Du lịch Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, trở thành một trong những điểm đến quan trọng trên bản đồ du lịch thế giới. Du lịch được coi là một trong các lĩnh vực chính giúp phát triển kinh tế khu vực và quốc gia. Trong đó, nỗ lực tạo dựng các khu vực có cảnh quan đẹp, cải thiện môi trường và vệ sinh, cải thiện không gian nội đô và quảng bá các điểm du lịch là chiến lược đối với TP. Vũng Tàu. Nhờ đó, Vũng Tàu ngày càng là điểm đến thân thiện, môi trường du lịch xanh, đặc biệt, chính quyền cũng như người dân nơi đây đang nỗ lực tổ chức các hoạt động để giữ vững danh hiệu “Thành phố (TP) Du lịch sạch ASEAN”.
Tiêu chuẩn TP du lịch sạch của ASEAN
Nỗ lực tạo dựng các khu vực có cảnh quan đẹp, cải thiện môi trường và vệ sinh, cải thiện không gian nội đô và quảng bá các điểm du lịch có tầm quan trọng chiến lược đối với các TP. Vì thế, việc thể hiện lòng hiếu khách cùng thái độ niềm nở ở khu vực nội đô là quan trọng vì nhiều điểm du lịch nằm ngay, hoặc tiếp giáp với các TP. Để phát triển du lịch và đáp ứng được yêu cầu của khách tham quan, chính quyền địa phương phải nghiêm túc xem xét các khía cạnh môi trường và tiêu chuẩn sống tại các TP của mình. Vì vậy, việc thiết lập các tiêu chuẩn TP du lịch sạch của ASEAN (ACTCS) là cần thiết, cung cấp cho các quốc gia thành viên ASEAN tiêu chí thông thường cần đạt được để làm khách du lịch hài lòng hơn, gia tăng số lượng khách đến tham quan và cải thiện điều kiện sống cho người dân địa phương. ACTCS nhằm cung cấp cho các quốc gia thành viên ASEAN một công cụ cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch tại các TP, tăng cường năng lực cạnh tranh tiếp thị, đồng thời cải thiện đời sống của người dân địa phương và sinh kế thông qua giảm nghèo. Những tiêu chuẩn này được đề ra nhằm BVMT, do đó, nội dung cũng hướng tới việc giải quyết tác động của biến đổi khí hậu và góp phần vào sự phát triển bền vững cho các TP của ASEAN.
ACTCS tập trung vào những TP du lịch có lượng khách đến thường xuyên và có những thắng cảnh văn hóa, tự nhiên hoặc nhân tạo. Những chỉ số được dùng để đánh giá trong ACTCS dựa trên các tiêu chí sau: Quản lý môi trường; Sự vệ sinh, sạch sẽ; Quản lý rác thải; Nâng cao nhận thức về BVMT và vệ sinh; Các không gian xanh; An toàn sức khỏe và an ninh, an toàn trong đô thị; Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất ngành du lịch. ASEAN bao gồm 10 quốc gia với mức độ phát triển du lịch, lượng khách du lịch, loại hình khách du lịch, mức độ ảnh hưởng của du lịch đối với nền kinh tế và môi trường, thể chế chính trị với những chính sách, quy định, điều luật khác nhau. Vì vậy, để ACTCS có thể thành công và hữu ích với mỗi quốc gia, những tiêu chí lựa chọn để đánh giá chuẩn của khu vực cần: Cơ bản phù hợp với mọi quốc gia thành viên; Được đa số các quốc gia thành viên đồng ý; Linh hoạt; Dễ đánh giá và kiểm soát. Do tính chất linh hoạt nên bộ tiêu chuẩn khu vực được rà soát lại nội dung 3 năm một lần.
Vũng Tàu đạt giải thưởng TP du lịch sạch ASEAN lần thứ 2
Tại Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2022 với chủ đề “Một cộng đồng vì hòa bình và tương lai chung” được tổ chức tại Campuchia, Vũng Tàu cùng với Hạ Long và Đà Lạt là 3 TP của Việt Nam đã vinh dự được nhận giải thưởng TP Du lịch sạch ASEAN. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, TP. Vũng Tàu nhận được giải thưởng này, lần thứ nhất là vào năm 2020 diễn ra tại Brunei. Để được công nhận là TP du lịch sạch ASEAN năm 2021 (trong khuôn khổ ATF 2022 diễn ra tại Campuchia vào ngày 19/1/2022), TP. Vũng Tàu đã vượt qua 7 tiêu chí mà ATF đề ra, bao gồm: Quản lý môi trường chung; Đường phố sạch sẽ, vệ sinh; Quản lý xử lý tốt chất thải, nước thải; Chính quyền và cộng đồng có ý thức BVMT và giữ gìn vệ sinh đường phố; Nhiều không gian xanh; Có các điều kiện tốt bảo đảm an toàn sức khỏe, an ninh đô thị đối với du khách; Hạ tầng và các phương tiện phục vụ du lịch phù hợp và đạt chuẩn. Trong đó quản lý môi trường chung, đường phố sạch sẽ, vệ sinh; Chính quyền và cộng đồng có ý thức BVMT, giữ gìn vệ sinh đường phố là 2 tiêu chí quan trọng. Theo đó, TP. Vũng Tàu luôn thực hiện quyết liệt công tác BVMT các bãi biển. Ngoài việc yêu cầu các hợp tác xã du lịch tắm biển, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch không được tổ chức nấu nướng, buôn bán, ăn nhậu trên bãi biển, TP. Vũng Tàu còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân và cộng đồng về BVMT. Song song đó, UBND TP. Vũng Tàu đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác giám sát công tác thu gom rác thải tại các tuyến đường, bãi biển; xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về BVMT.
Đặc biệt, sở hữu nhiều bãi biển đẹp và cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh, Vũng Tàu là một địa điểm du lịch nổi tiếng tại miền Nam. Nhiều năm qua, với sự nỗ lực của chính quyền, nhân dân TP. Vũng Tàu, môi trường du lịch là điểm sáng được du khách ghi nhận và tin tưởng, ngành du lịch cả nước đánh giá cao. Năm 2021, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống của TP. Vũng Tàu ước đạt 5.527 tỷ đồng, đạt 87,84% kế hoạch TP xây dựng, bằng 94,72% so với cùng kỳ năm 2020. Còn thu ngân sách đạt khoảng 6.060,914 tỷ đồng, đạt 165% so dự toán tỉnh giao, bằng 147% dự toán TP xây dựng (bao gồm thu kết dư, chuyển nguồn). Trong đó, thu thuế ước đạt 4.700,437 tỷ đồng. Tại TP. Vũng Tàu có bãi tắm Thùy Vân, Chí Linh, Bãi Dứa, Bãi Dâu, Bãi Trước. Cùng với du lịch biển, Bà Rịa - Vũng Tàu có các núi địa hình và cảnh quan như Minh Đạm, Núi Dinh, Núi Lớn, Núi Nhỏ... có khả năng hình thành các khu du lịch phức hợp quy mô quốc tế. Trong khi đó, các di tích lịch sử, kiến trúc tôn giáo như khu Đình Thắng Tam, Thích ca Phật Đài, tượng Chúa Kitô, Bạch Dinh hay Trận địa pháo cổ là những nơi có thể phát triển thành điểm du lịch lễ hội, tâm linh.
Bãi Trước, TP. Vũng Tàu
Quyết tâm giữ vững danh hiệu
Để giữ vững danh hiệu TP du lịch sạch ASEAN, trong tời gian tới, TP cần triển khai các giải pháp như: Tuyên truyền vận động người dân TP và du khách nâng cao ý thức BVMT, cảnh quan của TP; thực hiện việc phân loại rác thải bảo đảm quy định của Luật BVMT năm 2020 theo nguyên tắc: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác…
Mục tiêu của TP là đến năm 2025, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt; tỷ lệ thất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom xử lý 100%; chỉ tiêu đất cây xanh toàn đô thị đạt 7 m²/người trở lên; đến năm 2030, chỉ tiêu đất cây xanh toàn đô thị đạt 9 m²/người trở lên và năm 2035 sẽ là 10 m²/người trở lên. Vì thế, các cấp, chính quyền cần chung tay chăm sóc và bảo vệ hệ thống cây xanh của TP; phát triển du lịch sinh thái gắn liền với việc hệ thống động, thực vật trên hệ thống rừng ngập mặn, sông rạch phía Tây TP. TP. Vũng Tàu đang phấn đấu khai thác tốt các tài nguyên thiên nhiên sẵn có, chú trọng BVMT, giảm rác thải nhựa; đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất phát triển theo hướng bền vững và thực hiện có hiệu quả việc quảng bá du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến với phố biển Vũng Tàu nhiều hơn nữa. Song song với đó, TP đẩy nhanh tiến độ đầu tư công viên Bàu Sen, hồ Võ Thị Sáu để bổ sung không gian xanh đô thị.
Ngoài ra, TP. Vũng Tàu cần đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý, điều hành, cải cách thủ tục hành chính… để thực hiện các mục tiêu về đô thị thông minh nhằm cung cấp các dịch vụ cao về du lịch, môi trường, tạo điều kiện cho tất cả người dân và doanh nghiệp được giám sát, tham gia vào quá trình xây dựng đô thị, phát huy vai trò làm chủ của mình cũng như đóng góp trong việc phát triển kinh tế của địa phương.
Việc 2 năm liên tiếp (2020, 2021) được công nhận là TP du lịch sạch ASEAN sẽ giúp cho Vũng Tàu có cơ hội quảng bá thương hiệu, hình ảnh đến du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt là thông điệp gửi đến du khách quốc tế: Vũng Tàu là TP biển, khí hậu ôn hòa, có thể tắm biển quanh năm, nhiều thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hải sản tươi ngon, môi trường sạch, đẹp, con người thân thiện, văn minh.
Nguyễn Thùy Vân