Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Xanh thắm Trường Sa

Cập nhật: 17/05/2022
Một lần đến Trường Sa, cả đời nhớ Trường Sa. Đó là cảm nhận rất thật của tôi đối với quần đảo phong ba này. Bởi lẽ, đó là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Từ khi bước lên tàu để bắt đầu một hải trình “đặc biệt” giữa biển cả mênh mang, hai tiếng Trường Sa đã rưng rưng trong lòng. Cái háo hức xen lẫn hồi hộp khi được ra Trường Sa ở lần đầu và lần hai đối với tôi hầu như rất giống nhau.

Dẫu rằng Trường Sa bây giờ so với Trường Sa của năm cuối cùng thế kỷ XX có nhiều thay đổi về cảnh quan. Một Trường Sa xanh hơn, đẹp hơn xứng đáng được gọi là “chuỗi ngọc” giữa biển Việt yêu thương.

Không phải tự nhiên mà người ta gọi Trường Sa là “quần đảo phong ba”. Tuy rằng Trường Sa có cây phong ba được coi là loại thực vật chủ lực của những hòn đảo san hô nằm cách đất liền nước ta ít nhất khoảng 400 hải lý. Nhưng có lẽ, đó chưa phải là lý do chính. Lý do trước hết để Trường Sa xứng đáng với tên gọi ấy là thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Tôi ra quần đảo lần thứ nhất vào tháng tư, năm 2000. Mùa giao sóng, biển lặng. Nói như cổ nhân thì “Tháng 3 bà già đi biển”. Suốt chặng đi, trời biển xanh biếc như hòa trộn vào nhau, con tàu Ti Tan màu trắng rẽ nước êm êm. Sau hai ngày hai đêm, chúng tôi đã đến được vùng biển đảo Trường Sa. Tinh mơ. Chiếc xuồng nhôm màu da cam đã được hạ xuống chờ chở người vào đảo.

Trời âm u và lắc rắc mưa.

Lệnh phát ra: Chưa ai được xuống xuồng! Tiếng ai đó ca cẩm: “Trời ạ, mưa gió thế này thì nhằm nhò gì cơ chứ”. Đại tá Nguyễn Văn Trí - Chủ nhiệm Chính trị vùng 4 Hải quân chậm rãi nói với chúng tôi: “Trời biển Trường Sa thất thường lắm. Đang yên ả bỗng nhiên giận dữ là chuyện thường. Chớ nên coi thường những cơn giông như thế này các bạn ạ”. Và không đợi lâu, chỉ dăm phút sau, gió nổi lên cuồn cuộn, sóng bạc đầu đuổi nhau trắng xóa và mưa ào ạt căng rát dội xuống. Mưa gõ loong coong trên boong tàu. Dưới bầu trời đen kịt, biển tối sầm như vừa chui vào màn đêm mù mịt. Những tia sét loằng ngoằng nối nhau như muốn xé bầu trời ra nhiều mảnh.

Cơn giông tố đến bất chợt và tan đi cũng mau lẹ. Trời biển lại trong sáng như vừa được lau sạch và bình minh đỏ thắm dâng đầy Trường Sa. Một vùng biển đảo Tổ quốc hiện lên lộng lẫy trước mắt tôi. Tôi không khỏi xúc động khi nhìn vào đảo, một chấm đỏ nhô cao trên vệt xanh màu lá cây. Chấm đỏ ấy là lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay giữa lồng lộng trùng khơi.

Lính đảo nói với chúng tôi rằng, ở vùng biển Trường Sa mỗi năm ít nhất có từ 7 đến 8 tháng thời tiết không ôn hòa. Tôi chưa được chứng kiến cơn bão nào ở quần đảo nhưng đã biết thế nào là nắng Trường Sa. Nắng từ trời dội xuống. Nắng từ biển hắt lên. Nóng và khét như vừa tuôn ra từ một cái lò vôi khổng lồ. Chả trách, chiến sĩ ta ví von đảo An Bang là “lò vôi thế kỷ”. Khi ra Trường Sa, điều tôi ngạc nhiên là tại sao lính ta có nhiều người tóc bị bạc sớm. Những chàng binh nhất, binh nhì trẻ măng nhưng tóc đã lấm tấm bạc. Tôi gọi họ là những người lính “mặt trẻ tóc già”. Chắc chắn hiện tượng đó có sự can dự của nắng gió Trường Sa. Cũng là một ví dụ để minh chứng sự khắc nghiệt của khí hậu vùng biển này.

Tuy vậy, cả hai lần ra Trường Sa, tôi không khỏi ngỡ ngàng với màu xanh cây cối trên các đảo. Màu lá, sắc hoa đã làm cho Trường Sa không còn trơ trụi, cằn cỗi như xưa. Cây bóng mát, cây chắn gió, cây làm cảnh, cây để ăn cùng với những con vật quen thuộc làm cho Trường Sa rộn ràng và xanh thắm giữa trùng khơi. Xanh thắm Trường Sa làm cho tôi liên tưởng đến những làng quê ở đất liền. Bản giao hưởng xanh tuyệt vời ấy đã khơi nguồn cảm xúc cho tôi viết được bài thơ “Làng đảo” ngay giữa Trường Sa: “Trập trùng sóng, trập trùng mây/ Giữa bao la biển, ô hay, làng mình/ Cũng vàng hoa mướp rung rinh/ Cũng tươi hoa muống trắng tinh cạnh nhà/ Mồng tơi ra với Trường Sa/ Lá xanh quấn quýt như là đợi em/ Muốn xem ra đó mà xem/ Rau sam trên đá, lá dền trong khay/ Đất quê đóng gói về đây/ Lính gieo hạt xuống thành cây, thành làng”.

Tôi đã đọc cho bộ đội nghe, sau những ánh cười là nỗi rưng rưng dâng lên trong khóe mắt. Bộ đội xa nhà, nghe đến làng quê ai không thổn thức. Và cũng có cả niềm tự hào nữa, khi được làm người lính bảo vệ Tổ quốc và làm đẹp Trường Sa, làm đẹp biển đảo bằng đôi tay, giọt mồ hôi của mình. Trồng được một cây xanh ở Trường Sa không dễ. Cứ hình dung đảo chỉ là cát, đá san hô được bồi đắp hàng triệu năm, chỉ có tra, phong ba, bão táp, bàng vuông mới mọc lên được và trụ vững ở đây với chi chít sẹo bão trên cành. Còn muốn có một cây sứ, cây hoa giấy hay một vườn rau, một giàn bầu bí, một chậu sen… thì tốn nhiều công lênh lắm. Trước hết phải cần có đất. Đất màu mang từ bờ ra. Anh Nguyễn Văn Trung - cán bộ Cục Hậu cần, Quân chủng Hải quân cho tôi biết, để trồng cây xanh và rau cho bộ đội ăn hằng ngày, hàng trăm tấn đất màu đã được chở ra Trường Sa.

Có những chuyến tàu chỉ chở ra đảo duy nhất một món hàng là đất! Lính ta dùng xà beng, choòng đục đào các hố đá san hô rồi cho đất màu xuống để trồng cây. Chăm cây như chăm con vậy, phải chắt chiu từng ca nước ngọt để tưới, mùa bão thì che chắn hay di chuyển chậu để tránh gió lớn. Có một Trường Sa xanh thắm như bây giờ, bộ đội ta đổ ra biết bao nhiêu mồ hôi. Không kể được, làm sao mà kể xiết. Cái nỗi vất vả trồng cây ở Trường Sa đã được chiến sĩ Hùng Hậu miêu tả trong bài thơ dán trên báo tường đại đội thế này: “Lính Trường Sa chẳng điệu đâu/ Cái tay làm đất, cái đầu phải lo/ Chọn từng chậu đất, nắm tro/ Làm nhà che chắn gió to, mưa rào/ Rau sam cấy ở trên cao/ Rau dền đất thấp, hàng rào mồng tơi”… Với lính và dân Trường Sa, cây không chỉ là cây mà là quê hương. “Nhìn cây cho đỡ nhớ quê, nhớ nhà anh ạ!” - tôi đã hơn một lần nghe lính Trường Sa thốt ra câu đó. Như Đinh Văn Cường - Cán bộ Chính trị ở đảo Trường Sa tâm sự: “Trường Sa xanh thêm mỗi ngày, bộ đội và nhân dân trên đảo càng thấy gần hơn đất liền anh ạ”. Tôi nghĩ, trong xanh thắm Trường Sa có tình yêu quê hương đất nước, có nỗi thương nhớ người thân ở đất liền. Còn hơn thế nữa, đó cũng là một nét đẹp trong văn hóa giữ nước của dân tộc Việt. Ngày xưa, “Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”, Bây giờ, ta cũng biết rào chắc phên dậu để phòng giặc từ xa bằng cách bám trụ vững bền trên từng tấc đảo, ngọn sóng Việt Nam.

Trường Sa bây giờ khác xưa nhiều lắm. Nhà cao tầng, cảng hàng không, trường học, trạm y tế, âu tàu, điện gió, điện mặt trời, cơ sở hậu cần phục vụ nghề cá, cơ sở kinh tế, nghiên cứu khoa học kỹ thuật đã và đang mọc lên tạo ra một diện mạo mới mẻ, hiện đại cho quần đảo. Tôi lại nghĩ đến thành phố Trường Sa trong một tương lai không xa. Vâng, không chỉ là pháo đài bảo vệ Tổ quốc ở phía đông, Trường Sa phải là nơi phát triển kinh tế tiềm tàng để làm giàu cho đất nước. Muốn giấc mơ đó trở thành hiện thực, trước hết Trường Sa phải là mẫu mực về gìn giữ, bảo vệ môi trường. Mỗi lần nghĩ về Trường Sa, tôi lại nhớ tới những con người thân thiện mình từng gặp. Là lính. Là dân. Họ đều mang trong mình một Trường Sa xanh thắm như tôi đã thấy, đã da diết yêu thương. Tôi nhớ mãi các buổi chiều những em bé thả diều trước nhà khách Thủ đô. Đó chính là những chủ nhân của một thành phố Trường Sa tương lai xanh hơn, sạch hơn, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Nguyễn Hữu Quý - (Thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, Quảng Trị)

Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường - baotainguyenmoitruong.vn - Đăng ngày 17/05/2022