Sắc mới ở Đầm Nại - Ninh Thuận

Cập nhật: 29/03/2022
Đầm Nại ở huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) là 1 trong số 12 đầm phá ven biển nước ta với đặc điểm điển hình của đầm nhiệt đới khô hạn ven biển, giữ vai trò điều hòa ngập lụt, cân bằng nguồn nước ngầm và là “lá phổi” làm sạch môi trường sinh thái cho người dân nơi đây…

Vùng triều Đầm Nại, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận trở thành nơi nuôi hàu Thái Bình Dương với kỹ thuật treo dây thả nuôi trong lồng bè đạt hiệu quả cao.

Sau nhiều năm khôi phục hệ sinh thái từ Dự án trồng mới, phục hồi và kết hợp quản lý bảo vệ rừng chống xâm thực bờ biển thuộc địa bàn huyện Ninh Hải, giai đoạn năm 2015-2020 do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ninh Thuận thực hiện, giờ đây Đầm Nại đang hồi sinh vẻ đẹp vốn có và trở thành vùng nuôi thủy, hải sản có giá trị kinh tế cao. 

Bức tranh thủy mặc hữu tình

Đầm Nại có diện tích khoảng 1.200 ha, trong đó vùng triều chiếm khoảng 800 ha, trải dài qua các xã Tân Hải, Hộ Hải, Tri Hải, thị trấn Khánh Hải… của huyện Ninh Hải, cách trung tâm TP Phan Rang-Tháp Chàm khoảng 8 km về phía bắc.

Anh Huỳnh Văn Chính, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy hải sản và thương mại Đầm Nại, lái chiếc ca-nô nhỏ chở chúng tôi len lỏi qua hàng trăm bè nuôi hàu lớn nhỏ để đi sâu vào vùng triều Đầm Nại. Nhìn trời, mây, nhìn mặt nước lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời, mọi người dâng trào cảm xúc trước khung cảnh hữu tình, vẻ đẹp độc đáo như bức tranh thủy mặc được thiên nhiên ban tặng.

Đầm Nại là vùng nước tự nhiên nằm sâu trong đất liền, có cửa liên thông với biển qua lạch Ninh Chử và nhận nước ngọt từ các kênh mương hệ thống thủy lợi chung quanh. Hơn chục năm trước, người dân đã chặt phá nhiều diện tích rừng ngập mặn nguyên sinh, lấn chiếm đất để làm đìa nuôi tôm, khiến hàng trăm loài thực vật, động vật nổi, động vật đáy và nhiều loại thủy, hải sản đặc trưng rơi vào nguy cơ bị tận diệt.

Vài năm sau đó, mộng nuôi tôm để trở thành triệu phú, tỷ phú của những người đã từng lấn chiếm đất Đầm Nại thất bại vì môi trường bị ô nhiễm, nhiều người đã bỏ làng để trốn nợ để lại hình ảnh nham nhở của nhiều hồ, ao nuôi tôm.

Năm 2015, từ nguồn vốn Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng của Trung ương; vốn ODA, UBND tỉnh Ninh Thuận giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ dự án thực hiện việc khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn; tái tạo nguồn lợi thủy, hải sản khu vực Đầm Nại. Sở cử cán bộ, kỹ sư bám chốt hơn 3 năm thực hiện sách lược 5 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng trồng, cùng bảo vệ và cùng khai thác) với người dân. Từ đó Đầm Nại dần hồi sinh khi hàng trăm ha rừng ngập mặn tự nhiên còn lại được chăm sóc tốt, trở thành lá chắn bao bọc chắc chắn những điểm xung yếu của vành đai khu vực đầm.

Chủ tịch UBND xã Hộ Hải Trương Khắc Sang cho biết, mấy năm nay, môi trường sinh thái tại nơi đây tốt hơn trước rất nhiều. Những tác động tiêu cực đến nguồn lợi thủy, hải sản không còn, nhiều người từng gây hại môi trường vùng đầm thì nay là thành viên tích cực bảo vệ nguồn lợi, sinh thái của đầm và vươn lên khấm khá từ việc nuôi trồng thủy, hải sản đặc thù chỉ có ở Đầm Nại.

Nguyễn Trung

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 28/03/2022