Trong bối cảnh ngành du lịch bắt đầu khôi phục trở lại sau đại dịch, việc khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch mới, độc đáo, đáp ứng được sự thay đổi về nhu cầu của du khách được xem là "chìa khóa” để phục hồi và phát triển du lịch bền vững.
Tuyên Quang có trên 600 di tích lịch sử, văn hóa, hơn 22 dân tộc sinh sống với những bản sắc văn hóa riêng. Đặc biệt, khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình được ví như Hạ Long giữa đại ngàn, với hệ sinh thái đa dạng, nhiều loại động thực vật quý hiếm, hang động, thác nước độc đáo nguyên sơ đã tạo nên nguồn tài nguyên du lịch phong phú, thỏa sức cho du khách trải nghiệm.
Đoàn khách của Công ty Du lịch Vietravel check-in tại cánh đồng lúa Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình).
Phát huy lợi thế đó, thời gian qua ngành du lịch tỉnh đã tập trung phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là các sản phẩm mới lạ, độc đáo. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, chương trình khảo sát đều lựa chọn những điểm có tiềm năng du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm... Thông qua chuyến khảo sát thực tế, đoàn đã nghiên cứu, đánh giá tài nguyên du lịch và đề xuất phương án, giải pháp phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Và đây cũng là cơ sở để tư vấn, định hướng, thu hút đầu tư của doanh nghiệp du lịch và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù trong thời gian tới. Từ đó tạo ra những tour du lịch hấp dẫn, dịch vụ tối ưu, điểm đến mới lạ cho du khách.
Cuối tháng 4-2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức khảo sát một số điểm du lịch tiềm năng trên địa bàn huyện Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương, thành phố Tuyên Quang. Đoàn đã khảo sát các mô hình trải nhiệm nhà vườn, làng văn hóa dân tộc Tày thôn Pác Cáp, xã Phù Lưu (Hàm Yên); thác Đồng Phai, xã Hợp Hoà, thôn Niếng, xã Minh Thanh (Sơn Dương); làng dân tộc Dao và hang Gió, thôn 4, xã Tân Tiến (Yên Sơn)…
Du khách trải nghiệm làm làm bánh trôi, bánh trứng kiến tại huyện Lâm Bình.
Vừa qua, chương trình khảo sát sản phẩm du lịch mới "Huyền thoại sông Gâm" do Công ty Du lịch Vietravel tổ chức tham quan, trải nghiệm các điểm du lịch tại các huyện Sơn Dương, Lâm Bình. Chuyến đi kéo dài 7 ngày 6 đêm đã đưa đoàn Presstrip 2022 với gần 60 khách đến từ nhiều tỉnh thành đi khảo sát, trải nghiệm các điểm du lịch độc đáo, thú vị và nổi bật như: thác Khuổi Nhi, tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào; trải nghiệm bơi mảng và nghe hát Then, đàn Tính trên hồ Nà Nưa, đạp xe khám phá thị trấn Lăng Can, các hoạt động của dân tộc như xay lúa, giã gạo, làm bánh trôi, bánh trứng kiến, xôi ngũ sắc...Các du khách tham gia chương trình đều công nhận chuyến đi này có khá nhiều trải nghiệm khác biệt, lý thú.
Là một trong những du khách tham gia chuyến khảo sát, chị Lê Đình Minh Thi, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) cho biết, chị rất thích thú trước cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ trên hành trình tour. Những trải nghiệm mới lạ cá mát xa chân ở thác Khuổi Nhi, đạp xe quanh ruộng lúa, thưởng thức các món ăn dân tộc…rất khác biệt với vùng sông nước miệt vườn nơi chị ở. Sau chuyến đi này chị sẽ quảng bá, giới thiệu cho người thân, bạn bè đến đây du lịch.
Bà Tạ Thị Tú Uyên, Phó Giám đốc Ban Sản phẩm dịch vụ, Công ty Du lịch Vietravel cho biết, đây là hoạt động phát triển sản phẩm mới đầu tiên của doanh nghiệp sau hai năm bị gián đoạn bởi dịch Covid-19. Việc khảo sát, liên kết phát triển sản phẩm du lịch giúp các địa phương cũng như đơn vị lữ hành định vị, tạo ra được những sản phẩm đặc trưng, lạ, tránh trùng lặp, có chiều sâu văn hóa. Đây còn là nền tảng để bắt tay tìm ra thêm sản phẩm thu hút khách du lịch thời gian tới. Hiện đơn vị đã có những tour du lịch đến Tuyên Quang như: Hương sắc vùng Đông Bắc, Sắc màu Đông Bắc trong 2 tháng vừa rồi đã thu hút được hơn 400 du khách tham gia.
Đoàn trải nghiệm bơi mảng hát Then trên hồ Nà Nưa (Sơn Dương).
Với những động thái tích cực thời gian qua, thương hiệu du lịch Tuyên Quang được du khách biết tới và đến tham quan ngày một nhiều. Chỉ trong 4 tháng năm 2022, tỉnh ta đã đón hơn 700.000 lượt khách cả trong nước và quốc tế. Để đạt mục tiêu năm 2022 sẽ đón trên 2 triệu lượt khách, bên cạnh đẩy mạnh các đặc trưng văn hóa của tỉnh thông qua các lễ hội văn hóa, việc kết nối, mời các đơn vị lữ hành về Tuyên Quang là một trong những hoạt động du lịch có ý nghĩa để khảo sát, xây dựng các chương trình du lịch mới, góp phần quan trọng giúp ngành du lịch có thể sớm phục hồi sau đại dịch Covid-19. Từ các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp lữ hành, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ có đề xuất, kiến nghị với tỉnh từng bước tháo gỡ những hạn chế trong phát triển du lịch; đồng thời tăng cường kết nối, ký kết hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch ở các địa phương khác cùng phát triển du lịch trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Lý Thu