Hơn 8,8 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2021, đó là kim ngạch xuất khẩu của hàng dệt may trong nước từ đầu năm đến nay. Điều này cho thấy sự bứt tốc mạnh mẽ của các doanh nghiệp dệt may sau một thời gian dài phải ngưng hoạt động vì dịch Covid-19.
Tiêu dùng xanh lên ngôi
Trên thực tế, khái niệm thời trang bền vững đang trở thành mối quan tâm của người tiêu dùng trên toàn thế giới. Theo bà Minli Zhao, Phó Chủ tịch ngành tiêu dùng, mảng vật liệu chuyên dụng của Tập đoàn BASF, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một nghiên cứu nổi bật về ngành công nghiệp giày dép cho thấy, 66% người tiêu dùng coi tính bền vững là yếu tố chủ chốt khi đưa ra quyết định chọn mua những mặt hàng xa xỉ.
Nắm bắt được nhu cầu trên, các thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới đã cho ra mắt những bộ sưu tập làm từ ni lông tái chế hoặc sử dụng những nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, có thể tự phân hủy.
Người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm thời trang bằng loại sợi vải “xanh” nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Hoàng Hùng
Không nằm ngoài xu thế này, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết, ngành thời trang Việt không có lựa chọn nào khác là phải đầu tư cho phát triển bền vững. Theo đó, VITAS đã có dự án “Xanh hóa ngành dệt may”, hướng tới mục đích cải cách ngành dệt may Việt Nam, tác động vào hoạt động quản trị ngành và môi trường. Dự án tập trung vào cải thiện quản lý nước và năng lượng với mục tiêu dài hạn là nâng cao tính bền vững của hệ sinh thái và môi trường sống.
Cùng với đó, các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngành dệt may đã nghiên cứu, cho ra đời nguyên liệu tái chế để sản xuất thời trang. Bước đi này không chỉ giúp doanh nghiệp thời trang Việt chắc chân tại nội địa mà còn vững vàng chinh phục thị trường thế giới.
Cùng sự đầu tư chung của toàn ngành, nhiều doanh nghiệp Việt cũng đã và đang thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ cho nguyên liệu xanh nhằm sản xuất những sản phẩm thời trang đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực thời trang xuất khẩu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) Trần Như Tùng cho biết, doanh nghiệp xác định sản xuất thời trang xanh là xu hướng và từ năm 2015 đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển kinh doanh (R&D), đồng thời đầu tư bài bản cho nguồn nhân lực, tuyển dụng các sinh viên học ngành thời trang xuất sắc của Trường Đại học Bách khoa.
Việc thành lập trung tâm R&D giúp TCM có 3 dòng sản phẩm chính là dòng sản phẩm thân thiện với môi trường (tái chế từ chai nhựa, mía, bắp, quần áo cũ…); dòng sản phẩm tính năng theo mùa và dòng sản phẩm tiện dụng cho cuộc sống. Nhờ đó, dù ảnh hưởng dịch Covid-19, song việc xuất khẩu của TCM vẫn ổn định.
Tương tự, Chủ tịch HĐQT của Việt Thắng Jean Phạm Văn Việt cho biết, người tiêu dùng tại các thị trường như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ đòi hỏi rất cao về sản phẩm thời trang. Do vậy, Việt Thắng Jean đã đầu tư mạnh cho việc tìm kiếm nguyên liệu xanh nhằm sản xuất ra những sản phẩm thân thiện môi trường và có thể phân hủy 100% trong đất.
Tăng tốc nguồn nguyên liệu xanh
Không chỉ trong xuất khẩu, tại thị trường nội địa, gần đây rất nhiều loại sợi vải từ thiên nhiên đã và đang được các doanh nghiệp nghiên cứu cho ra đời, ứng dụng trực tiếp vào sản xuất để mang tới sản phẩm thời trang ấn tượng, gần gũi thiên nhiên.
Có thể kể tới Công ty CP Kết nối thời trang - Faslink đã tiên phong đầu tư mạnh cho R&D và cho ra thị trường nhiều loại sợi vải “xanh” từ sen, cà phê, bạc hà, tre… có tính ứng dụng cao và được thị trường đón nhận tích cực. Tổng Giám đốc Faslink Trần Hoàng Phú Xuân chia sẻ, trong vòng 4 năm qua, nhu cầu về tiêu dùng của sản phẩm thời trang bền vững rõ nét hơn vì ngày càng nhiều yêu cầu cung ứng vật tư của các doanh nghiệp nội địa đặt hàng Faslink.
Người tiêu dùng chọn sản phẩm thời trang bằng vải “xanh” nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Hoàng Hùng
“Ước tính, chỉ riêng trong năm 2021, chúng tôi đã cung ứng cho thị trường khoảng 8 triệu mét vải nguyên liệu thành phẩm các loại và tất cả đều đáp ứng tiêu chí xanh”, bà Trần Hoàng Phú Xuân tiết lộ.
Mặc dù vậy, theo các doanh nghiệp, việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm thời trang xanh vẫn đang gặp phải một số khó khăn như: đội ngũ nhà nghiên cứu sáng tạo còn thiếu, sự liên kết giữa doanh nghiệp và nơi đào tạo chưa chặt chẽ. Thêm vào đó, việc đầu tư này còn cần vốn lớn, cần các ý tưởng mới, sáng tạo… nên chưa thực sự có nhiều doanh nghiệp quan tâm tham gia
Minh Xuân