100% làng nghề gây suy thoái môi trường

Cập nhật: 22/04/2009
Theo "Báo cáo môi trường Quốc gia 2008 – Môi trường làng nghề Việt Nam" vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố ngày 20/4, 100% các làng nghề hiện nay đều gây suy thoái môi trường. Ô nhiễm làng nghề ở mức độ cao còn gây ảnh hưởng xấu tới các hoạt động văn hóa, du lịch và làm nảy sinh “xung đột môi trường” đối với khu vực không làm nghề, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của chính các làng nghề.

Tại buổi công bố báo cáo trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, kết quả khảo sát tại 52 làng nghề điển hình trong cả nước đã khẳng định 46% làng nghề hiện nay có môi trường bị ô nhiễm nặng, 27% ô nhiễm vừa và 27% còn lại ô nhiễm nhẹ. Mức độ ô nhiễm không những không giảm mà còn có xu hướng gia tăng.

Báo cáo cũng chỉ ra, khí thải, nước thải và chất thải rắn là ba dạng ô nhiễm cơ bản và phổ biến được sinh ra bởi hoạt động của các làng nghề. Đáng chú ý hơn, trong danh sách các chất phát thải này có những chất đặc biệt nguy hiểm như hơi kim loại, hơi axit, khí SO2, HF và xỉ than.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nói trên là do sự phát triển tự phát, nhỏ lẻ của làng nghề. Thêm vào đó, công nghệ sản xuất ở đây đa phần quá lạc hậu, hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên liệu thấp, ý thức của người dân cũng chưa cao.

Đặc biệt, báo cáo chỉ ra rằng chính sự bất cập trong công tác quản lý làng nghề cũng là một nguyên nhân tạo ra sức ép đối với môi trường. Cụ thể là hệ thống văn bản pháp luật có liên quan chưa đầy đủ và cụ thể; việc triển khai các công cụ quản lý còn yếu kém, nhân lực và tài chính còn yếu và thiếu.

Giảm tuổi thọ 5-10 năm vì "làm nghề"

Tình trạng ô nhiễm môi trường nêu trên có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Người dân sống trong những khu vực này phải đối mặt với cả bệnh cấp và mãn tính, trong đó có nguy cơ ung thư.

Báo cáo khẳng định, tuổi thọ trung bình của người dân tại các làng nghề thấp hơn so với các làng không làm nghề khác từ 5 đến 10 năm. Tỷ lệ mắc bệnh của khu vực này cũng cao hơn nhiều lần so vớI bình thường. Cá biệt, kết quả khảo sát tại Hà Nam cho thấy, trong khi tỷ lệ dịch tiêu chảy ở khu vực các làng không làm nghề chỉ ở mức hơn 20% thì tại làng nghề con số này đã lên tới 90%.

Các đối tượng chịu tác động lớn nhất là người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người thường xuyên trực tiếp sản xuất...

Thiệt hại kinh tế do ô nhiễm làng nghề gây ra là rất lớn. Theo kết quả nghiên cứu tại làng nghề Tống Xá (Nam Định), mỗi năm làng này phải bỏ ra tới 1,3 tỷ đồng/1.000 dân chỉ để khắc phục hậu quả các bệnh có liên quan. Con số này ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh còn cao hơn gấp nhiều lần.

Ngoài ra, ô nhiễm làng nghề ở mức độ cao còn gây ảnh hưởng xấu tới các hoạt động văn hóa, du lịch và làm nảy sinh “xung đột môi trường” đối với khu vực không làm nghề.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên khẳng định bản báo cáo là tài liệu hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà khoa học.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm, Bộ trưởng đề xuất các nhiệm vụ ưu tiên thực hiện trong thời gian tới như: Khẩn trương quy hoạch làng nghề gắn với bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm và tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về môi trường.

Nguồn: TTXVN