Quảng Ninh ứng phó với BĐKH: Hồi sinh những cánh rừng gỗ lớn

Cập nhật: 13/04/2022
Những năm gần đây, Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách trong việc bảo vệ các hệ sinh thái đặc trưng của rừng nhiệt đới, gắn với nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp bền vững bằng việc đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, góp phần quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo của Sở NNPTNT, hiện Quảng Ninh có hơn 435.000 ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, chiếm hơn 70% diện tích tự nhiên, tỷ lệ che phủ rừng đạt 55,06%, đứng thứ 14/63 tỉnh thành trong cả nước. Rừng ở Quảng Ninh có đầy đủ các hệ sinh thái đặc trưng của rừng nhiệt đới, nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp bền vững có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, cũng như nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của địa phương.

Người dân huyện miền núi Ba Chẽ từng bước thay chuyển từ trồng keo gỗ sang trồng cây gỗ lớn, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu

Để đẩy mạnh ngành lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững, nâng cao giá trị kinh tế từ rừng, ngay sau khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết một của Ban thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững, trong đó hàng năm giành 3% chi thường xuyên cho công tác phát triển lâm nghiệp.

Cụ thể, Nghị quyết 19 là cơ hội lớn để ngành lâm nghiệp Quảng Ninh có bước phát triển đột phá mạnh mẽ đóng góp vào phát triển chung của tỉnh theo hướng phát triển kinh tế nhanh, bền vững, chuyển dịch và tăng tốc độ phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp “xanh”, kiểm soát ô nhiễm môi trường, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh tặng cây giống gỗ lớn cho người dân huyện Ba Chẽ

Trao đổi với PV, Trưởng phòng NNPTNT huyện Ba Chẽ, Vi Thanh Vinh cho biết, trong năm qua, huyện đã thực hiện hàng chục cuộc tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cá nhân, nhất là bà con vùng dân tộc thiểu số đăng ký thực hiện kế hoạch trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa và cây dược liệu. Nhờ vậy, dịp lễ trồng cây đầu năm 2022, đã có trên 560 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đăng ký tham gia trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa với tổng diện tích hơn 1.000 ha, trong đó có hơn 500ha với nhiều giống cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao được trồng, như quế, thông, giổi xanh, lim xanh, sa mộc.

Để có thêm nhiều cánh rừng gỗ lớn, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững. Riêng trong năm 2021, đã có 239 hộ dân trồng 449 ha, với số kinh phí được hỗ trợ 5,81 tỷ đồng và 5,44 tỷ đồng vay từ Ngân hàng chính sách xã hội. Trong đó, ngay từ những tháng đầu năm 2022, hai địa phương đi đầu trong việc triển khai trồng rừng gỗ lớn là TP. Hạ Long và huyện Ba Chẽ đã vận động được 628 hộ gia đình tham gia trồng 1.185 ha rừng gỗ lớn gồm: thông, lim xanh, giổi xanh.

Người dân xã Dân Chủ, TP.Hạ Long trồng cây gỗ lớn dịp đầu năm 2022

Với sự quan tâm phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng bền vững, chủ động nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã hình thành thêm được 4 khu rừng đặc dụng để bảo tồn và phát triển nguồn gen, đa dạng sinh học, diện tích rừng đặc dụng của tỉnh tăng từ 29.800 ha lên hơn 48.000 ha, đồng thời cũng đã xác lập được gần 57.000 ha khu vực tiềm năng để phát triển cây bản địa, cây gỗ lớn tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, các địa phương đang rà soát hoàn thiện quy hoạch các khu vực trồng rừng gỗ lớn, trong năm 2022 toàn tỉnh Quảng Ninh sẽ định hình khoảng 20.000 ha cho phát triển gỗ lớn, kết hợp phát triển trồng dược liệu trên 1.000 ha dưới tán rừng phòng hộ, đặc dụng. Đồng thời, xây dựng thêm 3 Khu bảo tồn hệ sinh thái rừng tại các địa phương gồm Cẩm Phả, Hạ Long, Bình Liêu, Tiên Yên, nâng diện tích rừng đặc dụng tại các địa phương từ 48.000 ha lên 60.000 ha để tích hợp vào quy hoạch lâm nghiệp quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Những cánh rừng quế tại huyện Ba Chẽ đang phát triển tốt, góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu

Chia sẻ với PV, một lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết, về lâu dài sẽ chuyển toàn bộ diện tích rừng sản xuất đối với các loại cây keo, bạch đàn tại các lưu vực hồ chứa nước sang rừng phòng hộ thay thế bằng các loài cây bản địa gỗ lớn như lim, giổi, lát, thông, hình thành hệ sinh thái rừng đa tầng tán, đa dạng sinh học có tính phòng hộ bền vững cao, góp phần nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn.

Phạm Hoạch

Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường - baotainguyenmoitruong.vn - Đăng ngày 08/04/2022