Xác định được những lợi thế vốn có từ tiềm năng du lịch, trong những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên đã đẩy mạnh các hoạt động nhằm phát triển tiềm năng và quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương.
Một góc huyện Bảo Yên (Lào Cai) nhìn từ trên cao
Miền đất có hai dòng sông
Bảo Yên trong lòng du khách là miền đất thơ mộng và hữu tình, miền đất có hai dòng sông, sông Hồng và sông Chảy, nơi có đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Quốc lộ 70, 279 chạy qua, thông với các tỉnh Yên Bái, Hà Giang và thành phố Lào Cai. Đồng thời, Bảo Yên cũng là nơi có nhiều thành phần dân tộc sinh sống từ lâu đời với những nét văn hóa truyền thống độc đáo, giàu bản sắc. Bởi vậy, Bảo Yên là một vùng đất hội tụ khá nhiều tiềm năng du lịch, đáp ứng một cách tốt nhất cho du khách trong hành trình du lịch Tây Bắc. Tiềm năng du lịch ở Bảo Yên thể hiện phong phú ở nhiều lĩnh vực. Có du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch lễ hội và ẩm thực. Nhờ sự phong phú này, trong những năm qua, lượng khách du lịch về Bảo Yên ngày càng tăng, các dịch vụ phục vụ ở các tua du lịch ngày càng phát triển.
Phải kể đến trong điểm dừng chân của chuyến hành trình về vùng đất Bảo Yên là điểm đến tâm linh của người Việt, đó là nơi thờ tự Thần Vệ Quốc Nguyễn Hoàng Bảy tại đền Bảo Hà xã Bảo Hà. Cùng với di tích đền Bảo Hà là di tích quốc gia, Bảo Yên còn hệ thống các di tích được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, tiêu biểu như: đền Phúc Khánh (thị trấn Phố Ràng), phế tích thành cổ Nghị Lang (thị trấn Phố Ràng); di tích đồn Phố Ràng (thị trấn Phố Ràng), đền Nghĩa Đô (xã Nghĩa Đô), đền Hai Cô (xã Kim Sơn), đền Long Khánh (xã Phúc Khánh), đền Làng Lúc (xã Bảo Hà), đền Pịt (xã Lương Sơn)... Những di tích này đều được gìn giữ và bảo vệ, đồng thời, nơi đây diễn ra và gắn liền với những sự kiện cách mạng quan trọng.
Đồng bào Tày Bảo Yên giới thiệu sản phẩm thổ cẩm truyền thống với du khách
Miền quê Bảo Yên còn nhiều vùng đất rất hấp dẫn khách du lịch như khu căn cứ địa cách mạng Việt Tiến, hồ cá Phố Ràng, Thác Xa (Tân Tiến), thác bản Hốc (Nghĩa Đô), thác Làng Pịt (Lương Sơn), núi Đại Thần (Xuân Hòa), động Tiên cảnh (Xuân Thượng)... là những điểm du lịch sinh thái lý tưởng. Theo Quốc lộ 279, du khách sẽ có một cuộc hành trình đầy thú vị và hấp dẫn về miền văn hóa bản làng của người Tày Bảo Yên. Dọc đường, cảnh sắc núi rừng với bạt ngàn rừng quế, hoa chuối đỏ tươi hòa vào màu xanh ngắt của cây rừng cùng tiếng chảy róc rách của những con suối như làm tan đi bao nỗi mệt nhọc. Ẩm thực trên vùng đất Bảo Yên cũng không kém phần hấp dẫn với những món ăn như vịt bầu lam, lợn cắp nách, cá suối, thịt trâu hun khói, nem măng, lạp xưởng, gà đồi…
Nghệ nhân Ma Thanh Sợi (bản Rịa, xã Nghĩa Đô, Bảo Yên) cho biết: “Bảo Yên là vùng đất giàu bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc, nơi hội tụ nhiều tiềm năng du lịch độc đáo và đa dạng. Nơi đây là điểm dừng chân lý tưởng của du khách mọi miền”.
Khai thác tiềm năng du lịch
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên đã xác định, du lịch là một lợi thế cần phát huy. Để phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với chương trình phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, di sản, khai thác hiệu quả những tiềm năng du lịch sẵn có.
Năm 2019, Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Yên ban hành Nghị quyết lãnh đạo số 08-NQ/HU ngày 08/7/2019 về xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên giai đoạn 2019-2025 và định hướng đến năm 2030. Năm 2020, Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Yên tiếp tục xây dựng và ban hành Đề án số 05-ĐA/HU ngày 09/12/2020 về phát triển du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện Bảo Yên, giai đoạn 2020-2025, với phương châm “du lịch hóa di tích”, “biến di sản thành tài sản”. Các giá trị văn hóa của các dân tộc huyện Bảo Yên đã và đang được khai thác, nâng tầm, phát triển thành du lịch văn hóa tín ngưỡng tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.
Để Nghị quyết lãnh đạo và Đề án được cụ thể hóa trong lộ trình phát triển du lịch, trong những năm qua, phát huy sức mạnh toàn dân trong việc chung tay khai thác tiềm năng du lịch, các cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong huyện đã thực hiện khảo sát, quy hoạch và xây dựng kế hoạch thực hiện, không ngừng tuyên truyền chủ trương phát triển du lịch cộng đồng để tạo ra được sự đồng thuận trong Nhân dân. Từ việc phát huy vai trò và ý thức gìn giữ, bảo vệ các di tích lịch sử - văn hóa tại các xã, đến việc mỗi người dân và thôn bản không ngừng quảng bá, phát huy tiềm năng du lịch vốn có ở địa phương mình với du khách thập phương.
Ông Cổ Hữu Cường, phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô cho biết: “Nghĩa Đô là vùng đất giàu tiềm năng du lịch. Hiện tại, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân cùng chung tay hoàn thiện các hạng mục để phát triển du lịch cộng đồng”.
Hấp dẫn ẩm thực của vùng đất Bảo Yên
Tại các nhà trường trên địa bàn huyện Bảo Yên, giáo viên và học sinh thường xuyên tổ chức các chương trình ngoại khóa về chủ đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cổ truyền, nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch tại địa phương. Các mô hình trường học gắn với thực tiễn, trường học đa văn hóa, hoạt động giáo dục STEM tại các nhà trường đã nâng cao ý thức của học sinh về bảo tồn và giới thiệu các sản phẩm du lịch quê hương Bảo Yên.
Tín hiệu đáng mừng đối với các địa điểm du lịch huyện Bảo Yên trong thời gian qua, ngày 09/9/2021, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 3281/QĐ-UBND công nhận xã Nghĩa Đô là điểm du lịch. Nơi đây đã sẵn sàng chào đón du khách mọi miền, là điểm du lịch cộng đồng lý tưởng để du khách lựa chọn khám phá. Mới đây, ngày 21/3/2022, UBND tỉnh Lào Cai đã ra Quyết định số 607/QĐ-UBND công nhận Đền Bảo Hà, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên là điểm du lịch.
Nhằm phát huy tiềm năng du lịch và giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch địa phương cho du khách gần xa, từ ngày 22/4-01/5/2022 tới đây, huyện Bảo Yên sẽ tổ chức Tuần Văn hóa Du lịch Bảo Yên với chủ đề “Sắc màu di sản văn hóa” lần thứ Nhất năm 2022. Theo thông báo của Ban tổ chức, Tuần Văn hóa Du lịch Bảo Yên sẽ có nhiều với nhiều hoạt động du lịch hấp dẫn như: “Giao lưu hát Chầu văn; Lễ rước bằng xếp hạng di tích Đền Làng Lúc; Khánh thành bến thuyền du lịch thị trấn Phố Ràng; khám phá Động Tiên Cảnh và Suối Thâu, xã Xuân Thượng; Tổ chức phiên chợ văn hóa truyền thống, đêm giao lưu văn nghệ “Nghĩa Đô - Sắc màu di sản văn hóa…”
Đến nay, Bảo Yên là một điểm đến hấp dẫn và lý tưởng của du khách mọi miền, trong và ngoài nước. Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, nơi đây đang cần sự đầu tư hơn nữa để mang lại hiệu quả cao trong khai thác vốn tiềm năng du lịch đa dạng và độc đáo./.
Bài, ảnh: Nguyễn Thế Lượng