An Giang phát triển khoa học và công nghệ

Cập nhật: 01/06/2022
Thời gian qua, An Giang triển khai nhiều hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế về khoa học và công nghệ (KHCN), phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế tri thức, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất

Giám đốc Sở KHCN An Giang Tầng Phú An cho biết, 5 năm qua, các chương trình đề xuất 161 ý tưởng nghiên cứu KHCN, phối hợp viện, trường, tổ chức KHCN triển khai 37 nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh. Một số nghiên cứu nổi bật, như: Phục vụ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trọng tâm là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, để tạo đột phá thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh. Đã nghiên cứu xây dựng mô hình nông nghiệp: Đô thị, phục vụ phát triển nông thôn mới, "cánh đồng lớn" theo phương châm 4H, mô hình lúa - cá sạch; nghiên cứu xây dựng chuỗi giá trị gắn với thị trường, phân tích đánh giá có hệ thống, đúng thực trạng về chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực, như: Lúa Jasmine, rau an toàn, cá lóc, lươn, cá rô phi; xây dựng hệ thống thông tin phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp.

Đồng thời, xây dựng quy hoạch phát triển 2 trong 4 khu du lịch (DL) trọng điểm của tỉnh; xây dựng bản đồ DL; khai thác, bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử địa phương, như: Tiếng Chăm, văn hóa Chăm, sưu tầm di sản Hán Nôm An Giang phục vụ công tác bảo tồn và phát triển DL; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ DL. Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm từ dược liệu, tiến tới sản xuất thương mại hóa bài thuốc quý. Tỉnh phối hợp nghiên cứu bào chế sản phẩm từ dược liệu của tỉnh, như: Lá cây sầu đâu, ngải trắng, trái chúc, ngải đen, ngải bún, cà gai leo, cây huyền, hoa thốt nốt, lan gấm.

Hiện đại hóa bài thuốc cổ truyền của lương y Trần Quang Trung, bài thuốc hỗ trợ điều trị thoái hóa cột sống của lương y Nguyễn Thiện Chung, bài thuốc hỗ trợ điều trị chứng viêm xoang của bà Hồ Kim Phượng. Nghiên cứu để sàng lọc, tuyển chọn thêm cây dược liệu có tại An Giang đáp ứng sinh học bảo vệ gan, kháng ung thư, hỗ trợ điều trị đái tháo đường. Khu bảo tồn dược liệu kết hợp phát triển DL tại núi Cấm được thành lập nhằm sưu tầm và bảo tồn cây dược liệu quý.

Triển khai 13 dự án ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất phân bón hữu cơ, cây chùm ngây, dược liệu vùng núi Cấm, nấm ăn và nấm dược liệu, rau an toàn, mè (vừng) đen, gạch không nung...

Ông Tầng Phú An cho biết: “Sở KHCN còn ký chương trình hợp tác với Công ty TNHH Covestro Thái Lan nghiên cứu ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, nhà phơi sấy năng lượng mặt trời cho các sản phẩm nông nghiệp. Phối hợp Trường Đại học An Giang và Trường Đại học Saga (Nhật Bản) triển khai dự án do JICA tài trợ “Dự án thí điểm về cải thiện đất và gia tăng thu nhập của nông dân tại An Giang”, Dự án đánh giá kết quả trồng thử nghiệm cây giọt băng. Tiếp và làm việc với các tổ chức quốc tế khảo sát khu vực nghiên cứu, phòng thí nghiệm, khu sản xuất thực nghiệm; ứng dụng máy sục khí nano và Bakture cho mô hình nuôi lươn, ứng dụng Bakture trong sản xuất lúa và rau, củ, quả... Đặc biệt, tỉnh tổ chức 3 hội thảo quốc tế về ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp bền vững, trong định hướng nghiên cứu và phát triển dược liệu của tỉnh, trong việc cải tạo đất để nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng... với sự tham gia của chuyên gia đến từ Trường Đại học RMIT (Úc), Trường Đại học Saga, Công viên khoa học Pitea (Thụy Điển)...”.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, 10 năm qua, KHCN đã tích cực góp phần thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, phát triển KTXH. Các luận cứ khoa học đảm bảo cho việc hoạch định chủ trương, nhiệm vụ phát triển KTXH, thực hiện quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển kinh tế của ngành, lĩnh vực, địa phương, giải quyết thỏa đáng những vấn đề thực tiễn đặt ra. Việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất và đời sống tạo nhiều kết quả quan trọng. Việc ứng dụng có hiệu quả đề tài khoa học xây dựng thủy lợi về thiết kế kênh mương tưới tiêu nội đồng, đê bao chống lũ kết hợp giao thông nông thôn, thoát lũ ra biển Tây... góp phần khai thác hiệu quả tài nguyên đất của vùng Tứ giác Long Xuyên. 

Có thể thấy, quá trình hội nhập, bên cạnh đổi mới quản lý nhà nước về KHCN, nhiều thành tựu về KHCN được ứng dụng vào đời sống và sản xuất. Các dự án ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN, đổi mới công nghệ góp phần phát triển ngành nghề theo hướng ổn định, nâng cao nguồn thu nhập cho người dân, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng với giá thành cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế.

Hạnh Châu

Nguồn: Báo An Giang - baoangiang.com.vn - Đăng ngày 01/06/2022