Chống biến đổi khí hậu thực chất hơn

Cập nhật: 21/04/2022
Trong thời gian qua, Việt Nam đã có những cam kết và quyết tâm mạnh mẽ trong bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Tuy vậy, vẫn còn những thách thức trên chặng đường thực hiện các cam kết cắt giảm phát thải và phát triển bền vững, cần có sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của người dân.

Chuyên gia Richard D. McClellan giới thiệu về Hội nghị Stockholm+50.

Tại lễ khởi động “Chuỗi Tham vấn quốc gia tại Việt Nam-Hướng tới Stockholm+50” do Đại sứ quán Thụy Điển, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 13/4 vừa qua, bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam đánh giá: “Việt Nam đã đưa ra các cam kết đáng khen ngợi về khí hậu tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về BĐKH (COP26), đặc biệt là đáp ứng mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, theo đuổi quá trình chuyển đổi năng lượng và giảm suy thoái rừng vào năm 2030…”.

Tuy vậy, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả nhập khẩu than để phát điện. Theo bà Caitlin, nếu tiếp tục con đường hiện tại, Việt Nam có khả năng trở thành một trong những nền kinh tế sử dụng nhiều carbon nhất hành tinh trong tương lai. Quá trình chuyển đổi năng lượng cũng sẽ đòi hỏi các khoản đầu tư trả trước đáng kể vào năng lượng sạch và tái tạo, đồng thời loại bỏ dần các nhà máy điện than. Ngoài ra, chúng ta cũng đang đối mặt tình trạng suy thoái và biến mất rừng cả trên cạn và rừng ngập mặn, BĐKH, ô nhiễm môi trường và các vấn đề sức khỏe do ô nhiễm… 

PGS, TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực rà soát và điều chỉnh các chiến lược và kế hoạch phát triển của mình cho phù hợp các mục tiêu về BĐKH. Trong thời gian tới, việc thực hiện các cam kết về BĐKH của Việt Nam sẽ được triển khai thực chất hơn, hiệu quả hơn bằng hành động.

Từ những cam kết và định hướng này, việc triển khai và thực hiện hành động cần có sự tham gia rất lớn của người dân và các bên liên quan, xác định các lĩnh vực quan trọng đối với dịch chuyển khí hậu công bằng tại Việt Nam, qua đó đạt được các cam kết mạnh mẽ tại COP26 đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Theo chuyên gia Richard D. McClellan của UNDP: “Những ý kiến của người dân và các bên liên quan của Việt Nam rất quan trọng để thế giới biết được nhu cầu, quan điểm, ưu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, chống BĐKH”. 

Những ý kiến tham vấn từ các quốc gia cũng sẽ được chuyển tải tại cuộc họp cấp cao “Stockholm+50: Một hành tinh khỏe mạnh cho sự thịnh vượng của tất cả mọi người-Trách nhiệm của chúng ta, cơ hội của chúng ta”, do Đại hội đồng LHQ tổ chức tại Stockholm (Thụy Điển) dự kiến vào ngày 2 và 3/6 tới. Hội nghị nhằm xác định những hành động cấp bách và cụ thể mà con người cần triển khai để bảo vệ hành tinh, xây dựng một nền tảng lâu dài và bền vững. Hướng tới hội nghị, hàng loạt hoạt động được triển khai rộng khắp trên toàn thế giới để thu thập ý kiến người dân. Việt Nam là một trong 58 nước tổ chức tham vấn quốc gia với các bên liên quan để cung cấp thông tin cho các cuộc thảo luận diễn ra tại hội nghị cấp cao toàn cầu. 

Các chuyên gia của UNDP, đơn vị thực hiện tham vấn, cũng chia sẻ rằng, gần 30% dân số Việt Nam là thanh niên, là nhóm cần tham gia tích cực và có liên quan vào mọi quyết định quan trọng của hiện tại và tương lai. Thanh niên cần được tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và cơ chế quản lý, nơi họ có thể đóng góp thời gian, khả năng và kiến thức của mình để thúc đẩy chương trình khí hậu và phát triển bền vững. 

Bà Caitlin Wiesen nhận định: “Nâng cao năng lực và nhận thức của thanh niên về đổi mới hướng tới phát triển carbon thấp; linh hoạt, bền vững và liêm chính trong kinh doanh của thế hệ doanh nhân tiếp theo là chìa khóa để nâng cao vai trò của thanh niên trong phát triển quốc gia và đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững”.

Bài và ảnh: Hà Dung

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 19/04/2022