Xứ tràm - đất xưa, người mới - Bài 1: Giữ hồn quê bằng du lịch

Cập nhật: 11/04/2022
U Minh Hạ (hệ sinh thái rừng tràm trải vắt ngang 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời) với thiên nhiên kỳ thú, những giai thoại nhuốm màu huyền tích, con người hồn hậu, bản lĩnh và hành trình phát triển diệu kỳ đã trở thành điểm đến hấp dẫn, đặc sắc của vùng đất Cà Mau. Đây là năm thứ 2 xứ sở cây tràm tổ chức chuỗi sự kiện “Hương rừng U Minh”, với nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, du lịch nhằm quảng bá, giới thiệu rộng rãi hơn nữa hình ảnh đất và người nơi đây với du khách khắp nơi. Trong niềm tự hào lớn lao về quê hương, có những người con máu thịt U Minh Hạ hôm nay, đã dám nghĩ, dám làm để làm giàu cho bản thân và mở ra hướng đi mới cho cộng đồng. Đất xưa, người mới, mỗi câu chuyện lại là một niềm cảm hứng để hương tràm thêm đượm, thêm nồng trong hành trình phát triển.

Điểm Du lịch Hương Tràm - một trong những khu du lịch sinh thái, trải nghiệm tư nhân đầu tiên của U Minh hình thành chính là kết tinh từ tâm huyết của một người trẻ dám nghĩ, dám làm, bằng nền tảng tri thức, sự học hỏi miệt mài và tình yêu quê hương lớn lao.

Du lịch gắn hệ sinh thái rừng tràm với các trải nghiệm độc đáo như đặt lờ, đặt lọp, hoà mình vào thiên nhiên là một trong những sản phẩm hút khách tại Điểm Du lịch Hương Tràm.

Hơn 10 năm trước, anh Giang Hoàng Hon đã nung nấu ý định xây dựng một khu du lịch cho riêng mình ngay tại quê hương Khánh An, huyện U Minh với cây tràm, hệ sinh thái rừng tràm, bản sắc văn hoá độc đáo bản địa làm điểm nhấn chủ đạo. Là người làm du lịch chuyên nghiệp, anh Hon đã nhìn ra hướng đi mà giờ đây trở thành lựa chọn của nhiều người. Với anh Hon: “Du lịch sinh thái U Minh Hạ có sức hút không thua kém bất cứ đâu. Vấn đề là phải làm sao giữ gìn, phát huy được hồn cốt, phong vị riêng có của quê mình”.

10 năm chuẩn bị

Ngược lại thời gian, anh Hon tâm sự: “Bản thân tôi học tập và làm việc chuyên sâu về du lịch. Càng đi nhiều nơi, tôi càng quả quyết về tương lai làm du lịch của Cà Mau. Nhất là khi trải nghiệm du lịch ở rừng tràm Trà Sư, An Giang hay Tràm Chim, Đồng Tháp, tôi nghĩ ngay về quê mình. Cũng từ đó ý định làm du lịch, cụ thể là du lịch gắn với hệ sinh thái U Minh Hạ, càng ngày càng rõ ràng thêm”.

Dồn vốn liếng, anh Hon mua gần 30 ha đất để trồng tràm. Ngày đó, đời sống cư dân nói chung còn khó khăn, tất nhiên, cũng không ai nghĩ đến chuyện làm du lịch. Anh Hon âm thầm, kiên trì chuẩn bị cho một bản đề án, mà nói như anh là “tâm huyết cả đời”.

Nói về Điểm Du lịch Hương Tràm (Ấp 16, xã Khánh An, huyện U Minh), anh Hon gan ruột: “Phải mất 10 năm chuẩn bị, phải làm từng bước, làm từ đầu và rất nhiều công việc, chờ đợi thời điểm thích hợp”. Đầu tiên, chính anh Hon cũng không chia sẻ với người thân về dự định này, chỉ nói là mua đất, lập rừng làm kinh tế. Từ quy hoạch diện tích trồng rừng, kê liếp, đào ao, chia khu vực cho các hạng mục, anh Hon lên một bản vẽ chi tiết trong đầu và bắt tay thực hiện bền bỉ. Từ một vùng đất hoang hoá, diện mạo của một điểm du lịch bài bản dần định hình.

30 ha đất Hương Tràm, người chủ dành cho cây tràm 20 ha, coi đây là linh hồn của toàn bộ khu du lịch. 10 năm, rừng tràm không khai thác, cốt yếu là tái tạo lại hệ sinh thái trù phú, tự nhiên. Cũng quãng thời gian ấy, các sản vật dưới tán rừng tràm, như cá đồng, động vật hoang dã, cảnh trí thân thuộc của vùng tràm xanh, nước đỏ dần dà được khôi phục gần như nguyên bản. Bỏ qua lợi ích kinh tế trước mắt, anh Hon chuẩn bị cho một cuộc chơi lớn hơn, dài hơi hơn, đó là làm du lịch. Và khi làm, là phải thành công.

Hệ sinh thái rừng tràm với cảnh vật hoang sơ của vùng U Minh Hạ là điểm nhấn níu chân du khách đến với khu du lịch Hương Tràm.

Nhưng từng ấy thứ là chưa đủ, làm du lịch là phải có con người. Anh Hon bằng các mối liên hệ đã tìm thấy những nhân tố có trình độ chuyên môn, có tâm huyết để quản lý, vận hành khu du lịch. Một trong số đó là chị Lê Hải Nghi, hiện là Phó giám đốc điều hành Điểm Du lịch Hương Tràm, người con của xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời. Cũng như anh Hon, chị Hải Nghi học và làm việc ở lĩnh vực du lịch chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm, quan trọng nhất cũng là người con xứ sở rừng tràm, muốn góp sức mình cho lĩnh vực du lịch mới nổi của tỉnh nhà.

Chuyến đi học tập kinh nghiệm làm du lịch trải nghiệm ở các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng, TP Cần Thơ năm 2020 chính là thời điểm anh Hon nhận thấy thời cơ chín muồi. Anh Hon cũng rời bỏ công việc làm du lịch chuyên nghiệp, chính thức dồn toàn bộ tâm sức để kích hoạt Điểm Du lịch Hương Tràm. Như anh Hon tâm sự: “Chuyện học tập kinh nghiệm làm du lịch, tôi đã chuẩn bị từ trước đó, với nền tảng kiến thức được đào tạo chuyên sâu, thực tế phát triển du lịch tỉnh nhà, sự chuẩn bị của cá nhân, tôi quả quyết đã đến lúc bắt đầu”.

Kiên trì vượt sóng

Thời điểm Hương Tràm bắt đầu hoạt động, cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát. Lĩnh vực du lịch nói chung gần như tê liệt. Đúng là vạn sự khởi đầu nan, nhưng với Hương Tràm cũng là thời gian quý báu để hoàn thiện thêm hạ tầng, hoạch định chiến lược phát triển dài hơi. Chị Lê Hải Nghi cho biết: “Làm du lịch chưa bao giờ dễ dàng, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, khó khăn bủa vây dễ làm người ta chán nản. Nhưng anh em chúng tôi cùng quan điểm rằng, sẽ đến lúc du lịch phục hồi, và phải tiếp tục chuẩn bị điều kiện tốt nhất để đón khách. Du lịch không phải là làm thời vụ, thời điểm, mà là phải đương đầu với mọi tình huống và sống chết với lựa chọn của mình”.

Thời gian tạm dừng hoạt động tiếp đón khách, Hương Tràm tiếp tục xây dựng các hạng mục dành cho hoạt động trải nghiệm, các trò chơi dân gian, các tuyến tham quan, ẩm thực... dành cho nhiều đối tượng du khách. Quan điểm của Hương Tràm là xây dựng thương hiệu, chất lượng dịch vụ, đa dạng trải nghiệm trên hồn cốt nền tảng là hệ sinh thái rừng tràm để thu hút du khách. Chị Nghi tiết lộ: “Để tái tạo lại không gian sinh thái - văn hoá của U Minh Hạ, chúng tôi đã mời những người dân có am hiểu, gắn bó với vùng đất này để tham gia đội ngũ làm du lịch. Chính những nhân tố này đã tham gia đóng góp ý tưởng và công sức để khu du lịch xây dựng bản sắc, dấu ấn riêng”.

Ẩm thực dân dã, đậm phong vị U Minh Hạ khiến du khách thưởng thức một lần rồi nhớ mãi.

Ông Hồ Bé Tư, ngụ Ấp 9, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, người gắn bó với Điểm Du lịch Hương Tràm từ những ngày đầu hoạt động, bộc bạch: “Anh chị em ở đây làm du lịch có tâm lắm. Bà con quanh đây được khu du lịch giải quyết công ăn việc làm, có thu nhập, được tôn trọng nên rất ủng hộ. Bà con vì thế dùng hiểu biết về văn hoá, con người, tập tục sinh hoạt vùng U Minh Hạ để góp thêm vào các hoạt động của khu du lịch. Chính tôi, là người cố cựu ở xứ rừng, về đây còn thấy ngạc nhiên, thích thú vì như thấy lại một U Minh Hạ trù phú, thân thuộc, đậm đà hương vị của ngày xưa”.

Ông Ngô Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Khánh An, thông tin: "Điểm Du lịch Hương Tràm là mô hình du lịch phù hợp, có triển vọng phát triển tốt của địa phương. Nơi đây cũng được lựa chọn là một trong những điểm đến trọng tâm diễn ra chuỗi sự kiện “Hương rừng U Minh”. Tại đây, địa phương phối hợp trưng bày các sản phẩm OCOP của xã, giới thiệu rộng rãi hơn với du khách những nét văn hoá, sản vật độc đáo, đà phát triển hiện nay của Khánh An”.

Theo đánh giá của ông Lê Hữu Lợi, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện U Minh: “Mô hình và hướng đi của Hương Tràm, đặc biệt là tâm huyết của người chủ là rất đáng trân trọng. Không chỉ là mô hình du lịch thuần kinh tế, khát vọng của khu du lịch còn là gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị hồn cốt của quê hương. Hiện nay, làm du lịch đã trở thành phong trào, một phong trào có hoạch định, tính toán bài bản, chuyên nghiệp để mở ra cơ hội mới cho người nông dân U Minh. Dù thời gian qua khó khăn, nhưng với tâm huyết, sự chuẩn bị chu đáo, xứ tràm U Minh sẽ là một điểm đến lý tưởng, không thể bỏ qua cho du khách khi thị trường du lịch phục hồi”.

Không chỉ tái tạo lại không gian thiên nhiên – văn hoá của U Minh Hạ xưa, khu du lịch Hương Tràm còn có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, trải nghiệm hiện đại, phù hợp với nhu cầu du lịch của du khách.

Trước mắt, Điểm Du lịch Hương Tràm nói riêng và du lịch U Minh nói chung đang tất bật chuẩn bị cho chuỗi sự kiện quan trọng của “Hương rừng U Minh” năm 2022. Dù kịch bản có thể thay đổi tuỳ theo thực tế diễn biến của dịch bệnh, nhưng rõ ràng, thời khắc khó khăn nhất đã qua, cơ hội đã rộng mở. Và những người làm du lịch như anh Giang Hoàng Hon sẽ có quyền tự hào vì đã góp phần lan toả hình ảnh rừng tràm U Minh Hạ thơm thảo khắp muôn phương./.

Hải Nguyên - Nhật Minh

Nguồn: Báo Cà Mau - baocamau.vn - Đăng ngày 11/04/2022