Với nỗ lực xây dựng thành phố “sáng” và “sống”, tại các không gian văn hóa, tuyến phố đi bộ, công viên sẽ sống động khi đêm về với các loại hình diễn xướng, trò chơi dân gian, âm nhạc...
Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế duyệt chương trình biểu diễn ở phố đêm Hoàng thành
Tái hiện hình ảnh Huế xưa
Dự kiến đưa vào hoạt động từ ngày 22/4, phố đêm khu vực Hoàng thành Huế là hoạt động đầu tiên trong chuỗi hoạt động văn hóa nghệ thuật do UBND TP. Huế tổ chức để tạo sức hấp dẫn cho Huế về đêm. Với không gian phía ngoài Hoàng thành gồm 4 trục đường xung quanh Đại Nội Huế, trước mắt triển khai hoạt động ở đường 23 tháng 8 và Lê Huân, khu vực này sẽ tái hiện hình ảnh Huế xưa với các loại hình diễn xướng, trò chơi dân gian, nghề truyền thống và ẩm thực Huế…
Diễn ra vào tối thứ sáu và thứ bảy hàng tuần, phố đêm Hoàng thành sẽ trở nên sống động với chương trình nghệ thuật “Hoài niệm Huế xưa”, biểu diễn múa hát cung đình, tái hiện lễ đổi gác cùng các hoạt động nghệ thuật cộng đồng, như: Ca Huế, hò giã gạo, chầu văn, ca múa nhạc, âm nhạc đường phố, nhân tượng, bài chòi, múa rối, hiphop, sáo trúc… Ngoài ra, còn có hoạt động trưng bày các mặt hàng dọc tuyến đường Lê Huân và trải nghiệm trò chơi dân gian, nghề truyền thống, thưởng thức ẩm thực...
Ông Trần Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP. Huế cho hay, hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở phố đêm Hoàng thành sẽ kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại có chọn lọc, vừa quảng bá các loại hình nghệ thuật đặc sắc qua âm nhạc cung đình, ca Huế, chầu văn, võ cổ truyền… vừa giới thiệu không khí trẻ trung, sôi động của nghệ thuật trẻ để thu hút nhiều tầng lớp, đối tượng đến thưởng thức.
Ngoài Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, chương trình nghệ thuật tại phố đêm Hoàng thành còn có sự tham gia của CLB Ca Huế, Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật, Nhà hát Múa rối Cố đô Huế, các CLB, nhóm nhạc… Nhà thơ Võ Quê, Chủ nhiệm CLB Ca Huế cho biết: “Để phù hợp với không gian biểu diễn ngoài cộng đồng, chúng tôi sẽ trình diễn các trích đoạn tuồng, những làn điệu dân ca, hò, vè, chầu văn... Các nghệ sĩ của CLB rất hào hứng khi được biểu diễn ở phố đêm Hoàng thành. Đây là cơ hội để chúng tôi giới thiệu nghệ thuật truyền thống đến người dân và du khách rộng rãi hơn”.
Hình thành nhiều không gian văn hóa nghệ thuật
Để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo nhiều khu vực vui chơi giải trí, giao lưu văn hóa, nghệ thuật, khám phá ẩm thực và các hoạt động cộng đồng về đêm, UBND TP. Huế tạo lập và hình thành nhiều không gian văn hóa, nghệ thuật về đêm để thu hút du khách và người dân, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Huế, phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội sau dịch COVID -19.
Không gian Huế về đêm sẽ rộn ràng, sôi động với tiếng hát, lời ca
Theo kế hoạch của UBND TP. Huế, sẽ có thêm nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức từ 18h đến 22h các ngày trong tuần tại các địa điểm, như: Phố đi bộ Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu, công viên 3/2 (khu vực nhà Kèn), công viên Tứ Tượng, địa điểm trưng bày thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP. Huế, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, sân Bia Quốc Học Huế, công viên Thương Bạc, sân Nghinh Lương Đình, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh, cầu bán nguyệt – công viên Phú Xuân, phố đêm Hoàng thành Huế, khu vực đi bộ bờ bắc sông Hương…
Trên các tuyến phố đi bộ, công viên và trục không gian văn hóa nghệ thuật, khi đêm về, sẽ rộn ràng với tiếng đàn, tiếng hát của nhiều loại hình nghệ thuật, từ âm nhạc đương đại đến nghệ thuật truyền thống. Âm nhạc đương đại với sự góp mặt của các nhóm nhạc, các CLB guitare, hiphop, rock, khiêu vũ thể thao… Nghệ thuật truyền thống giới thiệu các giá trị di sản của Huế, như: Ca Huế, Nhã nhạc, múa hát cung đình, tuồng Huế. Ngoài ra, còn có sự tham gia của các loại hình nghệ thuật, như: múa lân, thư pháp, múa rối, nhân tượng, võ cổ truyền… Đây sẽ là không gian cho các nghệ sĩ sáng tạo, trình diễn, đồng thời là điểm vui chơi, giải trí của người dân và du khách.
Huế có trên 30 CLB, hội, nhóm và một số doanh nghiệp biểu diễn nghệ thuật. Đây là nguồn lực dồi dào để tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ cộng đồng. Sau thời gian tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các CLB, hội, nhóm rất hào hứng khi được tham gia biểu diễn phục vụ cộng đồng. Đặng Lê Văn, thành viên nhóm Ghita For You cho hay: “Ban nhạc Ghita For You rất hào hứng chuẩn bị chương trình âm nhạc đặc sắc vào đêm khai trương phố đêm Hoàng thành. Đây là lần đầu tiên các thành viên được chơi nhạc ở không gian Hoàng thành nên khá mong chờ. Mong nhận được sự hưởng ứng của mọi người đối với ban nhạc Ghita For You nói riêng và các ban nhạc khác nói chung để chúng em được biểu diễn lâu dài”.
Về kinh phí hoạt động, UBND TP. Huế sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho các đơn vị để tổ chức chương trình theo tháng, quý, năm hoặc từng sự kiện. Đồng thời, đề cao công tác xã hội hóa, vận động các cá nhân, tổ chức, đơn vị tham gia chủ động vận động nguồn tài trợ, bảo trợ từ các tổ chức và cá nhân theo nhu cầu, khả năng. Theo ông Trần Việt Hùng, tinh thần hoạt động là xã hội hóa nhưng phải đảm bảo cho các đơn vị, CLB, nhóm nhạc, cá nhân nghệ sĩ duy trì được đam mê. Vì vậy, có những đơn vị xã hội hóa hoàn toàn hoặc xã hội hóa một phần, nhưng có những hoạt động đặc sắc phải hỗ trợ kinh phí hoàn toàn, tùy theo loại hình nghệ thuật mà UBND TP. Huế có sự hỗ trợ phù hợp.
Trước mắt, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP. Huế phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Huế tập trung triển khai hoạt động ở phố đêm Hoàng Thành. Sau đó đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm để triển khai các hoạt động văn hóa nghệ thuật về đêm ở nhiều địa điểm khác theo kế hoạch.
Trong bối cảnh du lịch Huế thiếu hoạt động về đêm, việc tổ chức các điểm biểu diễn nghệ thuật phục vụ cộng đồng và du khách sẽ tạo không khí sinh động về đêm. Đây không chỉ là sản phẩm văn hóa tinh thần của người dân Huế mà còn là sản phẩm nghệ thuật đường phố, là điểm nhấn thú vị thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Bài, ảnh: Minh Hiền