Du lịch cộng đồng ở vùng sâu trong đất liền Quảng Nam đang mở ra hướng phát triển mới trên cơ sở kết nối nền tảng các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, phát huy thế mạnh về tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch văn hóa nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch có giá trị cao.
Những bậc đá xếp ngay ngắn tạo thành lối dẫn lên sân nhà. Ảnh: vietnam.vnanet.vn
Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ở vùng sâu được kỳ vọng trở thành sản phẩm đặc trưng đang được ngành du lịch Quảng Nam liên kết với các địa phương trong khu vực, mở rộng thị trường, tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị cao và bền vững trong quá trình xây dựng du lịch xanh.
Thành công từ làng cổ Lộc Yên
Anh Hồ Đức Cảnh, Trưởng thôn Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam chia sẻ, cùng với hàng chục ngôi nhà gỗ có kết cấu độc đáo, điều đặc biệt ở làng cổ Lộc Yên là những con đường quanh co, uốn lượn trong những khu vườn xanh mướt, ngõ đá cuội, tường đá rêu phong xếp chồng lên nhau mà không cần chất kết dính để dẫn vào từng nhà.
Ở làng cổ Lộc Yên này, từ ngày thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với phát triển du lịch sinh thái làng quê”, làng cổ Lộc Yên đổi thay từng ngày nhưng vẫn giữ nguyên được cốt cách, bản sắc làng quê truyền thống của mình, nhất là trong giao lưu, ứng xử. Đây chính là điểm độc đáo để làng cổ Lộc Yên trở thành điểm đến thu hút lượng lớn khách tham quan trong nước và quốc tế.
Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, làng cổ Lộc Yên đón trên 4.000 lượt khách đến tham quan. Qua đó, hàng trăm hộ trong làng cổ có thêm nguồn thu nhập đáng kể từ việc cung cấp các dịch vụ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam Phùng Văn Huy cho biết, từ thành công của làng cổ Lộc Yên, huyện Tiên Phước đã triển khai Đề án “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với phát triển du lịch sinh thái làng quê, xây dựng huyện Tiên Phước mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2016-2025”. Nhiều năm qua, làng cổ Lộc Yên không chỉ là điểm đến của du khách mà còn là điểm tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng, chia sẻ lợi ích trong phát triển du lịch cộng đồng của nhiều địa phương trong cả nước.
Làng cổ Lộc Yên hiện có nhiều ngôi nhà cổ làm bằng gỗ có tuổi đời hơn 100 năm. Ảnh: vietnam.vnanet.vn
Để thực hiện Đề án mang tính tiên phong này, từ nhiều nguồn kinh phí, xã Tiên Cảnh đã được bố trí trên 74 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới và khu dân cư kiểu mẫu, trong đó nhân dân đóng góp gần 23%. Xã Tiên Cảnh đang nỗ lực về đích nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2022. Đây chính là nền tảng vững chắc để làng cổ Lộc Yên nói riêng và huyện Tiên Phước nói riêng phát triển du lịch sinh thái trở thành sản phẩm đặc trưng của miền trung du, của du lịch cộng đồng vùng sâu trong đất liền.
Nhân rộng mô hình
Theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, Quảng Nam xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, bên cạnh các sản phẩm du lịch truyền thống, trong quá trình tự “làm mới” mình, ngành du lịch Quảng Nam chú trọng nhiều hơn đến du lịch cộng đồng vùng sâu trong đất liền để sản phẩm ở vùng đất rộng lớn, con người hiền hòa mến khách và lưu giữ nhiều bản sắc văn hóa độc đáo này trở thành sản phẩm đặc trưng.
Miền núi Quảng Nam gồm 9 huyện, trải dài dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ, với tổng diện tích hơn 783 nghìn ha, chiếm hơn 74% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, là nơi cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Cor và nhiều dân tộc anh em khác. Vùng đất ở vùng sâu trong đất liền này là nơi còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể hết sức độc đáo. Dưới chân đại ngàn còn là vùng địa hình sinh thái đa dạng, hệ động thực vật phong phú, cảnh quan đa dạng. Tiềm năng to lớn này đang từng bước được khai thác. Tuy kết quả chưa thật sự như mong đợi nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, nhất là của cộng đồng cư dân, du lịch vùng sâu trong đất liền Quảng Nam đã có cơ sở vững chắc trong chuỗi sản phẩm du lịch xanh.
Kỳ vọng về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái vùng sâu trong đất liền, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư du lịch Hùng Cường, doanh nghiệp vận hành Khu du lịch sinh thái Hồ Phú Ninh Nguyễn Thị Ngọc Lan chia sẻ, cùng với các giải pháp kích cầu, hạ giá các loại hình dịch vụ tham quan, nghỉ dưỡng để thu hút du khách, Khu du lịch sinh thái Hồ Phú Ninh đã xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới gắn liền với thiên nhiên như leo núi, chèo thuyền, lướt sóng mặt hồ để “Hòn Ngọc Xanh” của miền Trung thật sự là điểm đến của du khách, trước mắt là thị trường khách du lịch nội địa. Trong dịp nghỉ lễ dài ngày vừa qua, trung bình mỗi ngày Khu du lịch sinh thái Hồ Phú Ninh đón trên 3000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và lưu trú. Đây là những tín hiệu hết sức khả quan để du lịch vùng sâu trong đất liền lấy lại vị thế của mình, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư du lịch Hùng Cường Nguyễn Thị Ngọc Lan tin tưởng.
Tỉnh Quảng Nam xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, với mục tiêu đến năm 2025 thu hút được hơn 12 triệu lượt khách, trong đó có 5,5 - 6 triệu lượt khách quốc tế; tỷ lệ đóng góp của du lịch vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh đạt hơn 5% và tạo ra khoảng 30 nghìn việc làm cho xã hội; đến năm 2030 du lịch Quảng Nam thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với tỷ lệ đóng góp của du lịch vào GRDP của tỉnh đạt từ 7 - 8% và tạo ra hơn 50 nghìn việc làm cho người dân.
Để đạt mục tiêu này, bên cạnh việc liên kết phát triển vùng duyên hải Nam Trung Bộ, liên kết du lịch với các trung tâm du lịch lớn như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, phát triển mạnh du lịch biển đảo, Quảng Nam đang chú trọng phát triển du lịch về vùng sâu trong đất liền trên cơ sở khai thác hiệu quả và bền vững các giá trị văn hóa, truyền thống và lịch sử gắn liền với chia sẻ lợi ích giữa cộng đồng, địa phương và doanh nghiệp.
Hiện tại, các khu du lịch cộng đồng như làng cổ Lộc Yên (huyện Tiên Phước), Làng văn hóa - du lịch Bhơ Hôồng (huyện Đông Giang), Dự án phát triển du lịch sinh thái, du lịch sâm Ngọc Linh, du lịch văn hóa cộng đồng (huyện Nam Trà My), làng văn hóa truyền thống Cơ Tu gắn với bảo vệ, phát triển rừng, phát triển du lịch bền vững tại làng văn hóa thôn Pơ’ning (xã Lăng), làng du lịch sinh thái Azứt (Bha’Lêê), khu du lịch đỉnh quế (huyện Tây Giang) đã từng bước được khôi phục. Đây là những tín hiệu đáng mừng để du lịch vùng sâu trong đất liền Quảng Nam phục hồi và phát triển thành sản phẩm du lịch có sức thu hút mạnh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh nhấn mạnh.
Đoàn Hữu Trung