Hiện “Làng Văn hoá Du lịch Đất Mũi” đã có những sản phẩm du lịch rất đáng trải nghiệm.
Sau khi UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt đề án phát triển “Làng Văn hóa Du lịch Đất Mũi” đến năm 2025, định hướng đến 2030, huyện cuối trời Tổ quốc - Ngọc Hiển mới công bố đề án được hơn 1 tháng và đang triển khai những bước đầu tiên. Mặc dù vậy, hiện “Làng Văn hoá Du lịch Đất Mũi” đã có những sản phẩm du lịch rất đáng trải nghiệm.
“Làng Văn hóa Du lịch Đất Mũi” nằm ở ấp Cồn Mũi, trong Khu du lịch Đất Mũi (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển). Đây là nơi có mốc tọa độ GPS-0001, đánh dấu điểm cực Nam tổ quốc và cũng là điểm du lịch thu hút nhiều khách nhất của tỉnh Cà Mau. Làng Văn hóa Du lịch Đất Mũi được bao quanh bởi hệ sinh thái rừng ngập mặn đặc trưng của vùng đất cuối trời. Trong khu làng đã có nhiều hộ gia đình làm du lịch sinh thái. Ông Quách Văn Ngãi, người dân địa phương chia sẻ: "UBND tỉnh phê quyệt đề án xây dựng Làng Văn hóa du lịch Đất Mũi thì với đa số bà con làm du lịch ở tuyến Rạch Bầu Nhỏ rất vui mừng. Do đó, bà con cũng sẽ cố gắng phát huy để làng văn hóa du lịch ngày càng phát triển, giữ bản sắc để khách đi rồi vẫn nhớ mãi".
"Làng văn hóa du lịch Đất Mũi" là nơi mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị.
Để thu hút du khách, các hộ dân trong Làng Văn hoá Du lịch đang phát triển nhiều hoạt động trải nghiệm như: giăng cá, đặt lợp cua, soi ba khía, xổ vuông… Đây đều là những hoạt động mang lại cho du khách trải nghiệm thú vị về đời sống sản xuất của người dân địa phương. Qua đó, du khách cũng sẽ được thưởng thức tại chỗ những loại thủy sản ngon nổi tiếng của tỉnh Cà Mau như: tôm sú, cua, cá thòi lòi,...
Đến với "Làng văn hoá du lịch Đất Mũi", ngoài cảnh thiên nhiên sông nước hữu tình, du khách còn được khám phá nét đặc trưng văn hoá của người dân miền sông nước Cà Mau. Một trong những nét văn hoá đặc trưng được gìn giữ lâu nay nay là nhà không cửa. Những ngôi nhà sàn không cửa xưa chỉ bằng cây lá địa phương, ngày nay những ngôi nhà đã được xây dựng kiên cố, khang trang nhưng vẫn còn những hộ gia đình giữ lại nét xưa là không có cửa. Qua đó, thể hiện tấm lòng chất phác, hiền hoà, tính cộng đồng của những người dân xứ Mũi. Vốn có nhiều người dân đã làm du lịch lâu nay, khi đã được công nhận Làng văn hóa du lịch, bà con lại càng có ý thức hơn về gìn giữ giá trị văn hóa, xây dựng các sản phẩm du lịch để phục vụ du khách.
Tôm sú là một trong những món ngon thu hút du khách.
Đề án phát triển Làng Văn hoá Du lịch Đất Mũi giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030 sẽ tạo điều kiện thuận lợi để huyện Ngọc Hiển phát huy những giá trị truyền thống văn hoá, điều kiện tự nhiên, tạo ra những nét đặc sắc riêng để vùng đất cuối trời Tổ quốc phát triển. Ông Lê Chí Thắng, Trưởng phòng Văn hoá, Thông tin huyện Ngọc Hiển cho biết: "Đây có thể nói là bước đột phá trọng tâm của ngành du lịch Ngọc Hiển. Chúng tôi hướng phát triển du lịch gắn với các sản phẩm OCOP và quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương. Việc hình thành Làng Văn hóa Du lịch sẽ giúp hình thành và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động ở địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân nơi đây khai thác hiệu quả sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch đến với du khách. Tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các hộ làm du lịch cộng đồng, bà con cũng học hỏi, trao đổi và phát triển du lịch hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Đề án xây dựng “Làng Văn hóa - Du lịch Đất Mũi” không chỉ hướng đến tạo đột phá phát triển du lịch của huyện Ngọc Hiển mà còn được kỳ vọng sẽ đưa ngành du lịch tỉnh Cà Mau tiến bước. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là gắn phát triển du lịch với phát triển sản phẩm OCOP, góp phần quảng bá các sản phẩm đặc trưng của Cà Mau đến đông đảo du khách./.
Trần Hiếu