Giảm rác thải nhựa, trả lại môi trường trong lành cho các khu du lịch biển

Cập nhật: 11/05/2022
Giảm rác thải nhựa đã được nhiều địa phương có biển quan tâm thời gian qua. Tuy nhiên, kết quả chưa được như mong đợi. Mùa du lịch biển năm 2022 đã bắt đầu, hứa hẹn lượng khách “đổ về” các bãi biển sẽ tăng lên rất nhiều do 2 năm qua ngành “kinh tế không khói” phải đóng cửa vì đại dịch Covid-19. Một lần nữa, ngăn chặn rác thải nhựa tiếp tục được các địa phương rốt ráo thực hiện để trả lại môi trường trong lành cho các bãi biển.

Rác thải nhựa – nỗi kinh hoàng của các bãi biển

Việt Nam có hơn 1 triệu km2 mặt nước biển, hơn 2.770 đảo ven bờ và hàng loạt bãi tắm đẹp trải dọc cả nước. Đây là những lợi thế vô cùng thuận lợi để phát triển du lịch biển.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), trước khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, ước tính các vùng ven biển, khu du lịch biển hàng năm thu hút khoảng 70% lượng khách quốc tế tới Việt Nam, 50% khách nội địa, mang lại 70% doanh thu từ ngành du lịch cả nước.

Khách du lịch chụp ảnh lưu niệm tại bãi biển Phú Quốc. Ảnh: H.T

Tuy nhiên, mặt trái của phát triển du lịch biển chính là ô nhiễm môi trường biển. Theo kết quả giám sát môi trường hàng năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi khách du lịch lưu trú có lượng rác thải khoảng 1,2kg/ngày đêm; mỗi khách du lịch không lưu trú có lượng rác thải trung bình khoảng 0,5kg/ngày. Trong đó, rác thải nhựa là túi nilon, cốc nhựa, chai nhựa, hộp nhựa, hộp xốp…chiếm khoảng 60%.

Điều đáng nói là, các loại rác thải này phải mất ít nhất 100-200 năm mới có thể phân hủy được. Do đó vừa làm mất mỹ quan của bãi biển vừa gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Đã từng có nhiều bãi biển, khách du lịch chỉ dám đứng trên bờ ngắm biển thay vì tắm biển do chất lượng nước biển bị ô nhiễm và các rác thải nhựa trôi dạt ven bờ…

Hướng tới du lịch xanh tại các bãi biển

2 năm vừa qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm sụt giảm nguồn thu ngân sách từ ngành du lịch, nhưng đây lại chính là cơ hội để các bãi biển được “nghỉ ngơi”, môi trường thiên nhiên được phục hồi.

Tuy nhiên, với trạng thái bình thường mới, ngành du lịch đã phục hồi và mở cửa đón khách du lịch trở lại. Nhiều địa phương có bãi biển, ngoài việc tổ chức các hoạt động để thu hút khách, phục hồi nền kinh tế địa phương phát triển thì việc bảo vệ môi trường biển cũng đã được ưu tiên đưa lên hàng đầu.

Mới đây, UBND huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF-Việt Nam) khởi động chiến dịch giảm rác thải nhựa. Với thông điệp "Đến không mang theo nhựa, đi để lại yêu thương", chiến dịch giảm nhựa đã được lan tỏa bằng chuỗi hoạt động sôi nổi và thiết thực như: Tổ chức tuần lễ giảm nhựa; Triển lãm "Du hí biển nhựa" kết hợp "Ngày hội Đổi rác lấy quà"; phát Sổ tay giảm nhựa cùng với thông điệp "Tôi chọn giảm nhựa" khi du lịch Côn Đảo tại một số khách sạn… Đặc biệt, ngày 26/3/2022 vừa qua, UBND huyện Côn Đảo đã chính thức ký cam kết trở thành đô thị giảm nhựa, hướng tới mục tiêu không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030.

Tại nhiều bãi biển như Cát Bà (Hải Phòng), Phan Thiết (Ninh Thuận), Bãi Cháy (Quảng Ninh)…, nhiều chương trình tuyên truyền, khuyến khích giảm rác thải nhựa cũng đã được giới thiệu nhằm thay đổi thói quen của khách du lịch để giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường thiên nhiên.

Giảm thiểu rác thải khi đi du lịch hiện đã trở thành xu hướng và nhận được đồng hành, chung tay của du khách khi tới các bãi biển. Nhiều bãi biển trước đây là vấn nạn của rác thải nhựa đến nay đã trở nên sạch đẹp hơn.

Với sự chung tay của các cấp chính quyền địa phương cùng với việc nâng cao ý thức của khách du lịch, ngành du lịch tin tưởng “vết sẹo” do mặt trái của hoạt động du lịch phát triển nhanh thời gian qua để lại hoàn toàn được chữa lành, để các bãi biển trở lại vẻ đẹp vốn có và là địa điểm thu hút khách du lịch trở lại nhiều lần, chứ không phải là “một đi không trở lại” như đã từng xảy ra trước đây./.

An Nhi

Nguồn: Thời báo tài chính Việt Nam - thoibaotaichinhvietnam.vn - Đăng ngày 08/05/2022