Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 22/5: Cùng hành động khôi phục hệ sinh thái

Cập nhật: 20/05/2022
Hiện nay, nguy cơ suy thoái đa dạng sinh học và sự mất cân bằng hệ sinh thái diễn ra mạnh mẽ, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực làm cho con người phải đối mặt với nguy cơ đói nghèo, suy giảm nguồn gen và đặc biệt là biến đổi khí hậu dẫn đến hàng loạt các thảm họa thiên nhiên đe dọa cuộc sống. Vì vậy, việc khôi phục bảo vệ các hệ sinh thái, sự đa dạng sinh học đã trở thành vấn đề toàn cầu.

Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 22/5 năm 2022 được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống”, hướng đến việc tạo động lực, cùng hành động xây dựng một tương lai chung, áp dụng các giải pháp vào thiên nhiên để giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình). Ảnh: Thùy Dung/TTXVN

Sống hài hòa với thiên nhiên

Việt Nam hiện có 173 khu bảo tồn với tổng diện tích hơn 2,5 triệu ha, trong đó có 33 vườn quốc gia, 66 khu dự trữ thiên nhiên, 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh cùng 56 khu bảo vệ cảnh quan. Đặc biệt, 9 cơ sở được công nhận là “Khu Dự trữ sinh quyển thế giới,” 3 cơ sở là “Khu Di sản thiên nhiên thế giới” do Tổ chức UNESCO công nhận, 9 khu ramsar (đất ngập nước), 10 Khu vườn di sản ASEAN.

Một số Vườn quốc gia được thành lập ở những khu vực có hệ sinh thái phong phú, có nhiều loài động vật, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao cần được bảo vệ nghiêm ngặt như: Vườn Quốc gia Du Già trên Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), Vườn Quốc gia Phia Oắc-Phia Đén (tỉnh Cao Bằng), Vườn Quốc gia Tà Đùng (tỉnh Đắk Nông)…

Việt Nam có 128 khu rừng đặc dụng tạo ra hệ thống khu bảo tồn của cả nước, chủ yếu là những khu rừng nhỏ và nằm phân tán, một số còn bao gồm các vùng canh tác nông nghiệp và khu dân cư. Nhiều khu rừng bị suy giảm không chỉ về phạm vi mà còn cả chất lượng môi trường sống.

Để cải thiện chất lượng môi trường đang ngày càng suy giảm, các địa phương trong cả nước đã hưởng ứng mạnh mẽ phong trào trồng cây bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Tại các huyện biên giới Buôn Đôn, Ea Súp, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh tổ chức trồng 2.000 cây xanh. Theo ông Mai Mạnh Toàn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk, nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Cùng với quá trình này, chất lượng môi trường cũng đang ngày càng suy giảm do ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, sự nóng lên của trái đất. Vì vậy, phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ bền vững môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên đã trở thành một xu thế chủ đạo, yêu cầu sống còn của mỗi quốc gia - dân tộc. Trồng thêm cây xanh sẽ góp phần khắc phục sự tàn phá, khai thác rừng bừa bãi, chống xói mòn, hạn chế lũ lụt.

Nhằm nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cán bộ, công chức, người lao động đối với công tác trồng rừng, trồng cây xanh, Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai đã tham gia xuống giống 1.000 cây thông tại xã Ia Kênh, thành phố Pleiku, Gia Lai, góp phần phát huy vai trò của cây xanh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Khu Bảo tồn biển Lý Sơn được UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định thành lập vào tháng 2/2017 với tổng diện tích 7.925 ha, trong đó, diện tích mặt nước biển là 7.113 ha. Khu Bảo tồn được chia làm 3 vùng: Vùng bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 620 ha, vùng phục hồi sinh thái 2.024 ha và vùng phát triển 4.469 ha. Đặc biệt, Khu Bảo tồn này nằm trong Quy hoạch hệ thống Khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có Công văn số 7030/UBND-KTN về việc chỉ đạo thực hiện một số giải pháp cấp bách nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý Khu Bảo tồn biển Lý Sơn. UBND huyện Lý Sơn chỉ đạo các phòng ban, cơ quan chức năng liên quan phối hợp với Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Lý Sơn tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về bảo vệ đa dạng sinh học trong Khu bảo tồn biển Lý Sơn.

Việt Nam được đánh giá là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư và các loài chim đặc hữu, với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu và 07 vùng chim đặc hữu; các vùng chim hoang dã, di cư đã tạo nên các giá trị thiên nhiên quan trọng, góp phần bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam.

Hiện nay, nước ta đã ghi nhận được hơn 900 loài chim, trong đó 99 loài cần quan tâm bảo tồn, 10 loài cực kỳ nguy cấp, 17 loài nguy cấp, 24 loài sắp nguy cấp và 48 loài sắp bị đe dọa.

Với mục đích khơi dậy, lan tỏa tình yêu thiên nhiên, trách nhiệm bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong cộng đồng thông qua việc chăm sóc, chữa trị và phục hồi sức khỏe cho các loài động vật, đặc biệt là những cá thể quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao, Vườn Quốc gia Cúc Phương đã tổ chức chương trình "Hành trình hồi sinh". Đây là chương trình giáo dục lâu dài được tổ chức gắn với các chương trình cứu hộ bảo tồn động vật hoang dã tại Vườn Quốc gia Cúc Phương.
 
Đại diện Vườn Quốc gia Cúc Phương cho biết, một cá thể động vật được hồi sinh tưởng chừng chỉ là một sự việc rất nhỏ nhưng dưới góc độ thực tiễn nó sẽ góp phần làm hồi sinh quần thể loài trong tự nhiên Chính những cá thể này sẽ góp phần làm nên sự hồi sinh của một góc rừng và xa hơn là đa dạng sinh học của một cánh rừng, của lá phổi xanh đất nước.

Được thành lập sớm nhất tại Việt Nam, Vườn Quốc gia Cúc Phương trong nhiều năm qua đã chăm sóc, chữa trị, phục hồi tập tính và được “tái thả về nhà” hàng ngàn cá thể động vật quý hiếm, qua đó từng bước góp phần thay đổi nhận thức và hành vi ứng xử của cộng đồng về hoạt động bảo vệ động vật hoang dã.

Bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học

Rạn san hô ở khu vực biển thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận). Ảnh tư liệu: Nguyễn Thành/TTXVN

Việt Nam được ghi nhận là quốc gia có tính đa dạng sinh học cao với khoảng 7.500 loài chủng vi sinh vật; 20.000 loài thực vật bậc cao trên cạn và dưới nước; 10.500 loài động vật trên cạn; 1.000 loài cá nước ngọt; dưới biển có trên 7.000 loài động vật không xương sống, khoảng 2.500 loài cá và xấp xỉ 50 loài rắn biển, rùa biển và thú biển. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tài nguyên đa dạng sinh học của Việt Nam đang trên đà suy giảm do các áp lực từ biến đổi khí hậu và hoạt động của con người như chia cắt, thu hẹp các sinh cảnh, phá rừng, ô nhiễm môi trường, săn bắt, khai thác hủy diệt và buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã. Do đó, việc đưa ra các vấn đề ưu tiên trong quản lý đa dạng sinh học của Việt Nam là việc quan trọng cần thực hiện. 

Ngày 28/01/2022, Chính phủ ban hành Quyết định số 149/QĐ-CP Phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030 gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong đó, diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên đất liền phấn đấu đạt 9% diện tích lãnh thổ đất liền. Diện tích các vùng biển, ven biển được bảo tồn đạt từ 3 - 5% diện tích vùng biển tự nhiên của quốc gia. 70% khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên được đánh giá hiệu quả quản lý. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định từ 42% - 43%; phục hồi được ít nhất 20% diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái.

Bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; không có thêm loài hoang dã bị tuyệt chủng; tình trạng quần thể của ít nhất 10 loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được cải thiện; các nguồn gen hoang dã và giống cây trồng, vật nuôi được lưu giữ và bảo tồn đạt mục tiêu thu thập, lưu giữ tối thiểu 100.000 nguồn gen; hạn chế các tác động tiêu cực tới đa dạng sinh học.

Tầm nhìn đến năm 2050, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, nguồn gen quý, hiếm được phục hồi, bảo tồn thực sự hiệu quả; đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá đầy đủ, sử dụng bền vững và mang lại lợi ích thiết yếu cho mọi người dân, góp phần bảo đảm an ninh sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững đất nước.

Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học; bảo tồn và phục hồi các loài hoang dã nguy cấp, đặc biệt là các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; tăng cường công tác bảo tồn nguồn gen, quản lý tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích và bảo vệ tri thức truyền thống về nguồn gen; đánh giá, phát huy lợi ích của đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát các hoạt động gây tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học.

Chiến lược thực hiện mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên và hành lang đa dạng sinh học; củng cố và mở rộng các khu vực tự nhiên có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế; phục hồi hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị suy thoái; mở rộng và củng cố mạng lưới quỹ gen…

Để bảo vệ đa dạng sinh học, trong đó có các loài chim hoang dã, di cư cũng như các vùng chim quan trọng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Chỉ thị số 4/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, đề xuất hoàn thiện, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các quy định về bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam; hướng dẫn quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư; hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư, bao gồm bảo vệ các sinh cảnh, tuyến di cư xuyên biên giới và điểm dừng chân của chúng.

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các quốc gia, tổ chức quốc tế liên quan tăng cường bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư và đường bay xuyên biên giới, các vùng chim di cư quan trọng và điểm dừng chân của chúng tại Việt Nam; phối hợp với các tổ chức quốc tế thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát các đường bay quan trọng của các loài chim di cư; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện có hiệu quả...

Nguyễn Hồng Điệp

Nguồn: TTXVN - baotintuc.vn - Đăng ngày 20/05/2022