Với đường bờ biển dài trên 65km cùng với hệ thống sông ngòi chằng chịt, tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề trước áp lực của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng. Hiện tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp ứng phó nhằm góp phần ổn định sản xuất và đời sống dân sinh, trong đó chú trọng đến các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng rừng ven biển.
Ảnh hưởng khá nặng nề
Qua khảo sát các vùng ven biển của tỉnh gần đây cho thấy, những nơi nào vào mùa gió chướng thổi mạnh, triều cường dâng rất cao, từng cơn sóng dữ vỗ sầm sập như muốn “nuốt chửng” đê bao bảo vệ đất sản xuất của người dân. Một số khu vực ven biển, những dãy cây rừng cao lớn, lâu năm có nhiệm vụ phòng hộ, chắn sóng đã bị nước đánh trôi, nhiều đoạn đê ven bờ cũng bị xâm thực gây sạt lở nghiêm trọng.
Tại xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, chỉ tay về hướng công trình đê biển đang xây dựng dang dỡ ở Cồn Ngoài, ông Lâm Văn Ô - nguyên Phó chủ tịch UBND xã Bảo Thuận chia sẻ: Trước kia, nơi này là những cánh rừng mắm, đước, phi lao cao vút chạy dài từ đê bao ra ngoài biển tới hàng trăm mét. Mấy năm gần đây, cứ vào mùa gió chướng thổi mạnh, từng cơn sóng dữ liên tục ập vào, cuốn phăng những khu rừng, xâm thực vào đất liền với tốc độ nhanh đến kinh ngạc.
Còn tại xã biển Thạnh Hải (Thạnh Phú), ông Nguyễn Văn Quyết là người dân sống lâu năm nơi đây cho biết: Sạt lở khu vực bờ biển mấy năm nay trên địa bàn khá nghiêm trọng, nhất là khu vực Cồn Bửng kéo dài đến Cồn Lợi gần 20km. Sạt lở phạm vi lớn, diễn biến nhanh, làm mất đi khá nhiều đất sản xuất, hoa màu, nhà cửa của người dân. Địa phương đang được đầu tư một số dự án đê kè nhưng ngăn chặn chỗ này thì sạt lở chỗ khác.
Ông Võ Trịnh Quốc Toàn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Đại cho rằng, những năm qua, do BĐKH và nước biển dâng, trên địa bàn huyện cũng xảy ra sạt lở nghiêm trọng, làm mất hàng chục héc-ta rừng phòng hộ; đặc biệt là tình trạng nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền theo các cửa sông, ven biển gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống dân sinh tại địa phương vào mùa khô.
Theo thống kê của các ngành chức năng toàn tỉnh hiện có trên 90 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài gần 120km, đã gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân, có hàng ngàn công trình bị ảnh hưởng; sạt lở lấn sâu vào trong đất liền trung bình hàng năm từ 10 - 15m, làm mất trên 200ha đất và 54ha rừng phòng hộ ven biển…
Tăng trưởng xanh nâng khả năng ứng phó
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Minh Tuấn cho biết: Để ứng phó với BĐKH, thúc đẩy tăng trưởng xanh, thời gian qua, tỉnh đã trồng mới và bảo vệ gần 7ha qua dự án gây bồi, tạo bãi, trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển xã Bảo Thuận và trồng mới trên 18ha bần chua tại xã Bảo Thạnh (Ba Tri); triển khai các dự án trồng và phục hồi rừng ven biển, đã thực hiện trồng được 35ha rừng phòng hộ và đặc dụng.
Bên cạnh đó, hưởng ứng sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh xây dựng đề án trồng cây trên địa bàn tỉnh với mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 trồng 10 triệu cây xanh để cùng hơn 4.700ha rừng tập trung và hơn 100.000ha cây lâu năm, dừa và cây ăn trái, góp phần xây dựng Bến Tre xanh, sạch, đẹp. UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển ứng phó với BĐKH và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, tập trung phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản; phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng BĐKH. Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và nâng cao chất lượng rừng thích ứng với BĐKH. Phát triển các mô hình canh tác thích ứng dựa vào hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và dựa vào cộng đồng.
Ngoài ra, trong giảm phát thải khí nhà kính được thực hiện tốt qua phát triển năng lượng sạch. Tỉnh hiện có 19 dự án điện gió đã được bổ sung vào quy hoạch, với tổng công suất trên 1.000MW; 15/19 dự án đang triển khai xây dựng; đến cuối năm 2021 có 5/15 dự án với công suất hơn 93MW được đưa vào vận hành thương mại. Tỉnh đã trình bổ sung 26 dự án điện gió tổng công suất 6.418MW và dự án điện khí LNG 3.000MW vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, có xét đến năm 2045.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Minh Tuấn, đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng và ban hành kế hoạch hành động, kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH làm căn cứ, cơ sở để triển khai các nhiệm vụ BĐKH trên toàn tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, phê duyệt đề xuất dự án “Thành lập thí điểm Khu bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững du lịch sinh thái và Trung tâm tri thức về phát triển du lịch sinh thái tại đồng bằng sông Mê-Kông” nhằm bảo vệ, phục hồi và tận dụng giá trị đa dạng sinh học các vùng đất ngập nước, cửa sông, rừng ven biển.
“Thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong 6 lĩnh vực phù hợp với điều kiện của tỉnh, tận dụng các cơ hội của BĐKH để phát triển nền kinh tế theo hướng các-bon thấp. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực năng lượng, đầu tư phát triển theo quy hoạch các nhà máy phát điện gió nối lưới, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo trong sinh hoạt; đồng thời thực hiện các giải pháp bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất rừng…”.
(Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Minh Tuấn)
|
Bài, ảnh: Thanh Bạch