UBND tỉnh Ninh Thuận vừa tổ chức Lễ đón nhận quyết định công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới (DTSQTG) Núi Chúa và Bằng xếp hạng Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh vịnh Vĩnh Hy.
Đây chính là động lực để Ninh Thuận đầu tư bảo tồn và phát triển kho báu tự nhiên mà tạo hóa đã ban tặng...
Độc đáo khu dự trữ sinh quyển “3 trong 1”
Khu DTSQTG Núi Chúa thuộc Vườn Quốc gia Núi Chúa, có tổng diện tích hơn 106.000ha (vùng lõi khoảng hơn 16.400ha), trải rộng trên địa bàn hai huyện Ninh Hải và Thuận Bắc của tỉnh Ninh Thuận. Khu dự trữ này có cấu tạo địa hình vô cùng đặc biệt, hội tụ đầy đủ 3 không gian: Rừng, biển, bán sa mạc và là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng và độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á. Khí hậu vùng đất này được coi là khắc nghiệt nhất Việt Nam với lượng mưa thấp, thời tiết quanh năm nắng nóng. Vì thế hệ sinh thái động, thực vật ở đây cũng mang tính đặc thù, trong đó nhiều loài thực vật có khả năng chịu hạn, chịu nóng tốt như: Xương rồng, trâm bầu...
Vịnh Vĩnh Hy trong quần thể Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa - một trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam được xếp hạng là danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Ảnh: Hàn Dạ Nguyệt
Khu DTSQTG Núi Chúa hiện có 1.514 loài thực vật, trong đó có 54 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới (IUCN). Hệ động vật cũng đa dạng với 766 loài, trong đó có 48 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và IUCN. Với ưu thế sở hữu 40km đường biển bao quanh, Núi Chúa có rạn san hô ven bờ lớn nhất Việt Nam với trên 350 loài san hô và hàng trăm loài động vật biển. Khu DTSQTG Núi Chúa còn là nơi có nhiều loài động vật quý hiếm như: Rùa biển, voọc chà vá chân đen, cheo cheo lưng bạc, hiện đang được bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt...
Anh Trần Văn Tiếp, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa cho biết, cả vùng đất này là một dãy núi tảng vòm rộng khoảng 300km2; có độ cao trung bình từ 800m đến 1.000m. Núi Chúa là do đồng bào Raglai đặt tên. Đồng bào Raglai sinh sống tại vùng đất này từ xa xưa, họ quan niệm: Ngọn núi nào cao nhất thì gọi là Núi Chúa. Đề cập về giá trị của Khu DTSQTG Núi Chúa, GS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam khẳng định: “Khu DTSQTG Núi Chúa là hình mẫu kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa bản địa, là báu vật của thiên nhiên ban tặng”.
Điểm đến du lịch lý tưởng
Theo ghi nhận của chúng tôi, đến với Khu DTSQTG Núi Chúa, du khách sẽ có cơ hội được khám phá những bãi biển hoang sơ đẹp nhất khu vực miền Trung như: Bình Tiên, Nước Ngọt, bãi Chuối, bãi Thùng, bãi Kênh... với những doi cát uốn lượn ôm sát vào chân núi, tạo nên khung cảnh thiên nhiên biển xanh, cát trắng, nắng vàng tuyệt đẹp; được hòa mình vào biển cả trong xanh và lặn biển ngắm những rạn san hô lung linh, huyền bí. Xen vào đó là những trảng cỏ tranh như dải lụa xanh trắng thấp thoáng giữa màu xanh đậm đặc trưng của rừng nguyên sinh. Những cây vừng sâm đang mùa trổ hoa trắng hồng, những đồi hoa mua tím biếc... tạo nên bức tranh thiên nhiên độc đáo.
Thật thú vị, trong Khu DTSQTG Núi Chúa còn có những “hồ treo” trên vách núi đá, quanh năm có nước trong xanh và nhiều động, thực vật sinh sống. Vào mùa mưa, khi màu xanh của thảm thực vật bao trùm, những vỉa đá nổi lên trên mặt nước như những hòn non bộ tạo nên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ. Trong quần thể của Khu DTSQTG Núi Chúa còn có bãi biển Bình Tiên, vịnh Vĩnh Hy tựa như viên ngọc quý với làn nước xanh trong. Du khách rảo bước trên cung đường ven biển, phóng tầm mắt có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh biển trời trong lòng những dãy núi.
Khu bảo tồn biển Vĩnh Hy là nơi có rạn san hô đẹp và đa dạng nhất Việt Nam với hơn 300 loài phong phú về hình dáng, màu sắc. Một sắc thái khác của san hô cũng có thể được tìm thấy ở Hang Rái với cảnh sắc nên thơ. Hang Rái được ví như một kỳ quan thiên nhiên, một “thác nước trên biển”.
Đến với Khu DTSQTG Núi Chúa, du khách được thỏa thích ngắm vịnh Vĩnh Hy, một trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam được xếp hạng là danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Được biết, khu vực xung quanh vùng đệm của Khu DTSQTG Núi Chúa còn là nơi quần tụ của đồng bào các dân tộc Raglai, Chăm và người Hoa. Họ cư trú trên vùng đất này lâu đời, có bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng và làm ăn sinh sống bằng nhiều nghề truyền thống... tạo thành một cộng đồng cư dân có nét độc đáo riêng trong khu vực.
Phát biểu tại lễ đón nhận quyết định công nhận Khu DTSQTG Núi Chúa và Bằng xếp hạng Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh Vịnh Vĩnh Hy, đồng chí Lê Huyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh, để giữ vững và phát huy các thành quả đã đạt được, các sở, ngành, địa phương và nhân dân toàn tỉnh tiếp tục giữ gìn, phát huy và phát triển ngày càng cao hơn những giá trị của Khu DTSQTG Núi Chúa, tạo tiền đề để Ninh Thuận xây dựng mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững, gắn kết hài hòa con người và thiên nhiên, kết hợp cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học với phát triển kinh tế-xã hội và sinh kế của người dân.
Bài và ảnh: Tùng Lâm