Tình trạng phát triển các cơ sở hạ tầng và khu du lịch cũng như việc khai thác các nguồn tài nguyên quá mức, ô nhiễm rác thải nhựa đang khiến hệ sinh thái cỏ biển miền Trung Việt Nam suy giảm nghiêm trọng.
Tóm tắt
Vùng ven biển miền Trung là một trong những khu vực có thảm cỏ biển phân bố phong phú và đa dạng của Việt Nam, các thảm cỏ biển ở đây đang ngày một suy giảm và tàn lụi, đang đối mặt với nhiều nguyên nhân gây suy thoái do hoạt động của con người như nuôi trồng thủy hải sản, xây dựng cảng biển, phát triển các cơ sở hạ tầng và khu du lịch cũng như tình trạng khai thác các nguồn tài nguyên quá mức, ô nhiễm rác thải nhựa. Số lượng và diện tích phân bố của các loài cỏ biển ở tất cả các khu vực biển miền Trung đều đang giảm dần theo thời gian, thậm chí có khu vực suy giảm 80% tỷ lệ diện tích. Trên cơ sở đó, một số giải pháp được đề xuất nhằm phục hồi hệ sinh thái cỏ biển miền Trung.
Đặt vấn đề
Trong các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển, hệ sinh thái cỏ biển sống ở môi trường nước biển hoặc nước lợ, đóng vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái biển ven bờ, bao gồm cửa sông, đầm phá và vũng vịnh. Các thảm cỏ này có mối quan hệ chặt chẽ với động vật, môi trường xung quanh, chúng là cầu nối trong con đường di cư của sinh vật và là quần cư ươm giống cho biển (Hình 1). Các thảm cỏ biển phát triển ở vùng trung gian giữa rừng ngập mặn và rạn san hô hoặc là vùng đệm của hai hệ sinh thái khác nhau. Do đó, chúng trở thành điểm dừng chân của nhiều loài cá, động vật không xương sống, thú và bò sát. Lượng thủy sản và các dịch vụ được cung cấp từ hệ sinh thái cỏ biển ước tính trên 20 triệu USD mỗi năm. Nhóm thực vật bậc cao này có thể xử lý một số chất ô nhiễm môi trường bằng phương pháp sinh học, giúp bảo vệ các sinh vật và chống xói mòn. Ngoài các giá trị sử dụng trực tiếp và gián tiếp, thì giá trị hấp thụ và lưu trữ carbon của cỏ biển cũng rất cao. Mỗi hecta cỏ biển có khả năng lưu giữ lượng CO2 cao gấp đôi so với mỗi hecta rừng mưa nhiệt đới (Nguyễn Văn Tiến, 2013), lượng khí CO2 có thể được trao đổi trên thị trường năng lượng của châu Âu (BLUENEXT). Giá trị mỗi tín chỉ carbon phụ thuộc vào loại dự án thực hiện, dao động từ 4-6 Euro. Tuy nhiên, cỏ biển một trong những hệ sinh thái có giá trị nhất ở vùng biển ven bờ và chúng cũng bị đe dọa nhiều nhất trên thế giới (Tan và cộng sự, 2020). Thảm cỏ biển là một trong những nơi lưu trữ carbon hiệu quả nhất trên Trái đất, ngăn chặn carbon thoát ra ngoài khí quyển dưới dạng carbon dioxide. Do đó, thảm thực vật này được xem như là những bể chứa carbon xanh. Những thảm cỏ biển cũng hỗ trợ nghề cá gần bờ và xa bờ, đồng thời bảo vệ bờ biển cũng như các sinh cảnh khác.
Thực trạng hệ sinh thái cỏ biển miền Trung
Vùng ven biển miền Trung là một trong những khu vực có thảm cỏ biển phân bố phong phú và đa dạng của Việt Nam (Hoàng Công Tín và cộng sự, 2020). Với địa hình đa dạng, nhiều vũng vịnh, không chịu tác động của những con sông lớn như sông Hồng hay sông Cửu Long nên đây là khu vực lý tưởng cho các thảm cỏ biển phát triển. Sự phong phú về nguồn lợi thủy hải sản ở khu vực biển miền Trung một phần cũng nhờ vào những thảm cỏ biển này. Vì vậy, các nghiên cứu về sự phân bố và đặc điểm sinh thái của thảm thực vật này hết sức cần thiết.
Một hệ sinh thái thảm cỏ biển tiêu biểu ở vùng biển ven bờ miền Trung (Ảnh HC. Tín, Lý Sơn – tháng 8/2018).
Gần đây, các nhà khoa học đã đánh giá đặc điểm sinh thái của các loài cỏ biển bằng cách kết hợp các phương pháp nghiên cứu khác nhau. Ban đầu các nhà nghiên cứu dùng thuyền khảo sát trực tiếp trên thảm cỏ biển để thu thập mẫu cỏ biển, xác định các loại nền đáy. Sau đó, mẫu cỏ biển được bảo quản rồi vận chuyển về phòng thí nghiệm để xác định loài và phân tích các đặc điểm sinh thái như chiều cao chồi, mật độ chồi, sinh khối trên mặt đất, sinh khối dưới mặt đất, độ phủ. Một số nghiên cứu về cỏ biển miền Trung có thể kể đến là Cao Văn Lương & cs đã xác định được 5 loài (Enhalus acoroides, Halophila ovalis, H. major, Halodule pinifolia và Ruppia maritima) tại Đầm Nại – Ninh Thuận vào năm 2014, nâng tổng số loài cỏ biển đã biết lại đây từ 3 loài lên đến 6 loài. Tổng diện tích phân bố cỏ biển ước tính lên tới 90 ha (Cao Văn Lương và cộng sự, 2014). Cũng trong năm này, Cao Văn Lương và cộng sự cũng đã điều tra khảo sát về thành phần loài, sinh lượng, phân bố và độ phủ của cỏ biển dọc các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình. Kết quả cho thấy Quảng Ninh là khu vực có nhiều loài cỏ biển nhất (Halophila beccarii, Halophila ovalis, Halodule pinifolia, Ruppia maritima và Zostera japonica).
Sơ đồ vị trí các thảm cỏ biển ở vùng ven biển miền Trung đã được Nhóm nghiên cứu Tài nguyên, Môi trường và Sinh thái vùng ven biển (CORE), Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế tiến hành điều tra, khảo sát.
Giá trị kinh tế của thảm cỏ biển được ước tính bao gồm (i) giá trị sử dụng từ thủy sản và du lịch sinh thái; (ii) giá trị sử dụng gián tiếp từ quá trình hấp thụ carbon và chức năng lưu trữ; và (iii) giá trị phi sử dụng của hệ sinh thái cỏ biển. Cỏ biển được xem là môi trường thuận lợi cho nghề nuôi biển. Cỏ biển cung cấp môi trường sống và thức ăn cho nhiều loại động vật biển, từ động vật không xương sống nhỏ đến cá lớn, cua, rùa và động vật có vú. Theo nghiên cứu thu được của Suhatai Praisankul, diện tích thảm cỏ biển tại các vùng ven biển ở Thái Lan vào năm 2013 đã mở rộng lên đến 18.986 ha, trong đó giá trị kinh tế của thảm cỏ biển thu được từ ngư nghiệp và du lịch ước tính là 1,2 triệu USD và 5 triệu USD tương ứng (Praisankul và Nabangchang-Srisawalak, 2016).
Bên cạnh đó, các thảm cỏ biển được xem là các bể chứa carbon hiệu quả nhất trên Trái đất. Giá trị sử dụng gián tiếp được ước tính từ khả năng hấp thụ carbon của các thảm cỏ biển tại Thái Lan trị giá lên tới 65 triệu USD (Praisankul và Nabangchang-Srisawalak, 2016). Ngoài ra, các khu vực ven biển miền Trung Việt Nam được đặc trưng bởi các hệ sinh thái thảm cỏ biển. Năm 2019, Cao Văn Lương đã nghiên cứu khả năng lưu trữ carbon và lượng giá giá trị hấp thụ CO2 của các thảm cỏ biển bằng giá tín chỉ carbon dự báo đến năm 2030 của Societe Generale là 60 Euro (tương đương với 67 USD) ở một số đầm phá tiêu biểu miền Trung, bao gồm: đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, đầm Thị Nại và đầm Nại. Kết quả ước tính cho thấy, tổng giá trị hấp thụ CO2 của cỏ biển tại ba đầm phá đạt được khoảng 2.561.263 USD, tương đương với khoảng 59 tỷ VNĐ. Lượng carbon hữu cơ trong sinh khối cỏ biển mang lại thu nhập cho cộng đồng tại ba khu vực nghiên cứu trung bình khoảng 25,5 triệu đồng/ha, trong đó giá trị hấp thụ và lưu trữ của thảm cỏ biển tại đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, đầm Thị Nại và đầm Nại lần lượt là 27,9 triệu đồng/ha, 4,3 triệu đồng/ha và 13,2 triệu đồng/ha. Qua đây có thể thấy rằng nếu thực hiện được việc quy đổi và bán tín chỉ carbon ở mỗi đơn vị diện tích cỏ biển (ha) sẽ mang lại thu nhập cho cộng đồng tại các khu vực ven biển và đầm phá.
Giá trị phi sử dụng của hệ sinh thái cỏ biển được đánh giá dựa trên nhận thức của người dân sinh sống thông qua sự sẵn lòng chi trả của họ nhằm bảo vệ các hệ sinh thái này (Trần và Hoàng, 2017). Giá trị vô hình và phi thương mại của chúng tại các khu vực ven biển ở Thái Lan được ước tính lên đến 275 triệu USD (Praisankul và Nabangchang-Srisawalak, 2016). Chính vì vậy, giá trị của hệ sinh thái thảm cỏ biển là rất lớn và đầy hứa hẹn nhằm thúc đẩy kinh tế của các vùng ven biển nếu chúng được khai thác một cách hợp lý.
Diện tích phân bố của cỏ biển ở Quảng Ninh, Hải Phòng và Quảng Bình lần lượt là 1.450 ha, 490 ha, và 350 ha. Các tỉnh còn lại trung bình có khoảng 100 ha (Cao Văn Lương và cộng sự, 2014). Đến nay, các nhà khoa học đang kết hợp phương pháp khảo sát thực địa, công nghệ GIS và kỹ thuật ảnh viễn thám vệ tinh để nghiên cứu đặc điểm của nhóm thực vật này. Đây là một trong những công đoạn phức tạp nhất trong quá trình nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu phải thu thập dữ liệu vệ tinh, hiệu chỉnh bức xạ, hiệu chỉnh khí quyển, hiệu chỉnh cột nước và giải đoán ảnh viễn thám dựa trên các điểm chìa khóa được xác định trong quá trình thực địa. Với sự phát triển trong những năm gần đây của ảnh viễn thám vệ tinh, đặc biệt là hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao SPOT, IKONOS, Quickbird, OrbView-3, PlanetScope và chụp ảnh trên không cùng với tần suất chụp ảnh tăng, nhiều dự án nghiên cứu về hiện trạng phân bố cỏ biển đã được thực hiện bằng dữ liệu viễn thám vệ tinh như Hoàng Công Tín và cộng sự (2019, 2021), Trần Ngọc Khánh Ni và cộng sự (2020), Nguyễn Hữu Chí Tư và cộng sự (2021). Trần Ngọc Khánh Ni và cộng sự (2020) đã ước tính diện tích cỏ biển tại vịnh Vân Phong lớn nhất (324,2 ha) trong vùng biển tỉnh Khánh Hòa, theo sau là vịnh Cam Ranh và đầm Thủy Triều với diện tích cỏ biển lần lượt là 193,9 ha và 155,3 ha. Diện tích cỏ biển thấp nhất tại vịnh Nha Trang (63,4 ha) và đầm Nha Phu (62,6 ha). Tại khu vực Trung Trung bộ, Nguyễn Hữu Chí Tư và cộng sự đã xác định 42,57 ha cỏ biển tại đầm Lăng Cô năm 2020. Tại một số đảo miền Trung, Hoàng Công Tín đã ghi nhận diện tích thảm cỏ biển năm 2019 khoảng 332,096 ha tại đảo Lý Sơn, khoảng 12,78 ha tại Cù Lao Chàm với 5 loài cỏ biển được định danh trong quá trình khảo sát, bao gồm Halophila decipiens, Halophila ovalis, Cymodocea serrulata, Thalassia hemprichii,Zostera japonica (Hoàng Công Tín và cộng sự, 2019, 2020). So với tổng số 15 loài cỏ biển đã được xác định ở Việt Nam, độ đa dạng loài của thảm cỏ biển ở miền Trung tương đối cao (chiếm 53,3% tổng số loài). Các nghiên cứu này đại diện cho các hệ sinh thái ven biển tiêu biểu ở miền Trung, vì vậy có thể xác định được đặc trưng sinh thái của mỗi khu vực qua các nghiên cứu này, góp phần quan trọng cho việc quản lý hệ sinh thái cỏ biển khu vực miền Trung.
Ảnh viễn thám vệ tinh VNREDSat-1 sau khi hiệu chỉnh bức xạ ở vùng biển ven bờ vịnh Cam Ranh năm 2017.
Tuy nhiên, các thảm cỏ biển ở miền Trung đang ngày một suy giảm và tàn lụi. Chúng đang tồn tại trong thế rất mong manh. Hàng năm vào mùa mưa bão, miền Trung chịu ảnh hưởng rất nhiều từ các cơn bão, số lượng và tần suất các cơn bão ngày càng tăng lên. Khi bão nhiệt đới vào bờ, sẽ gây xáo trộn ở những tầng đất phía dưới thảm cỏ biển, ảnh hưởng đến môi trường sống của các thảm cỏ biển (Hình 4). Do vậy, hệ sinh thái thảm cỏ biển ở miền Trung rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Bên cạnh các yếu tố do thiên nhiên, quá trình đô thị hóa và biến động thảm thực vật trên đất liền cũng có tác động đến các thảm cỏ biển phía dưới các thủy vực (Nguyễn Hữu Chí Tư và cộng sự, 2021).
Số lượng và diện tích phân bố của các loài cỏ biển ở tất cả các khu vực miền Trung đều đang giảm dần theo thời gian, thậm chí có khu vực suy giảm 80% tỷ lệ diện tích (Bảng 1). Chẳng hạn như tại vịnh Vân Phong, một khảo sát do Viện Hải dương học Nha Trang thực hiện vào năm 2014 đã tìm thấy 9 loài cỏ biển ở đây, nhưng khi nghiên cứu của Trần Ngọc Khánh Ni và cộng sự vào năm 2019, con số này đã giảm xuống chỉ còn 2 loài.
Thảm cỏ biển bị bật rễ vì ảnh hưởng bão.
Nguyên nhân được xác định do sự phát triển của một số khu kinh tế, cụ thể việc xây dựng cảng và hoạt động sửa chữa tàu biển của nhà máy đóng tàu gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của cỏ biển. Tại vịnh Nha Trang, việc thực hiện lấn biển, san nền để xây dựng một số cơ sở hạ tầng khu du lịch, trong đó có thể kể đến khu du lịch lấn biển xây dựng sân golf đã làm mất đi hơn 18 ha cỏ biển nơi đây.
Bảng 1. Sự biến động và tỷ lệ diện tích thảm cỏ biển ở một số thủy vực ở miền Trung.
Hiện nay, các thảm cỏ biển đang đối mặt với nhiều nguyên nhân gây suy thoái do hoạt động của con người như nuôi trồng thủy hải sản, xây dựng cảng biển, phát triển các cơ sở hạ tầng, các khu du lịch cũng như tình trạng khai thác các nguồn tài nguyên quá mức, ô nhiễm rác thải nhựa. Nguyễn Hữu Chí Tư và cộng sự (2021) bước đầu tìm hiểu nguyên nhân suy giảm chủ yếu do ảnh hưởng từ các hoạt động kinh tế - xã hội trong giai đoạn 1998-2020. Nếu nhìn lại cả giai đoạn này, sẽ thấy một điều là vào những năm 1998-2004, thảm cỏ biển chưa chịu nhiều tác động của con người. Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn phát triển kinh tế, tốc độ suy giảm diện tích cỏ biển trong khu vực này đã tăng lên đáng kể. Diện tích các thảm cỏ biển tại đảo Lý Sơn và Cù Lao Chàm cũng có xu hướng suy giảm theo thời gian do tình trạng khai thác cát biển để trồng hành tỏi, phá hủy nơi sinh sống của các thảm cỏ biển, xây dựng nơi trú bão tàu thuyền, cầu cảng, bờ đê, bến thuyền du lịch (Hình 5).
Hoạt động khai thác thủy sản trong cỏ biển ở đầm Lăng Cô (trái) và xây dựng cơ sở hạ tầng – cầu cảng tại đảo Lý Sơn (phải).
Sự suy thoái của thảm cỏ biển, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái biển mà còn có thể làm suy giảm nguồn lợi thủy hải sản ở vùng biển miền Trung. Do đó, cần có các biện pháp bảo tồn, phục hồi và quản lí hệ sinh thái thảm có biển miền Trung phù hợp để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và duy trì hệ sinh thái thảm có biến vốn có hướng đến phát triển bền vững.
Giải pháp phục hồi
Phục hồi thảm có biển có nghĩa là giảm áp lực lên hệ sinh thái này để cỏ biển có đủ thời gian phục hồi theo cách tự nhiên hoặc nuôi cấy giống các loài chủ chốt. Phục hồi cỏ biển đã trở thành một công cụ quản lý phổ biến để phục hồi các chức năng và dịch vụ sinh thái bị mất do môi trường sống bị suy thoái. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây đã đánh giá các thảm cỏ biển là một trong số những hệ sinh thái ven biển tốn kém nhất để phục hồi, sự thành công của các dự án phục hồi có thể khó dự đoán (Rezek và cộng sự, 2019). Thực tế cũng cho thấy nhiều công cụ và kỹ thuật phục hồi mới đã được phát triển và thử nghiệm ở một số quốc gia trên thế giới cho thấy mức độ thành công tương đối cao (Hình 6). Tuy nhiên, không có cách tiếp cận “một giải pháp phù hợp với tất cả” để phù hợp với đặc điểm sinh thái các loài trong mọi điều kiện. Các công cụ mới hiện nay làm cho việc phục hồi nhiều loài cỏ biển và các dịch vụ hệ sinh thái liên quan trở nên khả thi. Các phương pháp tiếp cận mới tập trung vào phục hồi toàn diện với mục đích tạo ra “sự phục hồi toàn cầu” nhằm cải thiện sức khỏe con người và hệ sinh thái (Orth Robert và cộng sự, 2020; Sinclair và cộng sự, 2021).
Một số công cụ và kỹ thuật trong quá trình phục hồi cỏ biển. Hàng đầu tiên từ trái sang phải: gieo hạt bằng phao (©Jannes Heusinkveld); gieo hạt bằng máy tiêm gieo mầm (©Laura Govers). Hàng thứ hai từ trái sang phải: vườn ươm cỏ biển (©Gary Kendrick và John Statton); gieo chồi bằng đinh sắt (©Troels Lange). Hàng thứ ba từ trái sang phải: các cấu trúc nhân tạo trong nước (©Peter Macreadie), thu thập và sử dụng các nguồn cấy ghép thay thế (©Harriet Spark) (nguồn Tan và cộng sự, 2020).
Sự thành công của các công cụ, kỹ thuật và phương pháp tiếp cận này được cải thiện từ các bài học kinh nghiệm trước đó, bao gồm nhiều “bài học thất bại” trong việc khôi phục. Trong điều kiện hiện nay của miền Trung, ưu tiên nhiệm vụ bảo tồn thảm cỏ biển đảm bảo chi phí hiệu quả nhất, có nghĩa là phải bảo vệ các thảm thực vật quan trọng này không bị tác động tiêu cực từ hoạt động phát triển kinh tế -xã hội và thiên tai, từ đó có thể phục hồi theo quy luật tự nhiên, do vậy chưa cần trồng, nuôi cấy giống tốn kém về mặt kinh tế.
Để xây dựng kế hoạch bảo tồn và quản lý hệ sinh thái cỏ biển, các nhóm nghiên cứu cần thúc đẩy hoạt động quan trắc định kỳ và nghiên cứu chuyên sâu về biến động sinh khối, thành phần loài, cấu trúc hệ sinh thái, và mối liên hệ giữa các hoạt động như phát triển du lịch, cơ sở hạ tầng,... đến các thảm cỏ biển và ảnh hưởng của sự suy giảm cỏ biển đến các tài nguyên sinh vật biển khác, chẳng hạn như nguồn lợi thủy sản nhằm xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về hệ sinh thái, thành phần loài, diện tích phân bố, địa điểm phân bố. Việc áp dụng mạng lưới quan trắc sẽ giúp các nhà quản lý phát hiện những thay đổi của cỏ biển, đánh giá xu hướng biến động và hoàn thành các chỉ số cảnh báo sớm. Cùng với hoạt động quan trắc, các biện pháp quản lý và kiểm soát các hoạt động khai thác, xây dựng, du lịch làm suy thoát hệ sinh thái cỏ biển, hoàn thiện những chính sách bảo vệ cỏ biển cũng cần được tăng cường, trước hết thực hiện những quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, hải đảo năm 2015 và Luật Đa dạng sinh học 2008. Từ đó xây dựng cơ chế quản lý hợp tác trong bảo tồn và chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan, đặc biệt là sự tham gia cộng đồng địa phương ven biển liên quan đến nguồn lợi từ thảm có biển. Việc xác định các dịch vụ hệ sinh thái cỏ biển theo từng thôn, xã, có thể đánh giá vai trò, trách nhiệm, cam kết tham gia và lợi ích của từng bên liên quan theo các nhóm và mức độ ưu tiên tại vùng bảo tồn đa dạng sinh học. Sau đó, thành lập Ban Quản lý cộng đồng trên nguyên tắc có sự tham gia của các bên liên quan với các tổ, đội tuần tra, giám sát chung theo các thôn, xã.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương nên áp dụng một số công cụ kinh tế trong quản lý tài nguyên và môi trường biển để kiểm soát quá trình bảo tồn hệ sinh thái cỏ biển trước các nguồn ô nhiễm vùng biển ven bờ, như thuế, phí ô nhiễm, lệ phí xả thải các nguồn thải từ khu đô thị, khu công nghiệp; phí sử dụng biển từ các cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy sản, các hoạt động thương mại, dịch vụ gần bờ biển, trên các đảo; và áp dụng thuế, phí cao đối với các doanh nghiệp, sản phẩm có tác động tiêu cực đến môi trường biển. Ngoài công cụ thuế, phí, chính quyền nên thành lập Quỹ Bảo vệ môi trường biển, đảo để hỗ trợ các tổ chức, dự án có giải pháp bảo vệ môi trường biển và bảo tổn tài các hệ sinh thái biển. Từ đó, có thể chuyển đổi kinh tế tuyến tính thành nền kinh tế tuần hoàn nhằm phục hồi, chuyển hóa, trao đổi; tối ưu hóa năng suất tài nguyên thông qua tuần hoàn các sản phẩm, giảm đến mức tối thiểu và tái sử dụng, tiến tới không có chất thải góp phần giảm áp lực lên các hệ sinh thái.
Hiện nay, Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung đang phải gánh chịu những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, xác định nhu cầu cấp thiết hiện nay cần phải tăng cường đầu tư vào các Giải pháp dựa vào thiên nhiên (Nature-based Solutions - NBS) để tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu. Các giải pháp thúc đẩy quá trình thích ứng, tăng cường tính chống chịu cho các vùng dễ bị tổn thương và hệ sinh thái ven biển là những dự án có thể được nhân rộng trong cả nước và toàn châu Á. Đặc biệt, năm 2021 là năm khởi động của “Thập kỷ về phục hồi Hệ sinh thái” do Liên hợp quốc kêu gọi nhằm bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên. Do đó, cần đẩy mạnh áp dụng mô hình quản lý tổng hợp vùng bờ để ước tính các giá trị cỏ biển, hạn chế sự suy thoái các hệ sinh thái biển hướng tới phát triển bền vững và giải quyết các vấn đề tồn tại trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển. Ngoài ra, các nhà khoa học, chính quyền địa phương nên xây dựng các chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong thời gian tới nhằm trao đổi chia sẻ thông tin về quản lý, sử dụng bền vững hệ sinh thái này; và tìm kiếm các nguồn hỗ trợ quốc tế trong phục hồi các hệ sinh thái cỏ biển cũng như tăng cường công tác nghiên cứu khoa học và quản lý ở các khu bảo tồn biển.
Lê Văn Thăng, Hoàng Công Tín, Trần Ngọc Khánh Ni
Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, Lê Lợi, TP Huế, Thừa Thiên - Huế