Ký ức Sài Gòn thu nhỏ

Cập nhật: 23/05/2022
Nói đến Sài Gòn xưa hay thành phố Hồ Chí Minh hôm nay là nói đến sự sôi động, nhộn nhịp của một đô thị phát triển bậc nhất tại Việt Nam. Trong tiềm thức của người yêu thương mảnh đất này, anh Nguyễn Phúc Đức muốn lưu giữ ký ức Sài Gòn xưa bằng cách của riêng mình với những gánh hàng rong ruổi khắp phố, những món ăn vỉa hè gắn với tuổi thơ của bao thế hệ... thông qua các mô hình gỗ lắp ráp.

Góc trưng bày các sản phẩm mô hình tí hon với chủ đề "Ký ức Sài Gòn".

Nhịp sống đô thị đôi khi vội vã cuốn chúng ta vào vòng xoáy công việc, để rồi khi nhìn lại, mỗi người chỉ muốn được nghỉ một chút, được trở về tuổi thơ bình yên ngày nào. Nguyễn Phúc Đức đã tìm ra cách đặc biệt để có “một vé về tuổi thơ”, khi tái hiện Sài Gòn xưa qua những mô hình tí hon đẹp, chân thực và sống động.

Sài Gòn trong lòng bàn tay

Một buổi sáng cuối tuần tháng 5, chúng tôi có hẹn đến thăm một căn nhà nhỏ trên đường Trương Đình Hợi, quận 4, nơi đang lưu giữ rất nhiều mẩu ký ức về Sài Gòn xưa được “đóng băng” lại trong những mô hình lắp ráp bằng gỗ bé tẹo. Ở đó có xe hủ tiếu gõ đề bảng giá 15.000 đồng/tô, xe khô mực với hai hàng “mồi nhậu” treo đầy ắp kế bên bếp than hồng, xe bánh tiêu với những chiếc bánh con con căng phồng phủ dầu óng ánh. Rồi còn có nguyên một dãy phố với đầy đủ cửa hàng tạp hóa, quầy bán gạo, tiệm hớt tóc, sạp báo, bức tường vàng “khoan cắt bê-tông”, hay là dãy nhà tạm lụp xụp nối dài trông ra sông Sài Gòn. Tất cả đều được chế tác tỉ mỉ đến từng chi tiết, tạo nên một thế giới tí hon mà ở đó Sài Gòn sống động nhưng nhỏ xíu, nằm gọn trong lòng bàn tay.

Thế giới bé tí hon ấy thực chất là cửa hàng Thế giới tí hon - Mô hình nhà gỗ DIY với gần trăm mẫu mô hình thu nhỏ về Sài Gòn, được anh Nguyễn Phúc Đức miệt mài chế tác trong mấy năm qua. Chúng tôi đến lúc Đức đang “lọ mọ” sắp xếp lại từng gánh hàng rong, xe hủ tíu, xe cá viên chiên, xe kem bảy màu, người đứng đọc báo trên vỉa hè, hay đang ngồi đánh cờ tướng... nhỏ xíu xíu vào mô hình có chủ đề Gánh hàng rong, phiên bản tí hon của 18 xe hàng rong quen thuộc trong ký ức trẻ con Sài Gòn, một dự án mới mà anh ra mắt mới đây. Đặt lại chiếc xe bán dừa di động cho hoàn tất, Phúc Đức ngồi xuống trò chuyện với chúng tôi về hành trình bước vào thế giới tí hon của anh.

Sinh ra và lớn lên ở thành phố Hồ Chí Minh, tuổi thơ của anh gắn với từng con hẻm, góc phố nơi đây. Anh chia sẻ: “Lúc nhỏ tôi hay chạy ra đầu hẻm để mua đồ cho mẹ, đó là cửa hàng tạp hóa nhỏ cô Năm, cô Tám nơi bày bán đủ thứ đồ dùng hằng ngày cho đến những bịch kẹo me, ô mai, xí muội. Tất cả hiện lên rõ ràng trong trí nhớ của Đức. Năm học lớp 6 trong ngày sinh nhật, ba tôi vốn là một thợ mộc, hỏi tôi thích tặng quà gì? Tôi nói ước được tặng ngôi nhà bằng gỗ thu nhỏ và ông đã thỏa mãn mong ước của con trai với một mô hình nhà 3 tầng tí hon bằng gỗ”.

Ký ức và món quà của ba đã là động lực để năm 2014 Phúc Đức quyết định từ bỏ công việc marketing, chọn cho mình một lối đi riêng hoàn toàn khác biệt là chế tạo các mô hình lắp ráp tí hon. Sau gần 8 năm theo đuổi với mô hình thu nhỏ tái hiện không gian “Sài Gòn xưa”, anh đã gặt hái được những thành công ngoài mong đợi. Đến nay sản phẩm của cửa hàng đã có mặt tại 54 tỉnh, thành phố, các trung tâm thương mại, hệ thống nhà sách lớn. Số lượng mẫu mã sản phẩm thiết kế về Sài Gòn xưa đã lên đến con số gần 100 mẫu.

Mô hình tí hon xe hàng rong bán bánh mỳ Kim Ngân.

Ký ức chân thật và gần gũi

Để tạo ra các mô hình tái hiện chính xác thực tế cuộc sống ngoài việc “lục lọi” ký ức tuổi thơ có được, Phúc Đức còn tham khảo các tài liệu, sách báo và từ những người lớn tuổi. “Mấy anh em chúng tôi hay lang thang cùng nhau để tìm cảm hứng rồi phác thảo. Sau đó chuyển đến xưởng để thiết kế và sản xuất lắp ráp thử nghiệm, in sách hướng dẫn. Khâu thiết kế mất khá nhiều chất xám bởi ngoài đòi hỏi về tính thẩm mỹ thì còn phải dễ lắp ráp, quan trọng nhất là chọn điểm nhấn đặc trưng của đời thực vào mô hình thu nhỏ. Mỗi một sản phẩm thường mất từ 2 đến 5 tháng để ra thị trường”, bạn Lê Phương, nhân viên thiết kế công ty cho biết.

Kể về mô hình gỗ đầu tiên làm, Phúc Đức chia sẻ: “Tôi bắt đầu từ lần ngẫu hứng làm ra mô hình tiệm tạp hóa, nhỏ gọn trong lòng bàn tay, dựa trên những ký ức của tôi về tiệm tạp hóa cô Năm, cô Tám trong con hẻm nhỏ thường lui tới ngày bé. Mô hình ban đầu làm bằng giấy, khá thô sơ. Không có suy nghĩ gì nhiều, tôi đăng lên mạng xã hội cho vui. Nhưng chỉ sau một đêm, tôi nhận lại rất nhiều phản hồi tích cực trên mạng, quá nhiều người nhắn tin đặt mua. Thấy vậy, tôi mạnh dạn đầu tư, trau chuốt, tối ưu hóa và cho ra mắt mô hình tiệm tạp hóa, một trong những mô hình bán chạy của công ty. Mỗi lần sản xuất mới tôi lại chỉnh sửa các chi tiết cho chân thực hơn. Đến nay, qua 3-4 lần chỉnh sửa, mô hình tiệm tạp hóa đã xuất xưởng hơn 5.000 bộ sản phẩm”.

“Thừa thắng xông lên”, Phúc Đức tiếp tục sáng tạo chuỗi mô phỏng một con phố đặc trưng của Sài Gòn với những hàng quán vỉa hè, quán nhậu, tiệm hớt tóc, xe băng đĩa dạo, tiệm cho thuê truyện tranh. Rồi kế bên tiệm cắt tóc là sạp báo, kế bên cột điện thường có một cô bán vé số, và như một thói quen vốn có, kế cột điện cũng thường có... cái bao rác. Những chi tiết chân thật đời thường đó là chủ đích của Phúc Đức khi làm mô hình-làm sao cho thế hệ 8X, thế hệ của anh, “thấy mình ở trong đó” với những bịch bột giặt nhỏ xíu để trước cửa tiệm tạp hóa mô hình, những tờ báo Nhân Dân, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên... phát hành các buổi sáng “nóng hổi” trên mô hình sạp báo, trong ca trà đá hay hũ chanh muối của mô hình xe cà-phê Út Đẹt.

Ngắm nghía bộ mô hình mẫu chủ đề “Gánh hàng rong” phiên bản tí hon của 18 xe hàng rong quen thuộc trong ký ức trẻ con ở Sài Gòn, chị Nhã Thy (35 tuổi, ngụ quận 12) nhớ lại: “Đây là những món ruột của tôi với nhóm bạn học hồi cấp II, cấp III. Lớn lên, mỗi đứa mỗi việc cho nên ít hẹn hò nhau như xưa, nhìn mô hình lại thấy tuổi thơ của mình hiện về. Cũng sắp tới sinh nhật một bạn trong nhóm, tôi chọn mô hình này để làm quà, chắc chắn sẽ ý nghĩa lắm”.

Không chỉ thu hút với những ai có nhiều kỷ niệm gắn bó với thành phố, mô hình tí hon về thành phố xưa cũng được nhiều bạn trẻ tìm đến. Lương Khánh Ngọc (25 tuổi, nhân viên ngân hàng) chia sẻ: “Em chỉ biết đến cải lương qua tivi, chứ khung cảnh rạp hát, đào kép biểu diễn trên sân khấu thì xem mô hình em mới biết. Ba mẹ em rất thích cải lương, hôm nay nhận tháng lương đầu tiên nên em chọn mua mô hình chủ đề “Văn hóa giải trí của người Sài Gòn xưa” này để trưng trong nhà và làm quà tặng nhân 40 năm ngày cưới ba mẹ em”.

Mô hình tí hon hay được biết với tên gọi khác là mô hình gỗ DIY, chữ DIY là từ viết tắt của “do it yourself” tạm dịch là “tự tay làm”. Ngoài những mô hình đơn thuần như một thành phố thu nhỏ, mô hình tí hon của anh Đức còn là một món đồ chơi để khách hàng có thể thử thách khả năng sáng tạo và lắp ráp của bản thân. Trong bộ sản phẩm có đầy đủ các nguyên vật liệu (thí dụ: Gỗ được cắt gọt cẩn thận, bộ màu, hồ dán, hoa cỏ khô, vải kim loại, điện tử, đèn led...), kèm theo cuốn sách hướng dẫn lắp ráp mô tả rất chi tiết, cụ thể, dễ hiểu bằng hình ảnh cho nên người mua hoàn toàn có thể tự làm. Nếu có bất cứ thắc mắc gì về quá trình lắp ráp có thể gọi đến tổng đài của cửa hàng để được giải quyết. Đây chính là yếu tố khiến cho các bộ sản phẩm của công ty bán rất chạy.

“Ban đầu, khi dẫn con qua cửa hàng xem sản phẩm để làm quà sinh nhật cho con, tôi và con khá e ngại chuyện lắp ráp vì mỗi mô hình có rất nhiều chi tiết nhỏ. Nhưng rồi sau khi nghe tư vấn, tôi vẫn quyết định mua sản phẩm và thu xếp thời gian cùng con lắp ráp. Đến nay nhà tôi đã có 4 sản phẩm và hôm nay sẽ là bộ thứ 5. Mỗi sản phẩm khi hoàn thành tôi đều chụp và gửi khoe với anh Đức. Mỗi lần ráp xong, bố con tôi như phá vỡ giới hạn của bản thân, mà trước đây chưa hoặc rất ít khi làm. Thời gian một ngày trôi qua thật nhanh, các cháu cũng có cơ hội rời xa máy tính và internet”, anh Quang Vinh khách hàng quen thuộc chia sẻ thêm.

Hai năm trước, Phúc Đức tự đặt mục tiêu phải đưa sản phẩm phủ hết thị trường trong nước. Chỉ vài tháng nữa, mục tiêu này sẽ trở thành hiện thực. Bởi trước khi thực hiện tham vọng đưa sản phẩm ra khu vực và trên thế giới, anh muốn các mô hình thu nhỏ phục vụ tốt người dùng trong nước. Trong năm 2022, Phúc Đức tiếp tục ấp ủ những mô hình về phố cổ Hội An, Hà Nội và vùng thôn quê, những vùng đất có văn hóa đặc trưng Việt Nam. Anh luôn tâm niệm: Đầu tiên là làm cho người Việt yêu Việt Nam, sau đó cho nước ngoài thấy Việt Nam mình đẹp như thế nào.

Dù là mô hình tí hon hay ngoài thực tế thì với nhiều người, Sài Gòn vẫn luôn là một nơi đặc biệt, thân thương. Và nếu một ngày, sự xô bồ của Sài Gòn vô tình làm bạn thấy mệt mỏi, thì hãy tìm về những mô hình tí hon bằng gỗ để hoài niệm và tìm lại sự đáng yêu của thành phố này.

Tuấn Dũng

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 22/05/2022