Thanh Hóa thêm hấp dẫn nhờ du lịch cộng đồng

Cập nhật: 20/04/2022
Vài năm gần đây, du lịch cộng đồng ở Thanh Hóa phát triển mạnh nhờ vào tài nguyên thiên nhiên núi rừng và nếp sinh hoạt phong phú của nhiều đồng bào dân tộc sinh sống. Du lịch cộng đồng đang giúp Thanh Hóa tạo nét hấp dẫn riêng, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

Những dấu ấn

Tại Pù Luông, nhiều khu resort 5 sao hòa mình với cảnh quan thiên nhiên.

Nằm cách trung tâm thành phố Thanh Hóa chưa đầy 130km, cách Hà Nội khoảng 190km, Pù Luông thuộc địa phận hai huyện Quan Hóa và Bá Thước của tỉnh Thanh Hóa đang trở thành điểm du lịch “hot” được nhiều người tìm đến.

Tháng 4, ngay khi du lịch mở cửa hoàn toàn, Pù Luông tấp nập đón khách, chủ yếu vẫn là khách nội địa. Những thửa ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc Thái tại đây phủ màu xanh đến mát mắt. Người địa phương nói rằng, Pù Luông đẹp nhất là vào mùa lúa mới khi mới lên mạ xanh (từ giữa tháng 5) hoặc khi vào mùa lúa chín (tháng 9, 10). Khi ấy, núi rừng Pù Luông sáng bừng bởi sắc vàng óng ả, hoặc những thảm xanh lá mạ mát lành. Ẩn hiện trong sắc màu rực rỡ ấy là những nếp nhà sàn lợp rơm, ngói cũ.

Pù Luông ghi điểm với du khách vì còn giữ được những màu sắc của tự nhiên, ngay cả khi nơi đây có đến gần 10 khu resort, nghỉ dưỡng cỡ 4-5 sao và hàng chục homestay do người dân bản địa tự khai thác du lịch. Vào mùa hè, nơi đây được ví như thiên đường nghỉ dưỡng dành cho những du khách thích trải nghiệm du lịch sinh thái. 

Anh Nguyễn Văn Linh, quản lý khu nghỉ dưỡng Casa Pù Luông resort cho biết, trước kia, khách nước ngoài tìm đến Pù Luông rất nhiều, chủ yếu là đi phượt, theo nhóm gia đình. Dịch Covid-19, Pù Luông có nhiều chính sách thu hút khách nội địa. Ngay khi du lịch mở cửa, các dịch vụ nghỉ dưỡng gần như kín chỗ vào cuối tuần. “Pù Luông chưa có nhiều dịch vụ giải trí, nhưng vẻ đẹp yên bình, nét sinh hoạt còn đơn giản của đồng bào dân tộc nơi đây lại là điểm sáng để hút khách”, anh Nguyễn Văn Linh lý giải.

Không chỉ có Pù Luông, nhiều địa phương khác của Thanh Hóa cũng đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng để khai thác tối đa tiềm năng du lịch từ người bản địa. Nhiều khu, điểm du lịch mới với cách làm sáng tạo của bà con dân tộc đã khiến du lịch Thanh Hóa khởi sắc. Đó là những khu du lịch ở vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thường Xuân), dọc lưu vực sông Mã, sông Chu và ven biển một số huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Thường Xuân…

Khu du lịch Bản Mạ (huyện Thường Xuân) mới nổi lên như một điển hình làm du lịch mới. Chị Vi Thị Phương, một người phụ nữ hồn hậu cho biết, hằng ngày, những người phụ nữ vẫn làm nương, dệt vải nhưng khi có khách du lịch đến, các chị em trong bản lại tập hợp để biểu diễn múa xòe phục vụ khách. “Chúng tôi được hướng dẫn làm những món ăn mang bản sắc dân tộc Thái nhưng được nâng tầm chất lượng, vệ sinh để bảo đảm phục vụ du khách. Việc biểu diễn văn nghệ cũng được cán bộ xã về hướng dẫn, phục dựng nhiều điệu múa cổ”, chị Vi Thị Phương chia sẻ.

Phát triển bền vững 

Du lịch cộng đồng đang là hướng đi được nhiều huyện của tỉnh Thanh Hóa định hướng, phát triển. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa, du lịch cộng đồng dù đang có sự chuyển biến nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn di chuyển rộng, các địa phương chưa kết nối với doanh nghiệp du lịch nên du khách chưa biết đến nhiều.

Để du lịch cộng đồng tại đây tạo được sức hút, theo Giám đốc Công ty TNHH Sun Smile Travel Việt Nam Dương Thanh Hằng, các thôn, bản làm du lịch cần tăng cường thêm hoạt động trải nghiệm cho du khách cũng như giới thiệu thêm sản vật địa phương. Trong khi đó, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) Phạm Hải Quỳnh cho rằng, du lịch cộng đồng cần gắn với phát triển du lịch xanh. Các địa phương cần có phương án đầu tư phát triển kết hợp với bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan, tránh đầu tư ồ ạt, thiếu quy hoạch và định hướng. Để làm được điều này, cần có sự đồng hành của chính quyền địa phương và người dân.

Đồng bào dân tộc Thái ở bản Mạ (huyện Thường Xuân) biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, trước dịch Covid-19, lượng khách du lịch đến các điểm du lịch sinh thái cộng đồng ở nhiều địa phương miền núi, ước khoảng 350.000 - 500.000 lượt/năm. Trong đó, có một số điểm đến nổi bật là Khu du lịch Suối cá thần huyện Cẩm Lương, du lịch cộng đồng huyện Bá Thước và du lịch cộng đồng sinh thái thác Ma Hao, huyện Lang Chánh.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã có các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch khu vực miền núi. Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa Trần Đình Sơn cho biết, Thanh Hóa có kế hoạch để nhân rộng nhiều mô hình du lịch cộng đồng tại các thôn, bản. Người dân sẽ là chủ thể để phát triển du lịch. Chính quyền các địa phương tổ chức những đợt tập huấn, đào tạo cách làm du lịch, từ dịch vụ ăn uống, ứng xử với khách, tổ chức biểu diễn những điệu múa dân gian. Bên cạnh đó, thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tăng cường liên kết du lịch với các tỉnh, thành phố và các đơn vị lữ hành, tổ chức nhiều sự kiện, đẩy mạnh quảng bá để tăng lượng khách nội địa và quốc tế trong thời gian tới.

Hoàng Lân

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.com.vn - Đăng ngày 20/04/2022