Xây dựng, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho cư dân biển, ven biển
Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm nhiều nội dung, giải pháp, trong đó có nội dung, giải pháp về nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển.
Theo Kế hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nghị quyết yêu cầu bổ sung và xây dựng đầy đủ hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục tại các đảo. Bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, hải đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng; thực hiện đầy đủ các quy định quốc tế về đảm bảo y tế cho hoạt động trên biển… Xây dựng, hoàn thiện và phát triển các thiết chế văn hóa cho cộng đồng dân cư biển và ven biển. Duy trì, phục hồi và phát triển các lễ hội, di tích lịch sử, văn hóa; bảo tồn không gian văn hóa, kiến trúc và di sản thiên nhiên, duy trì, phát triển các trung tâm văn hóa đặc trưng tại các tỉnh, thành phố có biển; tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của biển và đại dương trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, nâng cao điều kiện làm việc và nhận thức về an toàn, an ninh hàng hải cho người đi biển và ngư dân.
Ninh Thuận khai thác tiềm năng, lợi thế về biển
Tiếp nối một trong 6 trụ cột trong Quy hoạch phát triển tỉnh Ninh Thuận được Chính phủ phê duyệt năm 2020, phát triển kinh tế biển đa dạng, đa lĩnh vực, khai thác hết hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về biển đã được UBND tỉnh Ninh Thuận xác định rõ qua các kế hoạch đầu tư và phát triển.
Mỗi khi nước triều rút, bãi rạn san hô trải dài cả km ở biển Đông Hải ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) hiện lên với muôn hình dáng, màu sắc độc đáo. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN
Với chiều dài bờ biển hơn 100 km, tỉnh Ninh Thuận tập trung phát triển đa dạng ngành nghề liên quan biển như phát triển năng lượng và các ngành kinh tế biển mới, phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ biển, các khu, cụm công nghiệp ven biển và các khu đô thị sinh thái ven biển, kinh tế hàng hải, tài nguyên khoáng sản biển… Xác định công nghiệp ven biển là một trong những ưu tiên để phát triển các ngành kinh tế biển, tỉnh tập trung thu hút đầu tư vào các dự án công nghiệp quy mô lớn, có công nghệ tiên tiến, để tạo đột phá phát triển các ngành công nghiệp biển và ven biển, khuyến khích phát triển các công nghiệp chế biến thủy sản; công nghiệp khai thác; chế biến muối và sản phẩm sau muối; công nghiệp phụ trợ; công nghiệp đóng mới; sửa chữa tàu thuyền phục vụ đánh bắt hải sản; phát triển các sản phẩm làng nghề chế biến cá hấp, chế biến nước mắm...
Ngoài ra, tỉnh Ninh Thuận chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đạt kết quả bước đầu, hoàn thiện hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; công tác quy hoạch xây dựng các khu du lịch trọng điểm, khai thác lợi thế về du lịch biển, xây dựng các điểm đến được quan tâm chỉ đạo thực hiện, ban hành cơ chế thu hút phát triển du lịch trọng điểm có đẳng cấp cao trên địa bàn, gắn với đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các khu quy hoạch du lịch của tỉnh.
Khai trương tuyến tàu cao tốc đường thủy từ Đà Nẵng đến đảo Lý Sơn
Từ ngày 9/4, Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc (Phú Quốc Express) sẽ tổ chức tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo Đà Nẵng- Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Tàu có sức chở gần 600 khách và rút ngắn thời gian di chuyển từ Đà Nẵng đến đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi chỉ hơn 2 giờ.
Mỗi tuần sẽ có 4 chuyến, vào thứ 3 và thứ 7 khởi hành lúc 8 giờ tại cảng sông Hàn- Đà Nẵng đi đảo Lý Sơn; thứ 4 và chủ nhật khởi hành lúc 14 giờ từ đảo Lý Sơn về Đà Nẵng.
Tàu cao tốc chạy tuyến Đà Nẵng-Lý Sơn đưa các đại biểu và người dân trải nghiệm đi tàu trên Sông Hàn trong ngày khai trương. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho biết: “Tuyến đường thủy này nhằm tăng cường liên kết phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung-Tây Nguyên nói chung và giữa hai địa phương Đà Nẵng- Quảng Ngãi nói riêng. Thành phố Đà Nẵng mong muốn, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường thủy, doanh nghiệp lữ hành thuận lợi trong việc khai thác phục vụ khách du lịch qua tuyến đường thủy Đà Nẵng- Lý Sơn./.