Hà Nội: Mới lạ với... du lịch xanh

Cập nhật: 19/05/2022
Khi hoạt động du lịch mở cửa hoàn toàn sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Hà Nội đã kích hoạt hàng loạt sản phẩm, trong đó du lịch xanh, thân thiện với môi trường được chú trọng, giúp du khách có nhiều trải nghiệm mới lạ, nhất là trong dịp diễn ra Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31). Du lịch xanh cũng được xem là xu hướng tất yếu để phục hồi, phát triển du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hà Nội nói riêng một cách bền vững.

Khám phá phố cổ bằng xe điện giúp du khách có nhiều trải nghiệm mới, góp phần bảo vệ môi trường.

Tăng tính hấp dẫn

Ngày 12-5 vừa qua, Công ty cổ phần Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) khởi động lại sản phẩm “Du lịch xanh trong thành phố xanh với phương tiện giao thông sạch” chào mừng Năm Du lịch quốc gia 2022 và SEA Games 31. Với sản phẩm này, du khách được trải nghiệm 3 tour khám phá 28 tuyến phố cổ, 121 di tích lịch sử, văn hóa - lịch sử cách mạng và các công trình kiến trúc Pháp trên địa bàn quận Hoàn Kiếm bằng xe điện, với thời gian từ 35 đến 40 phút.

Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân Hoàng Công Anh, tour khám phá phố cổ Hà Nội bằng xe điện đã được triển khai từ năm 2010, dịp Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản phẩm du lịch này có lúc tạm dừng hoạt động để thực hiện an toàn phòng, chống dịch. “Du lịch Hà Nội đang từng bước khôi phục. Để tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm du lịch của Hà Nội, thu hút du khách, đặc biệt trong dịp SEA Games 31, chúng tôi đã kích hoạt lại sản phẩm du lịch bằng xe điện”, ông Hoàng Công Anh cho biết.

Không chỉ riêng sản phẩm du lịch bằng xe điện, gần đây, các đơn vị kinh doanh du lịch Hà Nội ra mắt nhiều sản phẩm du lịch xanh, thân thiện với môi trường. Điển hình là tour đi bộ khám phá kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội của Bảo tàng Lịch sử quốc gia; hàng loạt tour xe đạp do Công ty Lữ hành Hanoitourist (Tổng công ty Du lịch Hà Nội) và nhiều đơn vị trong Câu lạc bộ du lịch bền vững VGreen thiết kế và xây dựng đã được tổ chức. Trong dịp diễn ra SEA Games 31, các sản phẩm du lịch đạp xe cũng được Sở Du lịch Hà Nội giới thiệu trong danh sách 28 tour du lịch tiêu biểu của Thủ đô, như: Tour xe đạp khám phá Cổ Loa (huyện Đông Anh), Làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), các di tích thuộc “Thăng Long tứ trấn”…

Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng chia sẻ, du lịch bằng xe đạp giúp du khách có trải nghiệm mới mẻ các cung đường, cải thiện sức khỏe, góp phần bảo vệ môi trường. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục xây dựng các sản phẩm thân thiện, kết nối các điểm nội thành và ngoại thành.

Ở khu vực ngoại thành, các điểm du lịch tại Ba Vì, Sơn Tây, Mỹ Đức, Thạch Thất… cũng xây dựng nhiều sản phẩm du lịch xanh. Nổi bật là sản phẩm du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe, tắm lá thuốc của người Dao, huyện Ba Vì; các hoạt động trải nghiệm tại Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây); du lịch cộng đồng tại huyện Thạch Thất…

Du lịch gắn với cộng đồng

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính (Hiệp hội Du lịch Việt Nam), du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên, văn hóa, đóng góp cho nỗ lực bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Du lịch xanh đang là xu hướng phát triển trên thế giới, cũng là hướng đi tất yếu để du lịch phát triển bền vững.

Ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, với lợi thế tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng văn hóa, du lịch xanh đang được đẩy mạnh khai thác, xây dựng nhiều sản phẩm mới, thu hút du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu, phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn, phát triển du lịch xanh vẫn đang gặp không ít trở ngại do đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; ý thức của đơn vị kinh doanh du lịch và cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, cảnh quan, thiên nhiên chưa cao.

Bàn giải pháp để phát triển du lịch xanh bền vững, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) Phạm Hải Quỳnh cho rằng, các câu lạc bộ du lịch cần có sự chia sẻ, liên kết cùng nhau bảo vệ môi trường. Chẳng hạn như khuyến khích các đơn vị lữ hành hạn chế sử dụng đồ dùng nhựa; tư vấn cho khách không mang túi nhựa, chai lọ nhựa trong hành trình du lịch. Còn theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu, để phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm với môi trường, xã hội, các địa phương cần nêu cao trách nhiệm của cộng đồng dân cư.

Tại Hà Nội, việc phát triển du lịch xanh luôn nằm trong chiến lược phục hồi, phát triển du lịch Thủ đô. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn về du lịch cộng đồng, ứng xử văn minh du lịch ở các quận, huyện, thị xã. Sở cũng yêu cầu các đơn vị lữ hành, điểm đến cần lưu ý đến những yếu tố môi trường, bảo đảm an toàn sức khỏe, phát triển bền vững trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch.

Hoàng Lân

Nguồn: Báo Hà nội mới - hanoimoi.com.vn - Đăng ngày 18/05/2022