Giữ gìn nghề chạm bạc truyền thống của đồng bào Dao đỏ

Cập nhật: 08/04/2022
Đồng bào dân tộc Dao đỏ ở Tây Bắc nói chung và ở Lào Cai nói riêng từ bao đời nay vẫn giữ gìn, bảo tồn nghề thủ công truyền thống mang đậm bản sắc, đó là nghề chạm khắc bạc. Các sản phẩm bằng bạc được chế tác tinh xảo, tỉ mẩn đã góp phần tạo nên nét văn hóa độc đáo của đồng bào Dao đỏ.

Nghề chạm khắc bạc phải làm hoàn toàn thủ công rất cầu kỳ và tỉ mỉ.

Nghề chạm bạc tay phải khéo

Trong đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Dao, những vật trang sức được chế tác bằng bạc có một giá trị to lớn. Bạc không chỉ làm trang sức tạo điểm nhấn cho trang phục truyền thống, mà có nhiều bạc thể hiện sự giàu có, ấm no và còn để trừ tà ma, mang lại sự may mắn, tài lộc. Người nào càng có nhiều bạc thì càng được “thần bạc” phù hộ cho khỏe mạnh, gặp những điều tốt lành, gia đình thịnh vượng, hạnh phúc. Đặc biệt, đối với phụ nữ dân tộc Dao đỏ, trang sức bạc được xem là “vật bất ly thân”, bạc gắn với trang phục truyền thống của các cô gái và cũng là một trong những món của hồi môn mà bố mẹ chuẩn bị cho con gái khi về nhà chồng. Những đồng bạc trắng hoa xòe nổi tiếng từ xưa cũng là lễ vật mà bố mẹ chồng sẽ tặng cho con dâu mới... Chính vì thế, bạc mang trong mình những giá trị văn hóa đặc sắc, truyền từ đời này sang đời khác.

Nghề chạm khắc bạc thủ công của người Dao đỏ đòi hỏi rất nhiều công sức, sự tỉ mỉ và thời gian. Các công đoạn làm ra sản phẩm bạc chủ yếu là làm thủ công, không có máy móc, nên nghề chạm bạc không những đòi hỏi nghệ nhân phải có sức khỏe mà còn phải khéo léo và kiên trì. Để có những chiếc khuy áo hay chiếc nhẫn, chiếc vòng bạc cho cô dâu trong ngày cưới với hoạ tiết hình cây cối, hoa lá, mặt trời, chim, thú… người nghệ nhân phải hòa tâm hồn mình cùng từng thớ bạc trong lửa nóng hay nặng nhẹ tay theo từng nhát búa. Mỗi sản phẩm bằng bạc của đồng bào Dao là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc vừa thể hiện văn hóa bản địa vừa toát lên tâm hồn, trí tuệ của người Dao qua đôi bàn tay tài hoa của người thợ bạc.

Gặp gỡ nghệ nhân Tẩn Phù Sinh, bản Séo Pờ Hồ, xã Mường Hum, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, người có bàn tay chạm khắc tài hoa nhất vùng, vừa tỉ mẩn khắc từng hoa văn trên chiếc vòng bạc, vừa trò chuyện với mọi người, nghệ nhân cho biết: Hơn 20 năm theo nghề chạm khắc bạc, không chỉ là đam mê với mỗi sản phẩm để làm trang sức, ở trong đó còn chứa đựng cả tâm hồn của người thợ bạc. Mọi niềm vui, nỗi buồn và tâm sự của cuộc đời đều được thợ bạc gửi vào trong mỗi hoa văn, sản phẩm. Nghề chạm khắc bạc phải làm hoàn toàn thủ công rất cầu kỳ và tỉ mỉ ở từng công đoạn từ nung lửa đỏ, kéo bạc và chạm khắc hoa văn. Phải thực sự yêu nghề, đam mê và khéo léo mới có thể làm được.

Đỏ lửa giữ nghề

Bạc gắn với trang phục truyền thống của những phụ nữ Dao đỏ.

Trước đây, nguyên liệu bạc dùng để chế tác sản phẩm bạc thường là các đồng bạc trắng hoa xòe, được tích trữ từ đời này qua đời khác, trong các gia đình người Dao đỏ, cũng như các dân tộc vùng cao khác. Ngày nay, loại bạc này rất hiếm và có giá trị cao về kinh tế nên nguyên liệu làm nghề chủ yếu là từ bạc vụn, bạc thỏi được bà con chủ động mang đến đặt làm trang sức hoặc được mua về từ các nơi.

Để duy trì được nghề chạm bạc của người Dao đỏ, bản thân người thợ cũng phải có những thủ pháp đặc biệt: Nồi đun bạc bằng chiếc cốc sứ hoặc đất tự nặn để tránh cho bạc khỏi lẫn tạp chất và ít bị hao; khuôn đổ bạc và các đồ dùng chế tác bạc của người Dao hầu hết đều được làm bằng sừng trâu, hơn nữa phải là những con trâu đực khỏe mạnh, có cặp sừng dài và thật cứng bởi dùng sừng trâu làm khuôn mới chịu được sức nóng của bạc; nguyên liệu đốt như than củi làm nhiệt, người thợ làm nghề chạm bạc chọn các loại than đốt từ gỗ tốt như gỗ thông, gỗ táu, gỗ nghiến trong rừng; nhiệt độ trong lò phải được kiểm soát hợp lý nên bắt buộc người thợ bạc phải có kinh nghiệm “nhìn lửa” để điều chỉnh.


Mỗi sản phẩm bằng bạc của đồng bào Dao đỏ là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. 
Trong quá trình làm bạc, không thể không kể tới khâu pha bạc ta lẫn với một loại bạc truyền thống của người Dao. Vì nếu pha không chuẩn, đun lửa còn non hay đun quá tay một chút là bạc sẽ không thành hình, không thể tiến hành những công đoạn tiếp theo. Sau khi đun nóng bạc, người thợ sẽ đổ bạc vào khuôn, chờ cho bạc nguội thì tiến hành công đoạn tạo hình, chạm những hoa văn tinh tế lên miếng bạc. Cuối cùng, người thợ đánh bóng cho đến khi bạc nổi màu trắng đặc trưng, tạo vẻ đẹp và sự hấp dẫn cho sản phẩm bạc.

Nghề chạm khắc bạc thể hiện sự phát triển về kỹ thuật và nghệ thuật kim hoàn của người Dao đỏ ở Lào Cai, góp phần phục vụ thiết thực cho đời sống văn hóa, tâm linh của cộng đồng nơi đây. Cho đến nay, các sản phẩm chạm khắc bạc vẫn giữ nguyên được giá trị và vị trí không thể thay thế trong đời sống của đồng bào Dao ở vùng núi phía Bắc.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc, tiêu biểu, nghề chạm khắc bạc của người Dao đỏ ở Sa Pa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2018./.

Bài, ảnh: Kim Cương

Nguồn: Báo Đảng Cộng Sản - dangcongsan.vn - Ngày đăng 08/4/2022