Gần đây, hàng loạt dự án điện gió ở các tỉnh ven biển được kích hoạt, bên cạnh việc cung cấp nguồn năng lượng theo tiêu chí xanh, điện gió còn trở thành điểm nhấn để thu hút du khách tham quan các địa điểm du lịch. Du khách đến Bạc Liêu thường đến khu vực điện gió để lưu lại những khoảnh khắc tuyệt vời giữa không gian bao la, khoáng đạt. Tại nhiều tỉnh, thành khác như Bình Thuận, Sóc Trăng…, du khách thường ví giống như vùng Gemini ở đất nước Hà Lan.
Nhà máy điện gió ở tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Văn Chương
Du lịch điện gió
Nhà máy điện gió Bạc Liêu đặt tại ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Đây là nhà máy điện gió đầu tiên ở Việt Nam và tính đến nay đã đóng góp cho mạng lưới điện quốc gia hơn 1 tỷ kWh. Nhà máy điện gió được triển khai trên diện tích lên đến 1.300ha. Dù diện tích lớn, nhưng do xây dựng trên biển, nên nhà máy vẫn chỉ là một dấu chấm trên đại dương mênh mông, với tổng số 133 trụ tua bin gió, tổng công suất 241,2MW.
Nhà máy điện gió Bạc Liêu có tổng vốn đầu tư 8.857 tỷ đồng, nguồn vốn của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ (US - Exim). Từ thời điểm nhà máy được xây dựng năm 2010, những hình ảnh của nhà máy điện gió luôn thu hút sự chú ý của nhiều người. Đó là những cẩu trục siêu trường, siêu trọng nâng cánh quạt có đường kính 155m, cột tháp cao 130m; thiết bị điện gió của Tập đoàn Goldwind International Renewable được giới thiệu là một trong 3 nhà sản xuất tua bin gió lớn nhất toàn cầu.
Những du khách lần đầu tiên bước tới tham quan đều choáng ngợp trước sự hùng vĩ của cánh đồng điện gió. Từ đất liền tới ngoài khơi là những hàng quạt được cắm thẳng hàng, dài hút tầm mắt, giống hệt như một phần thu nhỏ của đất nước Hà Lan. Nhiều điểm du lịch có hệ thống đường dẫn ra biển luôn tấp nập du khách vào những ngày cuối tuần. Theo thống kê của ngành du lịch tỉnh Bạc Liêu, mỗi năm, nhà máy điện gió thu hút 200.000 du khách đến tham quan.
Không chỉ các nhà máy điện gió ở vùng biển thu hút du khách, các nhà máy điện gió ở tuyến miền núi cũng trở thành điểm tham quan du lịch của nhiều người. Tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, khu vực cắm tua bin trở thành điểm để các cặp đôi cô dâu, chú rể chụp ảnh được đặt trước rạp cưới. Giới trẻ ở đây đưa lên Internet hàng loạt các địa danh đẹp như hồ thủy điện Rào Quán, hồ Tuyệt Tình Cốc làm nao lòng không ít du khách... Đây là những điểm khá hoang sơ, nhưng trong quá trình thi công lắp đặt tua bin, nhà đầu tư đã mở những tuyến đường để xe chở thiết bị, sau khi công trình hoàn thành, cung đường này giờ trở thành điểm đến lý tưởng của du khách.
Năng lượng xanh
Cuối năm 2021, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) tổ chức Hội thảo phát triển điện gió ngoài khơi vì tương lai năng lượng sạch của Việt Nam. Hội nghị đánh giá, Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có đường bờ biển trải dài hơn 3.260km, vì vậy, tiềm năng phát triển năng lượng gió tại Việt Nam rất lớn. Nghiên cứu của Ngân hàng thế giới chỉ ra rằng, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hàng năm lớn hơn 6m/giây, ở độ cao 65m, tương đương với tổng công suất 512GW.
Cũng vào thời điểm trên, Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng thế giới đã tổ chức Hội thảo “Lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam”. Ông Kim Hojlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam phát biểu, khi Việt Nam đã xác định sẽ chuyển đổi ngành năng lượng theo hướng xanh, điện gió ngoài khơi chắc chắn là một trong những lựa chọn hiệu quả nhất và điều này đã được chứng minh ở nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Đan Mạch.
Theo Đại sứ Đan Mạch, ngành công nghiệp điện gió phát triển sẽ không chỉ là nguồn cung cấp năng lượng sạch và góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu, mà còn tạo ra một số lượng lớn việc làm cho người dân địa phương, đồng thời, tạo ra nền kinh tế biển mới và thu hút nguồn đầu tư lớn.
Thiết bị siêu trường, siêu trọng thi công cắm cột điện gió trên biển. Ảnh: Văn Chương
Giám đốc Hợp tác toàn cầu, Cục Năng lượng Đan Mạch Anton Beck thì nhấn mạnh, tua bin điện gió ngoài khơi là loại hình công nghệ năng lượng tái tạo mạnh nhất khi chỉ cần một tua bin 8MW có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện hàng năm cho 43.000 hộ gia đình của Việt Nam. Ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ở Việt Nam đã khởi động được một thời gian và các đối tác Việt Nam luôn khao khát thúc đẩy ngành công nghiệp này không những phát triển nhanh, mà còn phải đi đúng hướng.
Chạy đua điện gió
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, tính đến hết ngày 31-10-2021, Việt Nam đã có 88 dự án điện gió hòa lưới, với tổng công suất đặt khoảng 4,2GW; đối với điện gió ngoài khơi, hiện đã có 35 dự án đang nghiên cứu và triển khai, với tổng công suất dự kiến lên đến 60GW. Điều này cho thấy tiềm năng điện gió ngoài khơi của chúng ta là rất lớn, hoàn toàn bảo đảm đáp ứng nhu cầu điện năng trong tương lai.
Điện gió trở thành tiềm năng, tuy nhiên, đến cuối tháng 3-2022, hàng loạt các đơn vị như: Công ty cổ phần năng lượng Tái Tạo Đại Dương, Công ty cổ phần Tân Tân Nhật, Công ty cổ phần năng lượng Fico Bình Định... gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng. Vì trước ngày 31-10-2021, nếu doanh nghiệp nào hòa lưới điện quốc gia thì sẽ được hưởng giá ưu đãi (giá FIT) theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg hỗ trợ phát triển điện gió.
Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 khiến thiết bị nhập khẩu vào Việt Nam chậm, các chuyên gia nước ngoài bị kẹt lại, hoặc bị cách ly nhiều ngày nên khi nhà máy điện gió đi vào hoạt động thì đã bước sang năm 2022 và Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg đã hết hiệu lực. Theo báo cáo của Bộ Công thương, có 146 dự án điện gió ở Việt Nam ký hợp đồng mua bán điện, dự kiến tổng công suất hơn 8.000MW, nhưng mới chỉ có 84 dự án bán điện, còn lại, rất nhiều dự án chưa kịp hòa lưới điện quốc gia để hưởng giá bán điện ưu đãi, trong khi các chủ đầu tư đều đi vay ngân hàng.
Lê Văn Chương