Tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về Công viên Địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch. Qua đó đưa hình ảnh CVĐC hùng vĩ, thơ mộng, đậm đà bản sắc dân tộc nơi địa đầu Tổ quốc vươn tầm quốc tế, đến gần hơn với đông đảo du khách.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Du Già (Yên Minh) tìm hiểu Công viên Địa chất qua các bức tranh do học sinh nhà trường vẽ.
Con đường du lịch trải nghiệm thứ 4 khám phá CVĐC đi qua địa bàn các xã: Du Già, Lũng Hồ, Ngam La, Mậu Long là tuyến đường du lịch xanh với nhiều điểm đến hấp dẫn. Để tăng cường quảng bá tuyến đường du lịch này, đặc biệt là chuẩn bị cho công tác tái đánh giá CVĐC lần thứ 3, huyện Yên Minh đã xây dựng các điểm dừng chân ngắm cảnh; thay mới hệ thống bảng biển, pa nô, áp phíc trên dọc tuyến đường; tổ chức các cuộc thi vẽ tranh trong trường học; tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ di sản cho người dân. Thầy giáo Tạ Quang Hưng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Du Già cho biết: “Để tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh CVĐC, nhà trường lồng ghép các nội dung tuyên truyền vào các môn học; tổ chức các hoạt động ngoại khoá; thi vẽ tranh, giúp các em học sinh nâng cao nhận thức về bảo vệ di sản và chính các em sẽ trở thành những tuyên truyền viên trong cộng đồng”.
Chị Lệnh Thị Trang, nhân viên Trạm thông tin Quản Bạ giới thiệu cho du khách các sản phẩm địa phương - Ảnh: Biện Luân
Trên CVĐC hiện có 4 trạm thông tin đặt tại 4 huyện; tại đây được bố trí 1 bảo tàng mi ni để trưng bày, giới thiệu đặc trưng của dân tộc vùng, bố trí các gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc sản của địa phương. Chị Lệnh Thị Trang, nhân viên Trạm thông tin Quản Bạ, chia sẻ: “Khách du lịch ghé thăm trạm thông tin không chỉ để nghỉ ngơi trên hành trình khám phá CVĐC mà còn để tìm hiểu thông tin. Để quảng bá và giới thiệu về CVĐC cho du khách, ngoài tờ rơi, tập gấp, pa nô, biển bảng tại trạm, chúng tôi luôn tận tình hướng dẫn, giới thiệu cho du khách về các điểm đến trên địa bàn như: Núi đôi Cô tiên, Cổng trời Quản Bạ, Làng Văn hoá du lịch cộng đồng dân tộc Dao thôn Nặm Đăm, hang Lùng Khuý, các đặc sản địa phương... giúp du khách có thêm thông tin, lựa chọn để có chuyến du lịch thú vị”.
Hiện nay, ngoài tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về CVĐC theo cách truyền thống là in, phát tờ rơi, tập gấp, hệ thống pa nô, bảng biển, tỉnh đang đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng số. Các website, mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Fanpage của Ban quản lý CVĐC thường xuyên cập nhập tin tức, hình ảnh; phối hợp với đơn vị đối tác phát hành bản tin điện tử; duy trì kho dữ liệu số. Đặc biệt Lễ hội hoa Tam giác mạch và một số chương trình xúc tiến du lịch đều được tổ chức và phát sóng trên các kênh của nền tảng số thu hút đông đảo các công ty du lịch, lữ hành và du khách quan tâm, theo dõi. Ban quản lý CVĐC đã thiết kế giao diện Website mới dựa trên các khuyến nghị của chuyên gia và các đơn vị chuyên môn để hoạt động hiệu quả; lập mới các trang Youtube, Facebook, Twitter về CVĐC đáp ứng các tiêu chí của mạng lưới CVĐC toàn cầu và nhu cầu cung cấp thông tin tới du khách.
Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên phối hợp với các đơn vị, cơ quan truyền thông trong và ngoài tỉnh, truyền thông quốc tế đưa thông tin, hình ảnh quảng bá về CVĐC. Tổ chức và tham dự nhiều sự kiện, lễ hội trong và ngoài nước nhằm quảng bá hình ảnh CVĐC đến du khách như: Hội thảo liên kết vùng trong chiến lược thúc đẩy kinh tế du lịch tỉnh Hà Giang và các tỉnh Đông - Tây Bắc; Lễ hội Chợ tình Khâu Vai; Lễ hội hoa Tam giác mạch; tham gia các hoạt động ngoại giao văn hóa tại liên hoan ẩm thực quốc tế lần thứ VII tại Hà Nội; tổ chức “Không gian trưng bày văn hóa, du lịch và giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của các dân tộc Hà Giang tại Hà Nội”; Tuần lễ giới thiệu nông sản an toàn tỉnh Hà Giang tại siêu thị Big C Thăng Long; chủ động liên kết, mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia trong mạng lưới CVĐC; khảo sát, thu thập thông tin, hình ảnh biên soạn, in ấn 2 cuốn sách du lịch bỏ túi và bộ tài liệu tour tuyến. Tổ chức các sự kiện thu hút khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm như: Giải Marathon quốc tế “chạy trên cung đường Hạnh Phúc”, Giải Quần vợt “Cúp Cao nguyên đá Hà Giang- Agribank”, du lịch qua miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, cuộc thi Đạp xe địa hình, motor địa hình, chèo thuyền Kayak và đi thuyền trên sông Nho Quế, thám hiểm hẻm vực Tu Sản, trải nghiệm Mê cung đá...
Các huyện trong vùng CVĐC tổ chức xây dựng tin, bài quảng bá về CVĐC trên các phương tiện thông tin đại chúng; đầu tư nâng cấp và xây mới các điểm dừng chân phục vụ du khách; tổ chức tập huấn các kỹ năng cơ bản phục vụ phát triển du lịch cho người dân; vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan; tổ chức các mô hình sản xuất cho du khách trải nghiệm. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng bộ tài liệu giáo dục cộng đồng cho 30 trường học trên địa bàn các huyện vùng CVĐC; tổ chức trên 1.000 buổi cho học sinh tham quan di tích văn hóa lịch sử, làng nghề truyền thống; hơn 1.000 nghệ nhân tham gia truyền dạy văn hóa truyền thống cho học sinh với hàng trăm làn điệu dân ca, dân vũ, hàng chục trò chơi dân gian được giữ gìn. Các đội chiếu phim lưu động lồng ghép tuyên truyền chung tay bảo vệ di sản tại các phiên chợ và thôn, xóm trên địa bàn.
Với sự phong phú, đa dạng, linh hoạt, hiệu quả trong các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, hình ảnh CVĐC được phủ sóng rộng khắp trong và ngoài nước, qua đó góp phần bảo vệ di sản và phát triển du lịch bền vững.
Bài, ảnh: Biện Luân