Đó là nồi lẩu to kích thước 120-125 cm, cao 35- 40 cm, chứa 40- 45 lít nước, sử dụng than, chiều cao toàn bếp 75-80 cm, trọng lượng 18 kg; và tổ ong gác kèo ong mật tự nhiên có kích thước 2,2 m x 1 m, chứa khoảng 10-15 lít mật, thu hoạch được từ 1,5-2 kg phấn hoa. Cả 2 kỷ lục này sẽ được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) xác lập và sử dụng để khách đến sự kiện “Hương rừng U Minh” chiêm ngưỡng, chụp hình và lưu lại những khoảnh khắc ý nghĩa.
Ông Lê Hữu Lợi, Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện U Minh, cho biết, Lẩu mắm U Minh đăng ký kỷ lục là lẩu mắm lớn nhất Việt Nam được chế biến và nấu bởi Điểm du lịch sinh thái Hương Tràm - là điểm du lịch sinh thái cộng đồng nằm giữa cánh rừng tràm U Minh Hạ thuộc tuyến Kênh T27, xã Khánh An, huyện U Minh, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm.
Còn Tổ ong lớn nhất Việt Nam của nghề gác kèo ong là tổ ong được lấy tại Điểm du lịch sinh thái Mười Ngọt - điểm du lịch sinh thái với diện tích hơn 60 ha rừng, đặc biệt thu hút khách du lịch với hoạt động khám phá rừng U Minh Hạ và trải nghiệm hoạt động đi ăn ong.
Món lẩu mắm thể hiện bản sắc văn hoá ẩm thực đậm nét của vùng đất U Minh. (ảnh minh hoạ)
Mô tả kỷ lục lẩu mắm U Minh Hạ, anh Giang Hoàng Hon, chủ Điểm du lịch sinh thái Hương Tràm, chia sẻ, nồi lẩu mắm sẽ được chế biến công phu và kỳ công hơn bao giờ hết. Nguyên liệu sử dụng cho món lẩu mắm bao gồm: mắm cá đồng (nguyên liệu không thể thiếu của nồi lẩu mắm) 10 kg; các loại thực phẩm chính như cá lóc, cá rô, lươn rừng U Minh, thịt ba rọi, tôm, mực,...; trên 20 loại rau để chế biến và nhúng lẩu: cà phổi, khổ qua, đậu rồng, bông súng, rau nhút, rau lang, rau dừa, rau muống đồng, rau đắng đồng, rau cần nước, đọt choại, ngò om, bắp chuối, chuối cây, cù nèo, rau mát, lục bình, bông điên điển, bồn bồn, năng bộp, ngải bún, sả,...; và hơn 200 trái dừa tươi lấy nước để nấu lẩu.
"Lẩu mắm được nấu với nước dừa tươi sẽ cho ra vị ngọt thanh mát hoà quyện với vị mắm mặn mòi sẽ là hương vị không thể lẫn vào đâu được", ông Hon khẳng định.
Theo đó, nồi lẩu mắm được sự tham gia chế biến của lực lượng đầu bếp hùng hậu gồm 3 đầu bếp, 7 phụ bếp, có thể phục vụ cho hơn 300 khách tham quan đến tham dự sự kiện “Hương rừng U Minh” năm nay.
Lẩu mắm U Minh thể hiện bản sắc văn hoá ẩm thực đậm nét của vùng đất U Minh huyền thoại từ thời khai hoang mở cõi đến giai đoạn hiện nay đã thấm nhuần vào nếp ăn, nếp ở của người dân địa phương. Việc công nhận U Minh có nồi lẩu mắm lớn nhất Việt Nam sẽ góp phần tuyên truyền và quảng bá hình ảnh vùng đất và con người U Minh đến với du khách trong và ngoài nước.
Anh Phạm Duy Khanh sẽ là người thực hiện kỷ lục Tổ ong lớn nhất Việt Nam của nghề gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ.
Là người làm du lịch tâm huyết với rừng tại Điểm du lịch sinh thái Mười Ngọt, anh Phạm Duy Khanh rất am tường và hiểu rõ về loài ong mật ở rừng U Minh Hạ, anh cũng là người trực tiếp thực hiện xác lập kỷ lục Tổ ong lớn nhất Việt Nam của nghề gác kèo ong. Anh Khanh cho biết, gác kèo ong là một trong những nghề rất đặc biệt được truyền từ đời này sang đời khác và là một trong những nét văn hoá đặc sắc của cư dân vùng rừng tràm U Minh Hạ. Nghề gác kèo ong được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, theo Quyết định số 4613/QĐ-BVHTTDL ngày 20/12/2019. Việc tổ ong gác kèo tại U Minh Hạ được công nhận là Tổ ong lớn nhất Việt Nam sẽ góp phần duy trì và phát huy nghề truyền thống của người dân nơi đây; khuyến khích người dân trồng rừng và giữ rừng, đặc biệt với những cánh rừng già là môi trường lý tưởng cho loài ong trú ngụ và xây tổ. Đồng thời, lan toả và giới thiệu rộng rãi đến khách du lịch gần xa về sản phẩm du lịch trải nghiệm “đi ăn ong” độc đáo ở U Minh Hạ.
Ông Lê Hữu Lợi phấn khởi: “Sự kiện "Hương rừng U Minh" năm 2022 với chủ đề “Hành trình đến Du lịch xanh” hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị và hấp dẫn. Đây là sự kiện hưởng ứng năm Du lịch Quốc gia năm 2022; đồng thời quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của huyện U Minh đến với du khách trong và ngoài tỉnh thông qua các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch, ẩm thực và thương mại. Song song đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối, mở rộng liên kết, hợp tác phát triển thương mại, du lịch, thu hút đầu tư phát triển thương hiệu sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh với các địa phương trong tỉnh. Tất cả đã sẵn sàng cho “Hành trình đến Du lịch xanh”!”.
Sự kiện "Hương rừng U Minh" sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ chiều ngày 28/4 đến ngày 30/4; địa điểm tổ chức tại thị trấn U Minh và Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Các hoạt động chủ yếu, gồm: khai mạc Liên hoan tiếng hát Thanh niên “Hương rừng U Minh”, lúc 18 giờ ngày 28/4; hội chợ thương mại, kết hợp trưng bày sản phẩm OCOP, các loại đặc sản U Minh, sản phẩm đan đát và các hoạt động ẩm thực dân gian, diễn ra từ ngày 29/4-8/5; tổ chức xác lập kỷ lục “Tổ ong lớn nhất Việt Nam” nghề gác kèo ong và “Lẩu mắm lớn nhất Việt Nam”, diễn ra vào chiều ngày 29/4; sự kiện “Hương rừng U Minh” chính thức khai mạc vào tối ngày 29/4; ngày 30/4, hấp dẫn với nhiều hoạt động trò chơi dân gian, đua xuồng trên sông Cái Tàu và các hoạt động thể thao đi bộ xuyên rừng U Minh Hạ.
Băng Thanh