Đưa "Hoa Đào xứ Lạng" thành thương hiệu du lịch của Lạng Sơn

Cập nhật: 12/04/2022
Lạng Sơn vốn nổi tiếng là xứ sở của hoa đào. Trên đà phát triển, hội nhập, "hoa đào xứ Lạng" từng bước được nâng tầm, trở thành thương hiệu của du lịch tỉnh Lạng Sơn.

Hoa đào ở Lạng Sơn đa dạng, từ đào rừng, đào nhà, đào thất thốn, quý hiếm hơn là những gốc đào cổ thụ hàng trăm năm tuổi, hay giống đào chuông tự nhiên chỉ có riêng ở vùng núi Mẫu Sơn... 

Mỗi độ xuân về, xứ Lạng chìm trong sắc màu những giống đào bản địa đẹp và quý như đào bích, đào phai, đào bạch, đào chuông, đào Mẫu Sơn...

Hợp tác xã Hoa đào Bản Cao (xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn) là mô hình hợp tác xã chuyên trồng và chăm sóc, kinh doanh cây hoa đào. Các hộ trồng đào trong hợp tác xã có thu nhập bình quân lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi vụ đào Tết. 

Chị Hoàng Thị Diệu - thành viên Hợp tác xã Hoa đào Bản Cao chia sẻ: “Được quảng bá trên các phương tiện truyền thông nên lượng khách từ các tỉnh, thành như Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng… họ đến để thu mua rất là nhiều. Trong đó các HTX đứng ra làm cầu nối để giúp người dân bán được đào với số lượng lớn, qua đó góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân. Đề án Bảo tồn và phát triển cây đào thực sự là đề án hiệu quả và thiết thực, cá nhân tôi cũng gửi lời cảm ơn tới các cấp lãnh đạo đã quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ cho người nông dân trồng đào như hỗ trợ nguồn phân, các giống tốt, phương pháp chăm sóc kĩ thuật rồi các hình thức quảng bá… giúp người dân tại địa phương hết sức phấn khởi”.

Năm 2018, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt Đề án bảo tồn, phát triển giá trị cây đào và tổ chức lễ hội hoa đào xứ Lạng với tổng vốn đầu tư hơn 114 tỷ đồng. Sau 3 năm triển khai đề án, việc tiếp cận và áp dụng khoa học công nghệ vào việc bảo tồn, trồng và chăm sóc cây đào, hoa đào đã được chú trọng, qua đó từng bước nâng cao nhận thức của cơ quan chuyên môn, các hợp tác xã, nhà vườn và người nông dân. Việc xác lập nhãn hiệu tập thể hoa đào Lạng Sơn cũng đã góp phần tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn, phát triển cây đào xứ Lạng, thúc đẩy xã hội hóa, nâng cao hiệu quả, giá trị của cây đào… 

Việc xác lập nhãn hiệu tập thể hoa đào Lạng Sơn đã góp phần tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn, phát triển cây đào xứ Lạng, thúc đẩy xã hội hóa, nâng cao hiệu quả, giá trị của cây đào…

Bà Bế Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Đến thời điểm này, nhãn hiệu tập thể Hoa đào Xứ Lạng đã được cấp bằng công nhận và chúng tôi đã tổ chức lễ công bố, qua đó xây dựng được thương hiệu cũng như góp phần thay đổi nhận thức của người trồng đào, chơi đào, giúp họ biết đến giá trị thực, cái đẹp của đào xứ Lạng, tạo điều kiện cho người trồng đào thuận lợi trong việc tiêu thụ đào”.

Hiện tổng diện tích trồng đào toàn tỉnh Lạng Sơn ước đạt trên 560 ha (gấp gần 6 lần so với diện tích năm 2017 khi khảo sát xây dựng đề án). Để đẩy mạnh quảng bá hình ảnh cây đào xứ Lạng, các công ty du lịch đã tích cực kết nối các tour, tuyến du lịch tham quan các vườn đào. Các cấp, ngành phối hợp đẩy mạnh tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch như lễ hội hoa đào, hội chợ hoa đào, hội thi cây hoa đào đẹp vào mỗi dịp Tết đến Xuân về....

Ông Nguyễn Phúc Hà - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đánh giá: “Nhờ công tác thông tin tuyên truyền, người dân hiện nay đã có ý thức hơn trong việc bảo tồn, phát huy các giống đào trên địa bàn. Các địa phương cũng đã bắt tay vào công việc và số lượng, diện tích về trồng đào tăng rất nhiều so với trước, từ đó cây đào đã trở thành nguồn sinh kế cho sự phát triển của nhiều hộ gia đình. Đây là sản phẩm không chỉ có giá trị về mặt văn hóa, tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng mà còn góp phần làm đẹp cảnh quan, thúc đẩy sự phát triển văn hóa xã hội của tỉnh. Hoa đào xứ Lạng những năm gần đây đã có sự lan tỏa, bay cao bay xa với bạn bè trong nước và quốc tế”.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị cây đào đã góp phần gắn kết chặt chẽ, tạo sự đồng bộ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa du lịch của tỉnh Lạng Sơn.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị cây đào đã góp phần gắn kết chặt chẽ, tạo sự đồng bộ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa du lịch của tỉnh Lạng Sơn. Ông Dương Xuân Huyên - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết: “Các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp huyện, các tổ chức, cá nhân cần tiếp tục nâng cao các giá trị của hoa đào bằng những biện pháp cụ thể, thiết thực từ khâu quảng bá tuyên truyền, đến cách chế biến sâu, hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm… để từ đó giúp người dân làm giàu từ cây hoa đào".

Theo ông Dương Xuân Huyên, thời gian tới cần phải có nhiều chính sách hỗ trợ về trồng đào, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận về vốn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào bảo tồn, phát huy giá trị hoa đào; tiếp tục nghiên cứu, đổi mới về nội dung, hình thức tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch gắn với Lễ hội hoa Đào xứ Lạng…

Với những mục tiêu, cách làm cụ thể sẽ xây dựng thương hiệu Hoa đào xứ Lạng bay cao, bay xa hơn nữa; qua đó tăng thêm thu nhập cho người trồng đào, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Lạng Sơn những năm tiếp theo./.

Duy Thái

Nguồn: VOV - vov.vn - Ngày đăng 12/4/2022