Hội nghị đầu tiên của Liên hợp quốc về môi trường, được tổ chức tại Stockholm của Thụy Điển ngày 5/6/1972, được xem là cột mốc quan trọng đánh dấu nỗ lực chung của nhân loại trong bảo vệ môi trường. Thế nhưng, 50 năm sau hội nghị tại Stockholm, tình hình môi trường thêm trầm trọng và dường như con người đã không giữ trọn lời hứa với môi trường.
Hơi nước bốc lên từ nhà máy điện Lethabo ở Nam Phi, tháng 2/2016. (Ảnh: Reuters)
Tại hội nghị kỷ niệm 50 năm hoạt động vì môi trường của Liên hợp quốc, đồng thời kỷ niệm 50 năm ra đời của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Ngày Môi trường thế giới (5/6), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, dù thế giới đã ghi nhận những thành công trong việc bảo vệ hành tinh xanh kể từ năm 1972, song các hệ thống tự nhiên của Trái đất không thể đáp ứng kịp những đòi hỏi của loài người và nhân loại đã không giữ trọn lời hứa với môi trường.
Liên hợp quốc chỉ ra những con số báo động về sức khỏe của hành tinh cũng như tính mạng của loài người và số phận của các sinh vật sống trên Trái đất. Theo Liên hợp quốc, hơn 3 tỷ người hiện chịu ảnh hưởng bởi sự suy thoái của các hệ sinh thái. Ô nhiễm là nguyên nhân gây ra khoảng chín triệu ca tử vong mỗi năm. Đến năm 2050, mỗi năm hơn 200 triệu người có nguy cơ phải di chuyển khỏi nơi sinh sống do các tác động của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, trong tám triệu loài động vật, thực vật đang tồn tại trên Trái đất, khoảng một triệu loài đứng trước nguy cơ biến mất hoàn toàn do môi trường bị phá hủy. Thậm chí có dự báo cho rằng, trong 10 năm tới, cứ bốn loài mà con người biết tới, sẽ có một loài bị xóa sổ hoàn toàn.
Mức độ ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng báo động hơn khi ngay cả tại những nơi hoang sơ và hẻo lánh nhất trên hành tinh, các hạt vi nhựa vẫn được phát hiện trong bụng cá ở đáy sâu nhất của đại dương, hay bên trong những tảng băng ở Bắc Cực. Rác thải nhựa cũng được cho là nguyên nhân khiến hơn một triệu con chim biển và hơn 100.000 động vật có vú dưới biển chết mỗi năm. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo, tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa còn tiếp tục nghiêm trọng hơn nữa, khi lượng sản phẩm nhựa được dự đoán sẽ tăng gần gấp ba lần trong vòng chưa đến 40 năm nữa.
Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen cho rằng, thế giới đang đối mặt ba thách thức nghiêm trọng về môi trường, gồm cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu, tình trạng mất đa dạng sinh học, các vấn đề liên quan ô nhiễm và chất thải. Các nhà khoa học cảnh báo nhân loại không còn nhiều thời gian để thực hiện các biện pháp nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, khi các nỗ lực ngoại giao quốc tế trong suốt nhiều thập niên nhằm bảo vệ môi trường đang bị đình trệ.
Theo tổ chức Carbon Tracker chuyên theo dõi tác động của biến đổi khí hậu đối với các thị trường tài chính, các cam kết về khí hậu của các tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới đều thiếu độ tin cậy, khi các tập đoàn này vẫn phụ thuộc các công nghệ tốn kém để giảm khí thải, đồng thời lại duy trì sản xuất những loại năng lượng gây ô nhiễm. 15 công ty năng lượng hàng đầu thế giới đã vạch ra hàng loạt mục tiêu mới, song phần lớn những doanh nghiệp này vẫn chưa đưa ra cam kết về cắt giảm khí thải.
Liên hợp quốc đã chọn lại khẩu hiệu “Chỉ có một Trái đất” của hội nghị đầu tiên về môi trường tại Stockholm năm 1972 làm chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm 2022, nhằm làm sống lại các nỗ lực hành động nhằm bảo vệ hành tinh duy nhất để sống của loài người hiện nay. Hội nghị cấp cao “Stockholm+50: Một hành tinh khỏe mạnh cho sự thịnh vượng của tất cả mọi người-trách nhiệm, cơ hội của chúng ta” do Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức 50 năm sau hội nghị năm 1972 chính là lời nhắc nhở về trách nhiệm hoàn thành những cam kết và những lời hứa còn dang dở mà con người đã đưa ra để bảo vệ Trái đất.
Đinh Trường