(TITC) - Sáng 26/4, tại Hà Nội, lãnh đạo vụ Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Du lịch đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác Đại sứ quán Anh về Quỹ khu vực đa dạng sinh học.
Chia sẻ về Quỹ khu vực đa dạng sinh học (gọi tắt là BLF), bà Tamsin Ballard, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đa dạng sinh học và khí hậu cho biết, Quỹ khu vực đa dạng sinh học hiện có giá trị là 100 triệu Bảng Anh, nhằm phục vụ 6 khu vực cảnh quan xuyên biên giới, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Quỹ khu vực đa dạng sinh học sẽ tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay như biến đổi khí hậu, mất cân bằng đa dạng sinh học, nghèo đói,...
Bà Tamsin Ballard cho rằng Quỹ khu vực đa dạng sinh học có thể hỗ trợ giải quyết những vấn đề trong bảo vệ cảnh quan, khắc phục những xung đột giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, bà cũng đề nghị Việt Nam nên quan tâm phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch bền vững.
Bà Tamsin Ballard (giữa), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đa dạng sinh học và khí hậu tại buổi gặp gỡ
Nhân dịp này, bà cũng mong muốn có nhiều cơ hội hơn để trao đổi với các đối tác tiềm năng để hợp tác trong thời gian tới, cũng như mục tiêu và kỳ vọng của Tổng cục Du lịch đối với Quỹ khu vực đa dạng sinh học, từ đó có thể hiểu rõ hơn những tiềm năng, dư địa để có thể phát triển du lịch bền vững.
Ông Trần Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, Tổng cục Du lịch đánh giá rất cao sự hỗ trợ của Chính phủ Anh cho các khu vực trong đó có khu vực Đông Nam Á. Quỹ BLF mang ý nghĩa rất quan trọng đối với các nước trong khu vực như Việt Nam - Lào - Campuchia.
Thông tin về tình hình du lịch Việt Nam những năm gần đây, ông Trần Phú Cường chia sẻ, năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, du lịch Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ, đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt 31 tỉ đô la Mỹ, đóng góp 9,2% GDP của cả nước. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới ngành du lịch toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Mục tiêu của du lịch Việt Nam trong năm nay đó là đón và phục vụ khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế và 60 triệu lượt khách nội địa.
Ông Trần Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch tại buổi gặp gỡ
Từ ngày 15/3/2022, Việt Nam đã chính thức mở lại toàn bộ hoạt động du lịch quốc tế và nội địa. Toàn ngành đang nỗ lực phát triển các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu thị hiếu đã thay đổi của khách du lịch, hướng tới các loại hình du lịch xanh, du lịch bảo vệ môi trường, du lịch sinh thái, du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm. Đây cũng là định hướng chiến lược của du lịch Việt Nam trong những năm qua, ông Cường nhấn mạnh.
Việt Nam sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh, các khu sinh thái, khu bảo vệ sinh quyển cũng như các Di sản thiên nhiên thế giới đã được UNESCO công nhận. Chính vì vậy, Việt Nam có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng rất lớn. Việc cấp thiết và ưu tiên hiện nay là tập trung vào phát triển, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông và nâng cao kỹ năng của nguồn nhân lực trong ngành du lịch. Tổng cục Du lịch cũng đã có một số dự án hỗ trợ mô hình quản lý du lịch sinh thái dựa vào các hộ dân ở các địa phương. Sắp tới đây, nếu có thêm sự hỗ trợ từ Quỹ BLF, mô hình quản lý sẽ được áp dụng rộng rãi và hiệu quả hơn, nhằm mục đích bảo vệ môi trường, mang tới nhiều lợi ích cho cộng đồng địa phương, góp phần thúc đẩy đa dạng sinh học, giảm nghèo và phát triển bền vững.
Toàn cảnh buổi gặp và làm việc
Đồng tình với những chia sẻ của lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, bà Tamsin Ballard đề nghị tăng cường đối thoại với Tổng cục Du lịch và mong muốn Tổng cục Du lịch sẽ là cầu nối cung cấp thông tin liên quan về Quỹ khu vực đa dạng sinh học đến các đối tác tiềm năng tại Việt Nam cũng như tham gia các hoạt động và hỗ trợ Quỹ trong tương lai.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Trần Phú Cường tặng quà lưu niệm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đa dạng sinh học và khí hậu Tamsin Ballard
Trung tâm Thông tin du lịch