Xứ tràm - đất xưa, người mới - Bài 2: Nâng tầm nghề di sản

Cập nhật: 12/04/2022
Điểm Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng Mười Ngọt, Ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời là điểm đến khó có thể bỏ qua của du khách khi về miệt rừng U Minh Hạ.

Với anh Phạm Duy Khanh, chủ Điểm Du lịch Mười Ngọt thì rừng tràm là máu thịt, là tình yêu thắm thiết. Với tâm niệm gìn giữ, bảo tồn, phát huy nghề ăn ong, Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, anh Khanh là một trong những người đã nâng tầm vóc của nghề “phá sơn lâm” trở thành một trong những trải nghiệm đặc sắc nhất của du khách khi về với xứ tràm.

Nghề ăn ong, Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia của Cà Mau.

Duyên nợ với rừng

Năm 2015, khi Điểm Du lịch Mười Ngọt mới chân ướt chân ráo đi vào hoạt động, đứng trước vô vàn khó khăn, ít người nghĩ rằng, gia đình nông dân này sẽ thành công với hướng đi du lịch. Dạo đó, ông Phạm Văn Ngọt (cha anh Phạm Duy Khanh) tâm sự: “Từ Cái Nước, nhà tôi qua đây lập nghiệp. Nói là đất lớn, nhưng là vùng đệm, hoang hoá, phải đổ mồ hôi, nước mắt cải tạo. Ban đầu sống nhờ vào cá đồng, đặt trúm bắt lươn, cũng bấp bênh lắm. Rồi cuộc sống ngày càng ổn định. Khi khu rừng bắt đầu sinh lợi, thấy thằng Khanh mê làm du lịch, tôi giao nó toàn quyền”.

Người xưa có câu “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”, nói về nghề của dân xứ biển, xứ rừng Cà Mau. Với niềm tin ở rừng tràm thì không bao giờ nghèo, anh Khanh bắt đầu thật sự gắn bó với rừng tràm, đặt vào đó toàn bộ tâm huyết và khao khát của đời mình. Khi rừng tràm nhóng cao trên đất hoang, bầy ong kéo về. Theo chân những người ăn ong cố cựu vùng tràm để thu hoạch mật, anh Khanh dần học được những bí quyết của nghề rừng. Và rồi, khi tự tay gác những kèo ong thành công, anh Khanh đã có tính toán riêng trong đầu.

Trong 60 ha rừng tràm, anh Khanh dành khu vực 20 ha để làm khu bảo tồn nghiêm ngặt, không khai thác nguồn lợi. Theo anh Khanh: “Bầy ong rất khôn, phải tạo một vùng lõi sinh thái tự nhiên để dẫn dụ về. Nguồn lợi từ ong mật là rất lớn, nhưng không thể khai thác kiểu tận diệt, mà quan trọng là tính về lâu dài”. Chịu khó học hỏi, tham quan nhiều mô hình du lịch khắp trong Nam, ngoài Bắc, anh Khanh đúc kết rằng: “Dù nhiều nơi có rừng tràm, nhưng nghề ăn ong của U Minh Hạ là độc nhất vô nhị, cũng từ đó, tôi coi đây là trải nghiệm cốt lõi, là linh hồn của điểm du lịch do mình xây dựng”.

Du khách hào hứng khi được trải nghiệm nghề ăn ong tại Điểm Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng Mười Ngọt.

Vậy là anh Khanh cùng đội ngũ nhân lực rặt nông dân của mình tiến hành gác 1.000 kèo ong ở những khu vực ngoài vũng lõi 20 ha. Kết quả đạt được ngoài sức mong đợi. Kèo nào ong cũng về, lượng mật thu được mỗi năm tính bằng ngàn lít, đầu ra tiêu thụ và phản hồi của khách hàng vô cùng tích cực. Nguồn huê lợi của Điểm Du lịch Mười Ngọt phần lớn dựa vào ong mật, nhưng như thế là chưa thoả mãn đối với người chủ trẻ.

Thăng hoa nghề xưa

“Nếu chỉ gác kèo, thu mật, về bán cho khách thì không phải là du lịch trải nghiệm. Phải làm sao để du khách tận mắt thấy kèo ong, tận tay cắt tàn ong, tự mình vắt mật thì mới ra câu chuyện”, anh Khanh lý giải. Bằng sự am hiểu tường tận tập tính của loài ong, kinh nghiệm thực tiễn, anh Khanh đã xây dựng được trải nghiệm ăn ong của điểm du lịch vừa an toàn, vừa sinh động, trở thành điểm nhấn nổi bật nhất mà du khách nào về đây cũng hào hứng tham gia.

Cùng nhiều đoàn du khách về Mười Ngọt trải nghiệm ăn ong, quả tình thấy lựa chọn của anh Khanh vô cùng phù hợp. Ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc SAIGONTOURIST, từng nhận xét: “Qua khảo sát trực tiếp của lãnh đạo, chuyên gia du lịch của chúng tôi, trải nghiệm ăn ong rừng tràm U Minh Hạ rõ ràng là sản phẩm chiến lược, có sức hấp dẫn rất lớn với du khách. Du lịch dựa vào cộng đồng Cà Mau phải tận dụng những nét độc, lạ này để phát triển lâu dài. Điểm Du lịch Mười Ngọt là một trong những nơi đi đúng hướng”.

Còn chuyên gia du lịch ĐBSCL, Thạc sĩ Phan Đình Huê lưu ý: “Cái gì riêng, cái gì độc đáo mới là thương hiệu du lịch, mới là du lịch thật sự. Không cần mặc đồng phục cho du lịch dựa vào cộng đồng, mà phải tìm thấy nét riêng, sản phẩm riêng. Nghề ăn ong, trải nghiệm ăn ong chính là một trong những tài sản riêng có, hiếm có của du lịch Cà Mau”. Ông Huê còn đặc biệt dành những sự trân trọng cho nghề di sản của Cà Mau: “Ong thì mọi nơi đều có, nghề nuôi ong cũng nhiều, nhưng gác kèo ong và ăn ong U Minh Hạ là duy nhất”.

Cùng đoàn 40 người từ TP Hồ Chí Minh về du lịch tại Mười Ngọt, bà Lê Thị Lan tấm tắc khen: “Tôi có đi Trà Sư (An Giang), Tràm Chim (Đồng Tháp), nhưng về đây mê nhất, thích nhất là đi ăn ong trực tiếp thế này. Bao lâu nay tôi cứ thắc mắc mãi là mật ong U Minh Hạ tại sao lại quý, lại chất lượng, hôm nay đã hiểu tường tận rồi!”. Du khách được chở xuồng tham quan rừng tràm, nhìn bầy ong làm mật trên kèo, sau đó là khai thác, tận hưởng hương vị tươi nguyên của ong mật U Minh Hạ, chỉ bấy nhiêu thôi là đầy đủ giá trị của một chuyến đi về Cà Mau.

Ẩm thực Mười Ngọt dành một phần ưu ái lớn cho ong mật. Nào là gỏi nhộng ong, mắm ong, tàn ong chiên giòn. Sau đó, khách có thể tự tay vắt mật, mua về sau khi đã thưởng thức miễn phí. Những người am hiểu hơn, không quên mua về vài lít để sử dụng hoặc làm quà biếu cho người thân. Mật ong U Minh Hạ, nghề ăn ong xứ sở và cả hình ảnh Cà Mau qua du khách ngày càng lan toả rộng khắp.

Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, điểm du lịch Mười Ngọt dồn sức bảo tồn, phát triển nghề gác kèo ong. Bên cạnh đó là nguồn lợi từ ong ruồi, một sản vật hiếm quý của thiên nhiên. Anh Khanh cho biết: “Ong ruồi tự nhiên sống ở tầng thấp, ở những nơi môi trường trong lành, có nguồn mật hoa dồi dào. Đất lành thì ong về, mỗi năm thu cũng vài trăm lít, giá bán thị trường là 800.000 đồng/lít. 2 năm qua, nguồn thu từ mật ong đã giúp điểm du lịch thêm vững vàng. Đó cũng là nguồn lực để tôi tiếp tục tái đầu tư cho các hạng mục du lịch mở rộng sắp tới”.

Anh Phạm Duy Khanh (người ngoài cùng bên trái), bằng tâm huyết, nỗ lực đã gìn giữ, phát huy và nâng cao giá trị của nghề di sản ăn ong U Minh Hạ.

Anh Khanh còn rất nhiều dự định cho du lịch, nhất là khi thị trường đã có tín hiệu phục hồi. Anh luôn nhất quán với quan điểm của mình: “Phải bảo vệ rừng tràm, coi trải nghiệm ăn ong là sản phẩm du lịch trọng tâm khi khách về với Mười Ngọt. Nghề ăn ong là nghề của tiền nhân để lại, mật ong U Minh Hạ là tinh tuý của rừng tràm, thế hệ như tôi phải lấy đó làm niềm tự hào, làm tài sản để giữ gìn, phát triển”./.

Hải Nguyên - Nhật Minh

Nguồn: Báo Cà Mau - baocamau.vn - Đăng ngày 12/04/2022