Việc sử dụng nước chất lượng thấp là nguyên nhân gây ra 70-80% dịch bệnh tại châu Phi. Ảnh hưởng về sức khỏe dẫn tới những thiệt hại về giáo dục, đặc biệt là với trẻ em gái, kéo theo những hệ lụy đeo
(Nguồn: amcow-online.org)
Diễn đàn nước thế giới, sự kiện quốc tế lớn nhất về nước và các vấn đề liên quan diễn ra 3 năm một lần, lần đầu tiên được tổ chức tại một quốc gia ở vùng hạ Sahara châu Phi, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng thiếu nước.
Diễn đàn nước thế giới lần thứ 9 diễn ra từ ngày 21-26/3 tại Dakar, Senegal do Hội đồng Nước thế giới tổ chức. Chủ đề của diễn đàn năm nay là “An ninh nước vì hòa bình và phát triển,” với mục tiêu tạo động lực hành động mạnh mẽ hơn nhằm góp phần thiết thực hỗ trợ chuyển đổi và nâng cao đời sống của người dân ở những khu vực còn khó khăn vì thiếu thốn nước.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, năm 2020, hơn 2 tỷ người trên thế giới sinh sống trong điều kiện không đủ nước uống trong nhà, 771 triệu người phải di chuyển quãng đường ít nhất 30 phút xa nhà để có nguồn nước sạch và hơn 100 triệu người đang sử dụng nguồn nước uống trực tiếp chưa qua xử lý, nước chất lượng không đảm bảo.
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Lương-Nông Liên hợp quốc (FAO) cho biết có khoảng 2,3 tỷ người hiện đang sống ở các quốc gia nguy cơ thiếu nước thường trực, với hơn 733 triệu người (10% dân số thế giới) sống ở các nước có nguy cơ ở mức cao và đặc biệt cao. Dân số thế giới tăng, nhu cầu sử dụng nước nhiều hơn dẫn tới tình trạng khan hiếm nước và các xung đột vì tranh chấp nguồn nước.
Vấn đề biến đổi khí hậu càng đẩy nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nước lên cao, đặc biệt là tại châu Phi. Chỉ có 58% người dân châu Phi có thể tiếp cận nguồn nước uống an toàn, chỉ có 10% tiềm năng thủy điện được khai thác.
Việc sử dụng nước chất lượng thấp là nguyên nhân gây ra 70-80% dịch bệnh tại châu Phi. Ảnh hưởng về sức khỏe dẫn tới những thiệt hại về giáo dục, đặc biệt là với trẻ em gái, kéo theo những hệ lụy đeo bám suốt cuộc đời.
Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc nhận định thế giới cần thêm các biện pháp toàn diện, lồng ghép và sáng tạo để giải quyết vấn đề thiếu nước, vốn đã đe dọa khoảng 3,2 tỷ người sống ở các cộng đồng nông thôn.
Theo báo cáo của FAO, tình trạng thiếu và ô nhiễm nước đang đe dọa đẩy các hệ thống thực phẩm nông nghiệp chính trên thế giới đến nguy cơ đứt gãy, bởi nông nghiệp là ngành chiếm khoảng 70% nhu cầu sử dụng nước ngọt toàn cầu.
Ở hầu hết các nước châu Phi, lượng nước có sẵn thấp đến nỗi nhiều quốc gia không có đủ nước để sử dụng trong trồng trọt hoặc đáp ứng nhu cầu của các lĩnh vực kinh tế khác. Khoảng 3,2 triệu người sống ở các vùng nông nghiệp đối mặt với những rủi ro do tình trạng khan hiếm nước, đe dọa an ninh lương thực toàn cầu và phát triển bền vững.
Người đứng đầu FAO kêu gọi tập trung vào các hình thức quản lý sử dụng nước trong ngành nông nghiệp, cho phép tận dụng hiệu quả nguồn nước để có được sản lượng cao nhất trong cùng một dung tích sử dụng.
Bên cạnh đó, cần bảo vệ và khôi phục các hệ sinh thái thông qua các thói quen canh tác nông nghiệp xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu để có thể sản xuất các sản phẩm nông nghiệp bền vững, trong khi hạn chế tác động tới hệ sinh thái và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong ngành này.
Diễn đàn nước thế giới lần thứ 9. (Nguồn: worldwaterforum)
Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) David Malpass nhấn mạnh diễn đàn lần này là một sự kiện lịch sử được tổ chức kịp thời trong bối cảnh hơn lúc nào hết, thế giới đang cần hòa bình và phát triển. Ông đánh giá hợp tác xuyên biên giới đóng vai trò thiết yếu, đặc biệt là ở châu Phi, nơi 90% lượng nước mưa có thể được lưu trữ tại các khu vực nằm ở biên giới các nước.
Việc chia sẻ những dữ liệu về nước thông qua các sáng kiến toàn cầu cũng là chìa khóa giúp theo dõi hiệu quả những tác động của biến đổi khí hậu tới vòng tuần hoàn nước và giúp các nước quản lý các tài nguyên nước, đáp ứng nhu cầu phát triển và tăng trưởng.
Chủ tịch WB cũng nêu 3 mặt trận chính mà thế giới cần phối hợp hành động để tháo gỡ cuộc khủng hoảng nước. Thứ nhất, các biện pháp chính sách có trọng tâm và các thể chế hoạt động hiệu quả hơn đóng vai trò quan trọng để đảm bảo sử dụng nước bền vững và hợp lý, đánh giá đúng giá trị của nước và cải thiện dịch vụ cung cấp nước.
Thứ hai là đầu tư, bởi việc vận chuyển, duy trì nguồn nước và các dịch vụ vệ sinh đòi hỏi đầu tư và hợp tác quy mô lớn từ lĩnh vực công và tư. Ước tính chi phí toàn cầu cho việc vận chuyển nước và vệ sinh an toàn vào khoảng 150 tỷ USD mỗi năm.
Mặt trận thứ ba chính là sự tham gia của toàn dân để tiến tới một công cuộc chuyển đổi ý nghĩa trong lĩnh vực khai thác và sử dụng nước. Sự hưởng ứng và cùng hành động của người dân với các chính sách, sáng kiến đưa ra sẽ giúp tăng hiệu quả và năng suất, giảm rủi ro, tạo việc làm và tăng thu nhập cho chính người dân.
Diễn đàn nước lần thứ 9 đã bế mạc với tuyên bố “Thỏa thuận xanh” (Blue Deal) kêu gọi đảm bảo tiếp cận nguồn nước và vệ sinh cho tất cả mọi người; đảm bảo nguồn tài chính phù hợp và quản trị toàn diện, cũng như tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nước.
Tuyên bố “Thỏa thuận xanh” được đánh giá có khả năng thúc đẩy triển khai quyền sử dụng nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người thông qua việc cung cấp các khung pháp lý phù hợp.
Tuyên bố cũng kêu gọi ứng dụng luật nhân đạo quốc tế, đặc biệt là những nghị định thư bổ sung cho Công ước Geneva 1949 về bảo vệ nguồn cung nước và các hệ thống vệ sinh cần thiết trong thời gian xảy ra xung đột.
Tuyên bố kêu gọi các bên liên quan áp dụng các kế hoạch quản lý sử dụng nước đồng bộ và bền vững để bảo vệ nguồn tài nguyên nước và hệ sinh thái, đảm bảo khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu và các áp lực nhân khẩu học.
Nước là chủ đề xuyên suốt từ các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến các mục tiêu chống biến đổi khí hậu nêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Quyền tiếp cận sử dụng nước chính là một quyền cơ bản của con người.
Như khẳng định của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Usrula von der Leyen tại diễn đàn này, một hội nghị thảo luận về nước cũng chính là thảo luận về khí hậu và thiên nhiên, các nguồn năng lượng, y tế và các nguồn cung thực phẩm, về an ninh của các khu vực và tình trạng bình đẳng trong xã hội.
Hợp tác xuyên biên giới trong quản lý nước chính là hợp tác vì phát triển bền vững, đạt tiến bộ dựa trên các quan hệ đối tác, là về hòa bình và an ninh và trên hết là vì con người và tương lai của loài người.
Bởi vậy, cộng đồng quốc tế cần thúc đẩy quản trị, đầu tư, sáng tạo và phối hợp rõ nét vì một tương lai an ninh nước cho tất cả mọi người, và cũng để chứng minh nước không phải là nguồn cơn gây xung đột mà là biểu tượng của sự hợp tác và hy vọng./.
Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)