Phát triển “Du lịch xanh” miền núi Quảng Nam

Cập nhật: 01/04/2022
Bài 3: Phát triển du lịch sâm và cây dược liệu ở Nam Trà My

Khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa bản địa của các dân tộc thiểu số, nhiều di tích, danh thắng tự nhiên đẹp; có khí hậu mát mẻ và độ che phủ của rừng cao. Những tiềm năng, lợi thế này là tiền đề để địa phương khai thác, phát triển du lịch, trong đó có du lịch xanh.

Hình thành du lịch vùng sâm

Là huyện miền núi nằm dưới dãy Ngọc Linh hùng vĩ, Nam Trà My sở hữu nhiều lợi thế về thiên nhiên, con người và văn hóa đa dạng, đặc sắc để phát triển du lịch. Trong đó, lý tưởng nhất là khai thác du lịch cộng đồng dưới góc độ khám phá cây sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu cùng hệ sinh thái thiên nhiên trong lành, gắn với tìm hiểu văn hóa, ẩm thực đặc trưng của vùng cao xứ Quảng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu: Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Trà My luôn quan tâm, có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển du lịch vùng sâm. Nhờ đó đến nay, công tác quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh cũng như Đề án phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 đang được tập trung thực hiện.

“Vừa rồi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản trình Chính phủ đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép làm chương trình sâm Quốc gia. Hy vọng sắp tới chúng ta có một nền công nghiệp sâm tương đồng với công nghiệp sâm Hàn Quốc”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin và cho biết: Du lịch sâm ra đời gắn với việc phát triển sâm. Du lịch sâm và phát triển sâm phải đi đôi song hành cùng nhau. Khi đến tham quan vùng sâm du khách sẽ vừa nghỉ dưỡng, vừa dùng sâm để bồi dưỡng sức khỏe. Điều này sẽ tạo điều kiện cho ngành trồng sâm phát triển. Chúng tôi cũng tin, tương lai du lịch sâm sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhiều hơn nữa.

“Từ 2015 đến nay Quảng Nam đã chú ý, nỗ lực khuyến khích phát triển du lịch sâm. Tuy nhiên trên thực tế vẫn chưa phát triển như mong đợi, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của một “thủ phủ sâm”. Do đó, Quảng Nam đang kiến nghị với Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cho phép đầu tư phát triển đường 40B nhằm tạo thuận lợi về giao thông từ đồng bằng lên vùng sâm. Đồng thời phát triển đường lên núi Ngọc Linh, giúp du khách đến Nam Trà My được thưởng ngoạn rừng nguyên sinh, nghỉ dưỡng, biết về sâm và dùng thử sâm… Đặc biệt, khi vào khu vực rừng nguyên sinh, du khách sẽ có thêm những nhận thức và góp phần gìn giữ, phát triển rừng cũng như bảo vệ môi trường… Có thể thấy, Quảng Nam đang tích cực triển khai các chương trình, kế hoạch để phát triển du lịch sâm”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết.

Du khách tham quan phiên chợ sâm Ngọc Linh đầu tháng 3 vừa qua.

Quả ngọt từ du lịch sâm

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 787/QĐ-TTg ngày 5/6/2017 công nhận sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) là sản phẩm quốc gia, UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý cho phép huyện Nam Trà My tổ chức Lễ hội sâm Ngọc Linh vào ngày 01/8 hằng năm, phiên chợ sâm Ngọc Linh và hàng nông sản đặc trưng miền núi định kỳ trong 03 ngày đầu hàng tháng. Kể từ phiên chợ đầu tiên được tổ chức vào tháng 10/2017, đến nay Nam Trà My vẫn duy trì, tổ chức các phiên chợ hiệu quả, mang lại nguồn thu lớn cho địa phương và người trồng sâm, đồng thời cũng đáp ứng  nhu cầu mua sâm và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh của du khách.

Cùng với các phiên chợ sâm, để tạo ra điểm nhấn cho du lịch, huyện Nam Trà My đã đầu tư, xây dựng nhiều điểm, cơ sở du lịch phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Trong đó phải kể đến vườn sâm Ngọc Linh- Tắk Ngo. Vườn sâm này có diện tích hơn 70ha tại thôn 1 và thôn 2 xã Trà Linh. Bên trong vườn có khu rừng nguyên sinh khoảng hơn 01ha và dòng Nước Doan chảy qua cùng các quầy giới thiệu quy trình sinh trưởng của cây sâm Ngọc Linh từ 01 đến 05 tuổi; hệ thống nhà nghỉ, đường nội bộ. Hiện tại vườn đã trồng được hơn 1.000 cây sâm từ 03 đến 07 tuổi ở 02 khu vực cách nhau để phục vụ khách tham quan.

Cùng với vườn sâm Tắk Ngo, huyện Nam Trà My cũng đã khánh thành, đưa vào sử dụng khu trung tâm giới thiệu, tổ chức hội chợ, phiên chợ sâm Ngọc Linh với tổng kinh phí trên 24,5 tỷ đồng, trên diện tích hơn 03ha gồm nhiều hạng mục và phân khu như: Khu gian trưng bày trong nhà; khu trưng bày nông, lâm sản ngoài nhà; khu điều hành- kiểm định sâm; khu ăn uống, giải trí và không gian công cộng; khu tổ chức lễ hội ngoài trời….

Với nhiều du khách, đến với du lịch vùng sâm tại Nam Trà My là để trải nghiệm, tìm hiểu về sâm Ngọc Linh cũng như được thưởng thức, sử dụng các sản phẩm từ loài sâm quý này.

“Với việc đưa vào sử dụng Khu trung tâm giới thiệu, tổ chức hội chợ, phiên chợ sâm Ngọc Linh cho thấy việc buôn bán, giao thương, trao đổi, tìm hiểu về sâm Ngọc Linh tại Nam Trà My đã có tính chuyên nghiệp, dần khẳng định giá trị của cây sâm Ngọc Linh. Đặc biệt, trong 02 năm dịch bệnh COVID-19 vừa qua, các phiên chợ sâm Ngọc Linh vẫn diễn ra theo hình thức online. Đây là một sáng kiến độc đáo, hiệu quả khi đồng bào miền núi biết ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, thương mại điện tử để giới thiệu sản phẩm nhằm nâng tầm thương hiệu và giá trị của sâm Ngọc Linh. Chính nhờ sự bài bản, chuyên nghiệp đó, du khách đến mua sâm càng thêm tin tưởng, an tâm”- Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng cho biết.

Để tiếp tục mở rộng quy mô và đa dạng các sản phẩm du lịch vùng sâm, trong những năm gần đây huyện Nam Trà My đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp các địa điểm tham quan nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Đồng thời, huyện cũng tập trung làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch gắn với phát huy lợi thế cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn cũng như bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông, điện, nước, an ninh, trạm BTS phủ sóng 3G, 4G …cũng được Nam Trà My hình thành để phục vụ, thu hút du khách tham quan. Đặc biệt, nhiều dịch vụ phát triển du lịch như nhà hàng, cơ sở lưu trú cũng đã được ra đời...

Nhờ xác định đúng trọng tâm là phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng dựa trên tiềm năng, thế mạnh vùng sâm, cây dược liệu cũng như sự đa dạng về sắc thái văn hóa truyền thống bản địa, du lịch Nam Trà My trong những năm qua không ngừng phát triển. Cụ thể, năm 2017 lượng khách đến Nam Trà My khoảng 10.000 du khách, tổng nguồn thu hơn 10 tỷ đồng. Đến năm 2018, lượng khách tăng lên gần 25.000 người, năm 2019 là 30.000 người, năm 2020 là 50.000 lượt khách...

Từ năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài nên lượng khách tại đây giảm chỉ còn 30.000 lượt, chủ yếu đến từ phiên chợ và Lễ hội sâm Ngọc Linh cũng như các địa điểm tham quan trên địa bàn. Tổng nguồn thu từ du lịch mỗi năm từ 2020 đến 2021 tại Nam Trà My là 50 tỷ đồng.

Sâm Ngọc Linh và dược liệu- thế mạnh để Nam Trà My khai thác, phát triển du lịch.

“Theo thống kê, lượng du khách và doanh thu từ du lịch trên địa bàn huyện Nam Trà My tăng trên 300% so với chương trình mà huyện đưa ra. Điều này khẳng định, việc Nam Trà My tập trung phát triển đồng thời 02 khía cạnh của nền kinh tế địa phương là bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh gắn với phát triển du lịch, trong đó có du lịch vùng sâm và dược liệu thời gian qua đang đi đúng hướng, mang lại hiệu quả bước đầu. Đây cũng là định hướng phát triển sắp tới mà địa phương đang tập trung nhằm xây dựng hình ảnh, thương hiệu “Du lịch xanh” cho địa phương”- ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My khẳng định./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

Nguồn: Báo Đảng Cộng sản - dangcongsan.vn - Đăng ngày 31/03/2022