Du lịch nông nghiệp: Cú đột phá của An Giang

Cập nhật: 08/04/2009
Đây là loại hình “du lịch cộng đồng” nằm trong Dự án “Nâng cao năng lực du lịch nông nghiệp” của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam do Agriterra tài trợ, triển khai tại Mỹ Hòa Hưng (thành phố Long Xuyên) và Văn Giáo (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang).   

Dự kiến, mô hình tại xã Văn Giáo sẽ khai trương hoạt động trong tháng 4 này, nhân dịp đón lễ Chol Chnam Thmay - Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vùng Bảy Núi (từ ngày 10 - 13/4/2009).

Háo hức với cách làm mới

Ông Chau Kim Sary (Chủ tịch Hội Nông dân xã - Trưởng nhóm nông dân cùng sở thích tại Văn Giáo) vui mừng cho hay: “Công tác tập huấn, xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị… đã chuẩn bị xong, chỉ chờ ngày khai trương hoạt động. Đồng bào Khmer ở đây đều biết dự án này. Ai cũng muốn đón coi mô hình mới tại phum, sóc mình”. Có thể xem đây là “sản phẩm mới của ngành du lịch An Giang”, vừa là nét độc đáo lần đầu tiên xuất hiện trên vùng Bảy Núi.

Chị Nguyễn Thúy Nga, chủ quán nước giải khát ở tổ 9, ấp Đây Cà Hom (ven tỉnh lộ 948) vừa chỉ cho chúng tôi xem bảng hướng dẫn tour “Du lịch nông nghiệp ở Văn Giáo” vừa bày tỏ: “Đây là điểm đón khách đầu tiên, tôi hy vọng mọi chuyện tốt đẹp để kiếm thêm thu nhập cho gia đình”.

Theo sắp xếp của tour, xe chở khách du lịch tập kết ở đây, sau đó sẽ có xe ngựa đưa khách tham quan lò nấu đường thốt nốt ở Mằng Rò, làng nghề dệt thổ cẩm Sray Sakoth, viếng chùa Văn Râu… “Tôi thấy cách làm vừa hay, vừa lạ. Hồi nào tới giờ, đâu ai biết làm du lịch, đưa đón khách gì đâu” - chị Nga nói. Chính vì thế, đồng bào Khmer và người Kinh, ngay cả chính quyền và đoàn thể cũng kỳ vọng vào mô hình này.

Trong chuyến khảo sát thực tế và tiếp cận nhóm hộ cùng sở thích tại xã Văn Giáo vừa rồi, bà Riane Koopmans, đại diện Tổ chức Nông dân Hà Lan, rất thích thú khi được dự lễ cưới tại gia đình ông Chau Kim và bà Neáng Khâm cũng như dùng bữa tiệc tại phum, sóc của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi.

Hôm đó, nam nữ thanh niên Khmer múa, hát theo điệu nhạc truyền thống của mình khiến không khí phum, sóc sống động lên hẳn. Một sinh hoạt đậm nét văn hóa dân tộc Khmer và khởi hướng cho tour “Du lịch nông nghiệp” tại đây.

Phum, sóc xanh - sạch - đẹp

Hôm về Văn Giáo, chúng tôi ghé thăm nhà bà Neáng Khên ở tổ 4, ấp Sray Sakoth, được dự án chọn làm nơi tham quan chính về nghề dệt thổ cẩm. Bà rất vui khi mái che trước nhà được dựng lên, không gian rộng rãi hơn, cái tủ đựng sản phẩm dệt đã được đưa hàng vào trưng bày, nhà vệ sinh xây dựng mới.

Bình thường thì ở sơ sài được, bây giờ tham gia du lịch phải mần ăn chu đáo, vệ sinh đàng hoàng thì khách mới tới” - bà Neáng Khên cười. Cùng ở tổ 4, nhà anh Chau Hot (Ec) được chọn làm “Homestay - nơi nghỉ ngơi” cho khách, chúng tôi thấy công việc tu bổ, bố trí phòng ốc, sắp đặt giường, quạt… rất chu đáo để sẵn sàng đón khách.

Khi Dự án “Du lịch nông nghiệp An Giang” triển khai tại Văn Giáo, người dân ở đây cảm thấy như có luồng gió mới thổi vào phum, sóc.

Hiệu quả kinh tế chưa thể khẳng định nhưng lợi ích xã hội đã có kết quả bước đầu khi ý thức bảo môi trường sống trong cộng đồng và hành vi ứng xử từng gia đình có sự thay đổi rõ rệt. Ai cũng hy vọng phum, sóc mình xanh - sạch - đẹp để đón khách tới tham quan.

 

Nguồn: SGGP