Hội thảo “Du lịch Hải Phòng - Cơ hội vàng bứt phá” diễn ra vào ngày 20/4 tại Hải Phòng nhằm đề xuất các giải pháp phát triển du lịch bền vững, khai thác hiệu quả những lợi thế sẵn có và tranh thủ những cơ hội mới sau đại dịch COVID-19. Sự kiện do Báo Tiền Phong và Sở Du lịch thành phố Hải Phòng tổ chức trong khuôn khổ Giải Vô địch Golf Quốc gia 2022 - Cúp VinFast.
Nhiều tiềm năng nhưng lượng khách hạn chế
Bà Nguyễn Thị Thương Huyền, Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng chia sẻ: Thành phố Hải Phòng là một trong số ít địa phương trên cả nước hội tụ đủ 5 loại hình giao thông gồm: đường biển, đường sông, đường bộ, đường sắt, đường hàng không được kết nối đồng bộ, thông suốt. Thành phố có nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Đồ Sơn, Cát Bà. Trong đó, quần đảo Cát Bà hội tụ 5 danh hiệu quốc gia và quốc tế: Danh lam thắng cảnh - Di tích quốc gia đặc biệt, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn biển và là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới. Với giá trị nổi bật về hệ sinh thái biển đảo, đa dạng sinh học qần đảo Cát Bà đang được trình UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long - Cát Bà.
Hải Phòng có nhiều di tích lịch sử, văn hoá với kiến trúc độc đáo như: đền Nghè, đình Hàng Kênh, chùa Dư Hàng, tháp Tường Long…, cùng với những làng nghề thủ công truyền thống còn lưu giữ được đến ngày nay. Đó chính là những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, tạo nên nét riêng của mảnh đất và con người Hải Phòng.
Giai đoạn trước đây, Hải Phòng tập trung phát triển dịch vụ cảng, công nghiệp và đã đạt được những bước phát triển quan trọng. Tuy nhiên, những năm gần đây đây, cùng với nhu cầu thị trường du lịch tăng nhanh và định hướng chiến lược trong dịch chuyển cơ cấu kinh tế thành phố, ngành du lịch đang nhận được sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Bà Huyền cho biết, Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, thành phố Hải Phòng đã quyết nghị 3 đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó đột phá chiến lược thứ 3 được xác định: “Phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước với trọng tâm là phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các dự án du lịch, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng cao cấp, tầm cỡ quốc tế; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố gắn với biển đảo, các di tích lịch sử, văn hóa”.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh, Hải Phòng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Là đầu mối giao thông quan trọng, là một trong những trung tâm du lịch biển lớn của khu vực miền Bắc và của cả nước; là vùng đất lâu đời với nhiều truyền thống văn hoá, lịch sử, lễ hội quan trọng cũng như tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú gắn liền với biển và tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch Hải Phòng được định hướng phát triển bền vững, trở thành một trong những trọng điểm du lịch quốc gia, mang đậm bản sắc và vùng đất con người Hải Phòng.
Tuy nhiên, theo ông Phúc, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, ngay cả thời điểm trước dịch bệnh, du lịch Hải Phòng còn tồn tại một số hạn chế như: tốc độ phát triển hạ tầng du lịch chưa đáp ứng nhu cầu của khách; vấn đề môi trường du lịch chưa được xử lý dứt điểm nhất là vào dịp cao điểm khách du lịch nội địa; tình trạng quá tải điểm đến đã diễn ra gây bức xúc cho khách du lịch; các dịch vụ bổ trợ, dịch vụ vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, khu mua sắm đẳng cấp quốc tế, khu triển lãm, hội nghị... còn thiếu, chưa đáp ứng điều kiện tổ chức các sự kiện lớn mang tầm quốc tế. Mặc dù có nhiều tiềm năng du lịch, lượng khách du lịch quốc tế đến Hải Phòng hạn chế, mới chỉ đạt gần 1 triệu lượt khách du lịch quốc tế (chiếm 1/18 lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam) năm 2019.
Để triển khai tốt chủ trương mở cửa trở lại du lịch từ 15/3, Tổng cục Du lịch đề nghị ngành du lịch thành phố tập trung cho một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thu hút du khách, trong đó có phát triển sản phẩm du lịch theo hướng đa dạng hoá, khai thác lợi thế, tiềm năng của thành phố, kết nối với các tỉnh/thành liên kết, tạo ra các nhóm sản phẩm du lịch phục vụ cho nhiều đối tượng khách khác nhau; phát triển các sản phẩm du lịch mới và nâng chất các sản phẩm du lịch hiện tại. Tăng cường phát huy thế mạnh du lịch của Hải Phòng, khai thác kết nối tuyến điểm du lịch của Hải Phòng với các tỉnh khu vực miền Trung và đặc biệt kết nối với Hà Nội, Quảng Ninh và với các địa phương khác tạo nên hành lang du lịch an toàn nhằm kéo dài thời gian lưu trú của du khách và hình thành tour du lịch trọn gói.
Hải Phòng cần định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của Hải Phòng; đầu tư phát triển các khu vui chơi, giải trí, các dịch vụ bổ trợ nhằm tăng khả năng chi tiêu và đa dạng hóa các hoạt động của khách du lịch khi đến Hải Phòng; phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch MICE, du lịch golf, du lịch cộng đồng - sinh thái nông nghiệp, du lịch văn hóa - lịch sử, văn hóa nghệ thuật và ẩm thực trên cơ sở liên kết các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển và các điểm tham quan; quan tâm phát triển một số mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực du lịch như kinh tế chia sẻ, kinh tế du lịch ban đêm…
Đổi mới mạnh mẽ tư duy về phát triển du lịch
Chia sẻ tại hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết, để đạt được mục tiêu phát triển Hải Phòng trở thành trọng điểm du lịch lớn của cả nước và là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, thành phố cần phải chủ động đổi mới mạnh mẽ tư duy về phát triển du lịch và có những quyết sách táo bạo tạo nền tảng để du lịch bứt phá.
Theo đó, Hải Phòng cần có sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tư duy và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, để đưa ra những quyết sách quan trọng, táo bạo để tạo được môi trường đầu tư du lịch đặc biệt hấp dẫn, huy động hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch. Xây dựng cơ chế ưu đãi đặc thù, phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của Hải Phòng để thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt thu hút đầu tư cho các dự án du lịch có quy mô lớn, đẳng cấp, chất lượng cao để tạo nền tảng xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch Hải Phòng.
Tập trung nguồn lực đầu tư, trong đó ưu tiên ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch; xúc tiến quảng bá và bảo vệ tài nguyên và môi trường. Chỉ đạo ngành du lịch thành phố đẩy mạnh liên kết với ngành du lịch các tỉnh, thành phố trong vùng, trong cả nước và quốc tế để phát triển du lịch. Chỉ đạo xây dựng Chiến lược (đề án) phát triển du lịch Thành phố đến năm 2030 với danh mục các khu, điểm du lịch trọng điểm và các dự án đầu tư ưu tiên.
Để phát triển du lịch Hải Phòng, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch cho rằng, Hải Phòng cần ưu tiên xây dựng chiến lược, quy hoạch chiến lược du lịch, tăng cường liên kết vùng, tham khảo tiếng nói từ chính quyền, doanh nghiệp và người dân; cải thiện cơ chế chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư, nhất là những nhà đầu tư có chất lượng; phát triển sản phẩm du lịch được quan tâm nhiều như du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch golf, du lịch MICE; thay đổi cách tiếp thị du lịch, bởi lẽ xu hướng, hành vi của khách hàng hoàn toàn thay đổi sau đại dịch COVID -19, trong đó tiếp thị qua mạng xã hội, qua trang web, cơ quan truyền thông là chủ yếu; đào tạo lại kiến thức và kĩ năng của nguồn nhân lực làm du lịch; phát triển hạ tầng du lịch…
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Hà – Chủ tịch Lux Group chia sẻ: Trong quá trình đầu tư hoạt động du lịch, các doanh nghiệp nhận thấy Hải Phòng có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt du lịch biển đảo. Tuy nhiên, hiện còn một số nút thắt mong được thành phố và các ngành chức năng tháo gỡ để phát triển bứt phá.
Thành phố cần có cơ chế, chính sách đồng bộ hơn nữa hỗ trợ các đơn vị kinh doanh, phát triển dịch vụ du lịch. Trong đó, hệ thống hạ tầng giao thông từ trung tâm thành phố ra đảo Cát Bà hiện còn nhiều bất cập. Ngày cao điểm, nghỉ lễ, tình trạng ùn tắc kéo dài qua phà Gót - Cái Viềng khiến lịch trình di chuyển tham quan, nghỉ dưỡng của du khách bị ảnh hưởng.
Hải Phòng cần có thêm các sản phẩm du lịch cao cấp. Từ sản phẩm cao cấp, du khách sẽ có thêm nhiều lựa chọn kết hợp với du lịch golf, du lịch thể thao, du lịch cộng đồng, văn hóa-tâm linh… Ông Phạm Hà cho rằng, thành phố Hải Phòng cần liên kết chặt chẽ với Quảng Ninh để có những cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và du khách, ví dụ kết nối các tour du thuyền, tuor tham quan liên kết giữa vịnh Lan Hạ với vịnh Hạ Long…
Tin, ảnh: H.Thảo