Khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam có 9 huyện, là nơi sinh sống của nhiều cộng đồng các dân tộc thiểu số. Đồng thời, tại đây hiện đang lưu giữa nhiều truyền thống văn hóa của các dân tộc bản địa; có nhiều di tích, danh thắng tự nhiên đẹp; khí hậu mát mẻ và độ che phủ của rừng cao. Đây là những tiềm năng, lợi thể để địa phương khai thác, phát triển du lịch, trong đó có du lịch xanh.
Khu vực miền núi Quảng Nam, nơi còn lưu đấu nhiều nét văn hoá truyền thống của các cư dân bản địa - yếu tố quan trọng để khai thác, phát triển du lịch.
Khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam gồm 9 huyện: Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Tiên Phước, Hiệp Đức và Nông Sơn; có diện tích hơn 783 ngàn ha, chiếm trên 74% diện tích toàn tỉnh; với dân số hơn 300 ngàn người, chiếm 20,1% dân số cả tỉnh.
Trong 9 huyện, có 02 huyện là Nam Giang và Tây Giang là huyện biên giới với 14 xã biên giới, giáp với nước bạn Lào. Tại 9 huyện miền núi, các cộng đồng dân tộc cộng cư, sinh sống chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số (khoảng trên 34 ngàn hộ, chiếm gần 40% dân số khu vực), trong đó Cơ Tu gần 15.500 hộ, Xơ Đăng hơn 11.500 hộ, Giẻ Triêng hơn 5.900 hộ, Cor hơn 1.650 hộ; ngoài ra còn có 750 hộ các dân tộc khác.
Trong nhiều năm qua, nhất là từ sau khi tỉnh Quảng Nam tái lập (1997), cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng địa phương luôn dành nhiều quan tâm đầu tư, hỗ trợ và chỉ đạo, lãnh đạo để đưa khu vực miền núi của tỉnh phát triển. Nhiều chủ trương, đề án có liên quan đã được tỉnh và các huyện xây dựng, ban hành. Đây là những định hướng lớn, quan trọng để Quảng Nam và các huyện mở ra các hướng phát triển; là tiền đề để địa phương đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đầu tư phát triển bộ mặt nông thôn miền núi, nâng cao chất lượng đời sống người dân trên địa bàn.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Nam, trên cơ sở các chủ trương, định hướng lớn của tỉnh, đặc biệt là Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 17/8/2016 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển kinh tế- xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng Tây tỉnh Quảng Nam; Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND, ngày 19/4/2017 của HĐND tỉnh Quảng Nam về phát triển kinh tế- xã hội miền núi giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025 và nhiều chương trình, chính sách của Trung ương, tỉnh được tập trung triển khai tại 9 huyện miền núi và đã góp phần đạt các mục tiêu phát triển tại địa bàn này trong những năm gần đây.
Trong các kết quả này, đáng kể nhất là kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đã được cải thiện, tổ chức sản xuất đã có những bước tiến quan trọng, thu nhập của người dân được nâng lên, từng bước thực hiện mục tiêu giảm nghèo và hướng đến phát triển bền vững kinh tế- xã hội miền núi.
Nhà đá tại Làng cổ Lộc Yên - điểm tham quan độc đáo ở Tiên Phước (Quảng Nam).
Đồng thời với những chủ trương, định hướng lớn và những kết quả đạt được bước đầu kể trên, các cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng của tỉnh, huyện cũng nhận thức ngày càng rõ lợi thế, tiềm năng để phát triển của khu vực này. Bởi đây là vùng đất rất giàu tiềm năng cho phát triển; đặc biệt là có nguồn tài nguyên rừng khá lớn, đất đai, địa hình sinh thái đa dạng, hệ động thực vật phong phú, cảnh quan đa dạng, thiên nhiên kỳ thú, có nhiều di tích lịch sử- văn hóa vật thể, phi vật thể cần được quan tâm bảo tồn, khai thác và giữ gìn.
Riêng các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số tại 9 huyện miền núi của tỉnh hiện vẫn được trao truyền, gắn bó trong đời sống gia đình, dòng họ, cộng đồng dân tộc; vẫn đang tiếp tục phát huy giá trị trong việc cố kết cộng đồng, lòng tự tôn dân tộc, khích lệ tình yêu quê hương đất nước; nhiều giá trị đã và đang được xây dựng thành sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tại đây nói riêng cũng như của tỉnh.
Tiếp tục phát huy các kết quả đã gặt hái được, đặc biệt là nhằm mở ra hướng đi bài bản, đảm bảo yêu cầu phát triển phù hợp, xứng tầm với tiềm năng, lợi thế và trên hết là khai thác, đem lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, cùng với các dự án, đề án phát triển du lịch tại các huyện miền núi của tỉnh, những năm qua Tỉnh ủy, HDND, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành nhiều chủ trương phát triển du lịch khu vực miền núi của tỉnh.
Trong các chủ trương này, đáng kể là Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 27/12/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy về phát triển thương mại, du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời với đó, các huyện miền núi của tỉnh cũng ban hành các nghị quyết, đề án phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030….
Từ những chủ trương có tính định hướng trên, đến nay kinh tế du lịch và mô hình làm du lịch tại các huyện miền núi Quảng Nam đã phát triển khá ấn tượng. Nhiều mô hình đã có “tiếng vang”, được du khách gần xa tìm đến. Đặc biệt, vai trò hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế và trong nước cũng được khẳng định, giữ vị trí quan trọng để giúp người dân nâng cao nhận thức, biết cách làm du lịch theo hướng hiệu quả, bền vững.
Trong các mô hình này, có thể kể ra như: Mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại Làng cổ Lộc Yên (huyện Tiên Phước); Làng văn hóa-du lịch Bhơ Hôồng ở xã Sông Kôn, huyện Đông Giang; Dự án phát triển du lịch sinh thái, du lịch sâm Ngọc Linh, du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch sinh thái văn hóa lịch sử về nguồn tại huyện Nam Trà My; Đề án xây dựng làng văn hóa truyền thống Cơ Tu gắn với bảo vệ, phát triển rừng và thu hút đầu tư, phát triển du lịch bền vững tại làng văn hóa thôn Pơ’ning, khu dân cư Arớch (xã Lăng), các thôn của xã A Nông, làng du lịch sinh thái Azứt (Bha’Lêê), thôn Arầng I (A Xan), thôn biên giới Ch’nốc (Ch’Ơm), khu du lịch đỉnh Quế huyện Tây Giang…
Đặc biệt, trong những năm gần đây, hoạt động du lịch ở miền núi Quảng Nam đã có sự đầu tư mạnh mẽ hơn của Nhà nước, các tổ chức như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) với dự án “Phát triển du lịch tại các huyện sâu trong đất liền”, dự án “Du lịch có trách nhiệm” của tổ chức Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Cứu trợ và Phát triển Quốc tế Việt Nam – Nhật Bản (FIDR) với dự án “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu”… và còn rất nhiều mô hình, dự án, đề án khác có liên quan trên lĩnh vực du lịch đã làm thay đổi nhận thức cộng đồng và chính quyền địa phương, tạo ra sinh kế và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp tục xây dựng và phát huy các sản phẩm du lịch đặc trưng của đại ngàn mang đậm sắc thái văn hóa – lịch sử – thiên nhiên. Đây là yếu tố quan trọng giúp du lịch miền núi xứ Quảng nói riêng và Du lịch Quảng Nam xây dựng thương hiệu “Du lịch xanh”, tiếp tục tiến nhanh trên chặng đường phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương./.
Bài, ảnh: Đình Tăng