“Ký họa kháng chiến miền Nam” - ghi dấu mốc son hào hùng của dân tộc

Cập nhật: 27/04/2022
Nhân dịp kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tổ chức triển lãm chuyên đề “Ký họa kháng chiến miền Nam”.

Triển lãm chuyên đề “Ký họa kháng chiến miền Nam” là dịp để tri ân người chiến sĩ - họa sĩ đã có công đóng góp sức lực cho cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc, mang lại hòa bình, tự do cho dân tộc và tôn vinh những người nghệ sĩ đã đóng góp trí lực làm dày thêm trang sử Việt Nam bằng nghệ thuật. 

Những hình ảnh trong những thời khắc chiến tranh mang đến cho những người trẻ niềm cảm xúc khâm phục, tự hào về thế hệ đi trước, còn với những người cựu chiến binh đã từng trải qua những thời khắc lịch sử đó - như họa sĩ điêu khắc Nguyên Dương ở Hà Nội, thì những hình ảnh của ký ức năm xưa cùng bao cảm xúc đan xen, buồn vui khôn tả cùng những người đồng đội năm xưa lại ùa về sau khi xem những bức ký họa trong triển lãm lần này.

Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phát biểu. Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Họa sĩ điêu khắc Nguyên Dương chia sẻ: "Đây là những bức tranh của các đàn anh chúng tôi đang ở chiến trường, còn chúng tôi ở ngoài miền Bắc bảo vệ bầu trời miền Bắc, thực hiện nhiệm vụ đánh máy bay của Mỹ ra miền Bắc, cụ thể là bảo vệ cầu Hàm Rồng, bảo vệ Hà Nội. Rất cám ơn một triển lãm rất sống động nhân ngày 30/4 của các họa sĩ trong chiến trường miền Nam vẫn còn lưu giữ cho đến ngày hôm nay. Xem lại những bức tranh này, chúng tôi hình dung lại cuộc chiến của ngày xưa đầy gian khổ hi sinh, nhưng tất cả mọi người đều cố gắng vượt lên quên mình để hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc giao phó".

Theo các nhân chứng lịch sử, vào giai đoạn đầu của cuộc chiến, các họa sĩ vẽ ký họa chưa nhiều. Nhưng khi cuộc chiến càng khốc liệt, những mất mát đau thương càng nhiều, khiến ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc thì những người họa sĩ nhận thức được trọng trách và sứ mệnh của mình trong lịch sử. Họ đã tranh thủ từng giờ từng phút để ghi nhận thật nhanh, thật nhiều, thật chính xác về con người, sự kiện và quang cảnh của đất nước.

Cắt băng khai mạc triển lãm. Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

70 bức ký họa được trưng bày và giới thiệu tới công chúng Thủ đô trong triển lãm lần này thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Các tác phẩm được sáng tác trực tiếp trên chiến trường miền Nam trong giai đoạn 1954-1975, với chất liệu và nội dung vô cùng phong phú. Các chất liệu được các họa sĩ sử dụng nhiều nhất là màu nước, bột màu, bút sắt, chì… để ghi lại các “trang nhật ký chiến trường” về con người, cuộc sống, vùng đất và cuộc chiến tranh cam go của quân và dân Nam bộ. Một số tác phẩm nổi bật được kể đến với các chất liệu này là: ký họa “Xuân trong hầm pháo” và “Nghỉ đêm trong làng” của tác giả Thái Hà; “Trận Bình Giã 1965” của tác giả Huỳnh Phương Đông; hai tác phẩm “Trên đường vào Nam cắt tóc” và “Chị Quyên” của tác giả Lê Lam…

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhận định: "Bộ sưu tập quý được Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trưng bày tại Hà Nội, đây là món quà vô giá từng được bảo vệ trong rất nhiều năm tháng. Tôi nghĩ rằng những tác giả hôm nay người còn, người mất; thế nhưng mãi mãi những nét bút thân thuộc ấy của họ vẫn được lưu giữ lại trong từng bức ký họa nhỏ. Đấy là những thời khắc xúc động nhất của chính người nghệ sĩ, ghi lại những nét đẹp của người chiến sĩ trên mặt trận miền Nam".

Triển lãm chuyên đề “Ký họa kháng chiến miền Nam” mở cửa đến hết ngày 8/5/2022. Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Nghệ thuật đối với những người họa sĩ – chiến sĩ đã trở thành vũ khí sắc bén, hữu hiệu để khắc họa cuộc sống và chiến đấu của quân và dân ta trong những năm chiến tranh khốc liệt. Hàng ngàn ký bức họa ra đời trong thời chiến đã trở thành những minh chứng chân thực của lịch sử, thể hiện khát vọng hòa bình, sự chính nghĩa và chủ nghĩa anh hùng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Ký họa kháng chiến miền Nam chứa đựng những nội dung vừa bình dị, vừa lớn lao, không mang nặng tính tàn khốc và đối kháng trong chiến tranh, có lẽ đây là điểm khác biệt nổi bật của các tác phẩm ký họa chiến trường Việt Nam.

Theo họa sĩ Trần Thanh Bình – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, 70 bức ký họa kháng chiến miền Nam của 17 tác giả trưng bày tại triển lãm lần này được lựa chọn từ trên 4.000 bức ký họa của rất nhiều họa sĩ, với mong muốn truyền tải những thông điệp ý nghĩa tới thế hệ trẻ trong thời kỳ hòa bình.

"Các tác phẩm ký họa của bộ sưu tập 'Ký họa kháng chiến miền Nam' của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM trưng bày lần đầu tiên tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để giới thiệu cho công chúng, đặc biệt muốn hướng đến giới trẻ để hiểu được những giá trị của các tác phẩm ký họa trong thời kỳ kháng chiến và học tập, nuôi dưỡng lòng yêu nước. Từ đó tiếp thu được tinh hoa mà các thế hệ cha ông trong thời chiến để lại, thông qua kỹ thuật và bút pháp của các họa sĩ này" - họa sĩ Trần Thanh Bình nói.

Trưng bày chuyên đề “Ký họa kháng chiến miền Nam” không chỉ là nguồn tư liệu quý về hiện thực lịch sử, nghệ thuật mà còn là một bằng chứng khẳng định những thành quả của Mỹ thuật Cách mạng; là một điểm son rất riêng của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm nền mỹ thuật hiện đại thế giới, đặc biệt ở mảng ký ức tư liệu nghệ thuật.  

Triển lãm sẽ mở cửa đến hết ngày 8/5/2022 tại Không gian triển lãm chuyên đề, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội./.

Huyền Trang

Nguồn: VOV - vov.vn - Đăng ngày 27/04/2022