên kết các doanh nghiệp du lịch từng bước phục hồi các làng nghề trở thành điểm đến của du khách (làng nghề nước mắm Gành Đỏ (TX Sông Cầu), làng nghề bánh tráng Hòa Đa, làng nghề thúng chai Phú Mỹ (Tuy An), làng rau Ngọc Lãng (TP Tuy Hòa), làng văn hóa du lịch Lê Diêm (Sông Hinh), thôn Hòa Ngãi (Sơn Hòa), Xí Thoại (Đồng Xuân)…
Những năm gần đây, đón đầu xu hướng của thị trường khách du lịch, nhiều doanh nghiệp hoặc liên kết với nông dân đầu tư xây dựng mới nhiều sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, hai HTX du lịch nông nghiệp là HTX Nông nghiệp - Du lịch An Mỹ (Tuy An), HTX Nông nghiệp và dịch vụ BB (Sơn Hòa) ra đời; và nhiều điểm đến khác, lấy không gian thiên nhiên, núi rừng, đồng ruộng, làng chài ven biển, đặc trưng văn hóa cộng đồng bản địa làm yếu tố chủ đạo thu hút du khách.
Đặc biệt mới đây, Công ty CP Truyền thông và Du lịch Phú Yên đã đưa vào hoạt động khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farmstay, ở ngay làng rau Ngọc Lãng, ven sông Ba (TP Tuy Hòa) với các khu nhà vườn trồng rau sạch công nghệ cao, vườn hoa check-in, nhà hàng hình tròn mái lá, khu dã ngoại và các món ăn đậm đà chất quê. Đến đây, du khách có thể cắm trại, vui chơi sông nước bên bãi bồi giữa dòng sông Ba thơ mộng… Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Sông Ba Farmstay đã thu hút khoảng 2.000 lượt khách mỗi ngày đến trải nghiệm, check-in.
Hiện nay nổi lên một phong trào đầu tư sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn từ các địa phương miền núi, đồng bằng đến ven biển. Điển hình nhất là trên tuyến ĐT643 từ Hòa Đa đi cao nguyên Vân Hòa (các xã Sơn Xuân, Sơn Long, Sơn Định - huyện Sơn Hòa) đang có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp và cả người dân hào hứng đầu tư các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với lợi thế về khí hậu ôn đới và ẩm thực miền núi trở thành điểm đến thu hút du khách.
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Trọng Tùng, từ chương trình xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch mang lại hiệu quả bước đầu, trong đó có các sản phẩm OCOP. Việc kết hợp đưa sản phẩm du lịch và chương trình OCOP, sản phẩm nông nghiệp là hướng đi đúng đắn, hiệu quả, nâng cao thu nhập, đời sống cho người nông dân; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng nông thôn.
Đến nay, Phú Yên có 18 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm được trao chứng nhận OCOP hạng 4 sao là sản phẩm Du lịch trải nghiệm văn hóa cộng đồng tại Mộc Miên Rocky Garden (HTX Nông nghiệp - Du lịch cộng đồng An Mỹ) và cà phê Hương Chồn (Công ty TNHH Huy Tùng). Phú Yên cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Chương trình mỗi xã một sản phẩm phấn đấu xây dựng thương hiệu cho khoảng 24 sản phẩm chủ lực, chuẩn hóa 57 sản phẩm, dịch vụ nông thôn hiện có, phát triển mới 25 sản phẩm; hình thành từ 3-4 làng du lịch sinh thái; có ít nhất 3 sản phẩm OCOP đạt 5 sao cấp tỉnh, 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia…
Du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng đang là một xu hướng mới thu hút sự quan tâm, trải nghiệm của du khách, cả nội địa lẫn quốc tế. Vấn đề là liên kết giữa hai ngành Du lịch và Nông nghiệp, giữa chính quyền - doanh nghiệp và nông dân, phát huy chuỗi giá trị nông nghiệp, nông thôn để trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo.
Trần Quới