Đà Nẵng: Nam Ô, chuyện cũ của làng chài

Cập nhật: 06/04/2022
Ngày nay, nhiều địa phương phát động chiến dịch bảo vệ môi trường biển thì hàng trăm năm trước, các thế hệ người dân ở làng chài Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) đã xem trọng việc không được đánh rơi các vật dụng trên thuyền đánh cá xuống biển, bởi như vậy là đắc tội với biển, phải tới Điện Cô Cử, hoặc Miếu Âm Hồn để xin xả điều xúi quẩy.

Đền thờ Huyền Trân Công chúa tại làng chài Nam Ô

“Hồi nớ tui đi biển thì anh em bạn chài thường dặn là không được để rớt bất cứ cái chi trên ghe xuống biển, chẳng hạn như làm rớt cái chén ăn cơm, đôi đũa, con dao... Như vậy thì xúi quẩy lắm và khi về phải tới Điện Bà để xem, vẽ lại đúng cái hình đồ vật bị rớt, rồi ra bờ biển đốt, thả tro xuống để xui rủi trôi đi” - ông Đinh Rễ, 72 tuổi, ngư dân một thời ở làng chài kể lại chuyện Nam Ô trong quá khứ và nhìn ra biển bằng ánh mắt bàng bạc, xa xăm. Phong tục đi biển không được ném đồ vật xuống nước, vì sẽ bị ông bà quở trách được các cụ già ở làng chài Nam Ô truyền từ đời này sang đời khác và mãi tới gần đây thì mới thôi không áp dụng. Nhưng suy cho cùng, đó là cách để các cụ già ở làng Nam Ô giáo dục con cháu bảo vệ môi trường biển.

Từ câu chuyện 70 năm trước, quay lại với thực tại, làng chài Nam Ô vào những ngày giáp Tết Nhâm Dần, bóng cờ ngũ sắc bay lất phất trên cột cờ Miếu Bà Liễu Hạnh. Theo truyền thuyết dân gian Việt Nam, bà là con thứ 2 của Ngọc hoàng Thượng đế 3 lần giáng trần. Triều đình nhà Nguyễn sau này nhiều lần ban sắc phong cho bà là “Mẫu nghi thiên hạ - Mẹ của muôn dân”. Các cụ già đi qua Miếu Bà Liễu Hạnh và cho biết, nơi này từng được xem như là chốn linh thiêng nhất ở đất Đà Nẵng, nhiều chục năm trước, cư dân ở phố đều phải dồn về Nam Ô để làm thuê kiếm sống bằng nghề đánh cá cơm, vây cá trích. Thành quả có được hàng mấy trăm năm đó là nhờ ơn của bà Liễu Hạnh và Huyền Trân Công chúa ban phước cho dân lành có cuộc sống no đủ.

Ngày cuối năm, từ làng chài Nam Ô nhìn ra biển đầy những chiếc thuyền gắn máy nhỏ đang nằm im lìm sau một đêm ra biển đánh bắt. Thuyền nằm trải dài trên bờ vịnh cong cong như hình bán nguyệt ăn sâu vào đất liền.

Địa thế của Nam Ô chính là nguyên nhân từng biến nơi đây thành thủ phủ nghề cá của thành phố Đà Nẵng một thời. Do vịnh nước tương đối kín sóng, gió, mỗi đêm ngư dân kéo buồm đi khoảng gần 1 giờ ra biển, sau đó thả lưới đánh cá, sáng sớm thuyền lại trở về với cá đầy khoang. Nơi đây từng có một trạm để tiếp nhận thư từ, khiêng cáng quan lại từ Huế vào thành phố Đà Nẵng và ngược lại, vì vậy, chắc chắn Nam Ô là nơi tiếp nhận, giao thoa nhiều luồng văn hóa vùng miền. Dù là nơi sớm tiếp nhận nền văn minh của phương Tây, nhưng có những tục lệ như cúng tạ việc làm rơi đồ vật trên tàu xuống biển vẫn được người dân làng chài lưu giữ đến mãi về sau.

Một góc làng chài Nam Ô

Khi đi biển, trừ chi phí của mỗi đêm đánh cá thì chủ thuyền được hưởng lợi tức 50%, còn một nửa chia đều cho bạn chài. Cuộc sống dù no đủ, nhưng cũng chỉ kéo dài từ tháng 1 tới tháng 7 là phải kéo thuyền lên bờ, đút chèo vô bụi. Vì sau thời gian trên, thời tiết bắt đầu thay đổi và không có phương tiện dự báo sớm nên người dân Nam Ô đành phải nghỉ đông 6 tháng, sau đó mới đi làm trở lại. Khi chủ thuyền tuyên bố nghỉ đông thì bạn chài ngơ ngác kiếm đường mưu sinh, vì số tiền chia ít ỏi không thể trang trải đủ cho gia đình với hàng chục đứa con (người dân Nam Ô một thời sinh con rất đông, nhiều gia đình có tới 10 người con) trong 6 tháng còn lại, vậy là họ kéo nhau đón xe vào vùng biển Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận để đi bạn. Miền Nam là vùng đất rất ít bị bão tố, nên ngư dân có cuộc sống bám biển quanh năm. Ở vùng đất phương Nam không có nhiều dinh miếu như tại làng chài Nam Ô, quan niệm và tục kiêng cữ của ngư dân làm biển cũng thoáng hơn, nhưng do quen với suy nghĩ ngưỡng vọng về ông bà, tổ tiên, nên ngư dân Nam Ô vẫn giữ tục lệ không đánh rơi vật dụng xuống biển.

“Không hiểu sao, thu nhập của ghe tui mấy bữa nay chẳng có. Chu, bạn bè hắn trên ghe làm rớt cái chén nên chắc cô bác quở, làm ăn không ra chi” - ông Rễ thuật lại đoạn đối thoại mà ông từng nghe từ ông chủ thuyền là Dương Hựu Thử đối đáp với cô Cử, là người chủ tế của điện thờ. Vậy rồi, cô Cử vẽ ngay một cái tô ra giấy và ông chủ thuyền vội vã chạy về bãi biển Nam Ô, lặng lẽ đốt rồi thổi tro xuống nước. Xong việc, buổi chiều đó, ông Thử lại hè anh em đi biển, nhưng dặn chừng, đừng để thêm cái chi rơi rớt xuống biển, vì biển mà nổi giận thì ngư dân cũng hết đường mưu sinh.

Bài, ảnh: Lê Văn Chương

Nguồn: Báo Hải quân Việt Nam - baohaiquanvietnam.vn - Đăng ngày 23/02/2022