Cây mắm là loại cây tiên phong bám đất để những trái đước ngừng trôi, cắm rễ mọc thành rừng, vì vậy mà có câu nói cửa miệng của dân Xóm Mũi là “Mắm đi trước, đước theo sau”. Ở đây tôi không đề cập 2 loại thực vật mang tính đại diện cho rừng ngập mặn bãi bồi, mà tôi mượn hình ảnh cây mắm để nói về những người đầu tiên đặt nền móng cho Khu du lịch Mũi Cà Mau bây giờ.
Một trong những “cây mắm” đầu tiên nơi phù sa lấn biển là anh Trần Minh Triều, nguyên Trưởng ban Quản lý Khu du lịch Mũi Cà Mau, nay đã nghỉ hưu. Ngồi nghe anh kể lại quá trình làm nhiệm vụ tại đây suốt 20 năm, tôi càng háo hức muốn tường tận về những con người đến đây trước khi khu du lịch hình thành.
Mũi Cà Mau được đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình ý nghĩa, thu hút ngày càng nhiều du khách. (Trong ảnh: Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau). Ảnh: Nhật Minh
Đánh thức tiềm năng
Năm 1999, cuộc họp với Tổng cục Du lịch Việt Nam tại Hà Nội, chị Nguyễn Thị Niêm (Năm Niêm) lúc bấy giờ là Giám đốc Công ty Thương mại - Du lịch tỉnh Cà Mau, nhận quyết định của Tổng cục về việc thành lập Khu du lịch Quốc gia tại Mũi Cà Mau, là khu du lịch quốc gia duy nhất miền Tây lúc bấy giờ.
Để triển khai thực hiện, chị Năm Niêm thay mặt Sở Thương mại - Du lịch mời các vị lãnh đạo tỉnh, đại diện các ngành như Tài chính, Tuyên giáo, Địa chính, Ngân hàng Nhà nước… Tất nhiên, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Cà Mau với vai trò chủ đạo cùng đi khảo sát, nhằm xác định đúng vị trí của chót mũi. Bởi từ ngoài khơi nhìn vào có rất nhiều doi đất nhô ra biển tương tự nhau, vì vậy năm lần bảy lượt các thành viên này phải dùng ca-nô chạy vòng quanh từ phía Đông sang phía Tây của phần đất chồm ra biển. Cuối cùng đã định vị và thực nghiệm bằng cách lội chân trần lên vạt rừng nhô ra ngoài nhiều nhất. May mắn cho đoàn, khi chị Năm Niêm lần những bước đầu tiên từ mé biển đi dần vào đất liền thì phát hiện một trụ xi-măng có dòng chữ “Cột mốc Quốc gia số 0” do Tổng cục Địa chính cắm tại đây. Cả đoàn mừng rỡ, xác định mũi đất tận cùng của nước ta trên 3 cơ sở: khảo sát trực quan từ biển nhìn vào, cột mốc quốc gia của cơ quan chức năng là Tổng cục Địa chính cắm mốc và nơi đây nằm ngay địa phận Xóm Mũi, ấp Rạch Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
Một cuộc hội thảo diễn ra ngay sau đó, Sở Xây dựng lập Dự án xây dựng Khu du lịch Mũi Cà Mau và cử nhân sự ra Hà Nội bảo vệ dự án thành công. Tiếp theo, tỉnh Cà Mau cũng thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng dự án, từ đó mỗi năm Tổng cục rót kinh phí (3 tỷ đồng năm đầu tiên và có điều chỉnh các năm tiếp theo) để hỗ trợ tỉnh xây dựng từng hạng mục, nhằm phát triển khu du lịch này với sự chỉ đạo và giám sát của UBND tỉnh Cà Mau. Lúc này Mũi Cà Mau còn hoang sơ nên Ban Chỉ đạo dự án quyết định dùng kinh phí của Trung ương đầu tư ngay những công trình thiết yếu. Đầu tiên là cây cầu nối liền địa phận xã Đất Mũi - bị chia cắt với doi đất tận cùng bởi một con rạch. Rồi nạo vét lòng rạch để tàu, ca-nô cập bến tận “công trường”.
Chị Năm Niêm cho biết: Đến năm 2004, Đất Mũi có thêm nhà chờ, đường nội bộ, các chòi dừng chân ven đê biển, Nhà hàng Thuỷ tạ, tái hiện làng rừng, tôn tạo Cột mốc số 0 với hình ngôi sao 5 cánh… Và điểm nhấn ở khu du lịch này phải kể đến là biểu tượng mũi tàu, phiên bản từ pa-nô của kiến trúc sư Huỳnh Minh Tánh, mà hiện nay những ai đến đây đều chọn mũi tàu này để chụp ảnh lưu niệm. Kế đến là Nhà hàng Thuỷ tạ, nơi tiếp đón khách du lịch bằng nhiều đặc sản Đất Mũi và thưởng thức đờn ca tài tử. Người trực tiếp chỉ đạo thực hiện công trình này là anh Nguyễn Phương Bắc, nguyên Giám đốc Công ty Thương mại - Du lịch - Dịch vụ Minh Hải…
Tóm lược chỉ vài dòng thôi nhưng thời điểm “đánh thức tiềm năng” không hề đơn giản mà con người là yếu tố quyết định và các thành viên gồm các anh Tuất, Quốc, Lưu, Triều… Họ như những “cây mắm” bám rễ xuống phù sa nơi bãi bồi hoang vu một thuở, để cho rừng ngập mặn Mũi Cà Mau hình thành và vươn cao như ngày hôm nay.
Cho mũi đất xanh toả sáng
Anh Triều đã nghỉ hưu nhưng Ban Quản lý Khu du lịch Đất Mũi giữ anh lại với lý do “Đồng chí Trần Minh Triều có công rất lớn với Khu du lịch Mũi Cà Mau, nhiệt tình, có trách nhiệm, chúng tôi cần một người thấu hiểu về Đất Mũi, có uy tín như anh làm cố vấn”. Đó là chia sẻ của anh Đinh Thanh Liêm, Trưởng ban Quản lý Khu du lịch Đất Mũi thời điểm năm 2018.
Anh Triều nhớ khá chi tiết về những khó khăn ban đầu khi mấy anh em nhận nhiệm vụ. Anh kể: “Những ngày đầu tới đây không một bóng người, không điện, không nước, không có nhà ở, không có đường đi, không có sóng viễn thông và còn nhiều cái "không" nữa…”.
Anh mô tả chi tiết về tinh thần nỗ lực của tập thể trước những khắc nghiệt nơi xứ rừng ngập mặn này, không phải tâm trạng của người kể khổ, khoe công mà như ôn lại những kỷ niệm đẹp mình đã trải qua. Tôi ấn tượng qua lời kể của anh là cái cảnh không có nước và không có đường đi, những vấn đề cấp bách cần xin ý kiến lãnh đạo, anh em phải dùng phương tiện xuồng máy chạy tới Cà Mau chứ không còn cách nào khác. Nước ngọt cũng rất nan giải vì Xóm Mũi lúc đó bà con phải ra tận Hòn Khoai chở nước về ăn uống và dùng trong sinh hoạt. Với phương châm “khó khăn nào cũng phải vượt qua”, anh em quyết định khoan giếng dù ai đến đây cũng bảo rằng: Đất Mũi không có mạch nước ngầm, nếu có thì cũng là nước mặn! Sau 5 ngày khắc khoải và hy vọng thì mũi khoan lại chạm phải đĩa đá. Tưởng chừng phải bó tay! Nhưng đội khoan và mấy anh em làm nhiệm vụ tại đây vẫn cố gắng, tự động viên nhau, mặc dù trong lòng thật là hoang mang khi gạo sắp hết mà nước cũng cạn thùng. Nếu 1 ngày nữa mà không tìm được nước thì cũng chấp nhận đầu hàng thôi! Nhưng niềm vui đã vỡ oà sau ngày thứ sáu, dòng nước đầu tiên phun trào đã mang lại hạnh phúc lớn lao cho tất cả anh em và bà con ở gần đã đến đây chứng kiến.
Có nước ngọt, cuộc sống anh em thay đổi hoàn toàn. Màu xanh của rau trái phủ dần khu nhà tập thể. Cá tôm tự kiếm. Vậy là sống vô tư, vui vẻ, làm việc không kể giờ giấc. Dần dần tạo được mối quan hệ với bà con xóm ngoài, bộ đội biên phòng và các đội thi công… cùng hỗ trợ nhau cả vật chất lẫn tinh thần. Từ đây diện mạo của Mũi Cà Mau khởi sắc dần. Khi thu hút khách tham quan đến đây, Công đoàn Sở Thương mại - Du lịch Cà Mau mở rộng kinh doanh, lãnh đạo tỉnh tiếp tục đầu tư, gia cố, nâng cấp các công trình đang có. Nhưng do môi trường, thời tiết khắc nghiệt làm các hạng mục xuống cấp, hư hỏng và quá trình hoàn thiện theo lộ trình cũng khá gian nan.
Khi các hạng mục cơ bản hoàn thành đã thu hút du khách đến Đất Mũi ngày càng đông, từ 20.000-30.000 lượt những năm đầu, tăng dần lên 70.000-80.000 lượt những năm sau. Trong đó lượng du khách nước ngoài chiếm từ 5-10%. Đặc biệt, hầu hết các vị nguyên thủ quốc gia nước ta đều đã đặt chân đến đây. Anh Triều là người được lãnh đạo phân công “thuyết minh” báo cáo đến Chủ tịch nước, Tổng bí thư, Thủ tướng... về Đất Mũi.
Những câu nói của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh về đặc thù của Mũi Cà Mau anh vẫn nhớ: “Các đồng chí làm rất tốt công tác xây dựng và phát triển, để mỗi người Việt Nam thoả mãn ước mong được đặt chân đến mũi đất thiêng liêng này”, “…Tôi mong rằng vùng Đất Mũi sớm trở thành điểm đến của các nhà đầu tư để tiềm năng về biển, rừng, du lịch sinh thái… trở thành thế mạnh của tỉnh và khu vực”, “Chúng ta cùng nhau gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống của Nhân dân Đất Mũi anh hùng, bảo vệ toàn vẹn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc…”.
Chị Phan Quỳnh Anh, người Hà Nội, lần đầu tiên vào Đất Mũi, xúc động bồi hồi, chắp hai tay mặt hướng ra biển và nói: “Con tạ ơn hồn thiêng sông núi và tổ tiên đã cho con được đặt chân lên Mũi Cà Mau! Con xin nắm đất thiêng liêng mang về Thủ đô làm kỷ niệm!”. Anh Huỳnh Bắc, đoàn du lịch tỉnh Hà Giang, vừa đặt chân tới đã tách đoàn, dang hai tay, vừa chạy vòng quanh bờ kè vừa hô vang: "Đất Mũi đây rồi, Đất Mũi đây rồi anh em ơi…!".
Phút giây hoài niệm
Thỉnh thoảng chị Năm Niêm nhớ về những ngày tháng đầu tiên lần dò tìm “cái mũi”, nhớ những anh em, cộng sự chịu thương chịu khó, nhớ những đồng chí lãnh đạo tỉnh tâm huyết với Đất Mũi bằng việc chỉ đạo thường xuyên, kiểm tra, nhắc nhở… Chị nói: "Tôi nhớ từng câu nói của các anh Bảy Trị, Công Nghiệp, Ba My, Ba Dũng… thể hiện hoài bão xây dựng Khu du lịch Mũi Cà Mau xứng tầm với địa danh của nó và điều quan trọng nữa là làm sao bảo vệ rừng và phát triển đời sống của Nhân dân Đất Mũi!".
Riêng anh Trần Minh Triều giờ đây vẫn ngày ngày chứng kiến hàng trăm, hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến Đất Mũi mà lòng lâng lâng niềm hạnh phúc. Con đường lầy lội mà anh em gánh từng gánh đất đắp lên giờ trải nhựa thênh thang, đón những đôi chân xa lạ rồi trở thành quen thuộc. Ước mong của những người làm du lịch Cà Mau nói chung và Đất Mũi nói riêng, mong sao được đón tiếp bạn bè khắp mọi miền Tổ quốc và kiều bào ta về với Đất Mũi, lưu lại với rừng, với biển, với tình thân của cô bác Xóm Mũi, ăn trái mắm được nấu trong “làng rừng”, uống nước cất từ mồ hôi nước biển, để biết và nhớ về những ngày gian khổ hy sinh của quân, dân Đất Mũi anh hùng.
Chị Năm Niêm và anh Minh Triều cũng có một ước mơ nho nhỏ là được hội ngộ cùng những người đầu tiên xây dựng Khu du lịch Mũi Cà Mau, để cùng “say” một bữa với canh chua cá thòi lòi nấu mẻ, cá nâu kho trái giác, khô khoai, khô đuối thơm lừng trên bếp than đước với chất men của loại “vang” được chế biến từ trái giác màu tím thẫm. Để nghe lại tiếng rừng những đêm không trăng sao bên ngọn đèn dầu leo lét; tiếng gọi nhau của các loài thú rừng ăn đêm; chuyện “cải hoạt” bằng tay lưới rách bươm mà cá dính đầy; chuyện chia nhau những điếu thuốc sau cùng khi đò chưa cập bến… mà cảm nhận được hạnh phúc của mình, vì đã một thời được làm thân “cây mắm” nơi phù sa lấn biển./.
Lê Ngọc Diễm