Chúng tôi đi giữa miền non cao xanh thẳm của miền núi Quảng Nam. Ở đó có những niềm vui đang chờ đón. Chẳng nơi nào như ở núi quê mình, trập trùng che phủ bởi một màu xanh biêng biếc, đã và đang trở thành điểm hẹn rất riêng cho du khách trên hành trình khám phá mây ngàn.
Những cung đường xanh ở vùng cao, điểm đến lý tưởng của du khách
Sau nhiều cuộc hẹn bất thành, chuyến đi tưởng muộn, hóa ra lại ăm ắp niềm vui. Đi qua những ngôi làng của người Cơ Tu, không gian rừng hiện hữu với bạt ngàn màu xanh. Chợt thấy, nơi này thật bình yên và trong mát lạ thường.
Khởi động lại làng du lịch cộng đồng
Như một thói quen cố hữu, sau chặng đường dài ngược núi, chúng tôi dừng chân phía đồi cao - “thủ phủ” Nông trường chè Quyết Thắng (xã Ba, Đông Giang). Nơi này, từng ghi dấu nhiều kỷ niệm không chỉ với người Cơ Tu, mà còn cả với du khách và người dân lân cận. Những “tín đồ sống ảo” chọn đồi chè Trung Mang để check-in mỗi khi đặt chân đến đã không còn lạ lẫm với đồng bào địa phương.
Anh Trương Kara Duy, một người dân Cơ Tu ở xã Ba nói với tôi, đồi chè đẹp nhất là vào buổi sáng sớm. Khi ấy, trên các sườn núi, những màn sương giăng mắc tạo nên không khí trong lành và huyền ảo. Du khách thường chọn khoảnh khắc đó để làm hậu cảnh cho các bức ảnh kỷ niệm, nên rất thú vị. Hơn 4 năm xa quê lập nghiệp tại Tam Kỳ, anh Duy nói, mỗi lần về quê, cũng đều vẹn nguyên cảm giác bồi hồi, xao xuyến. Nét quê cứ ăm ắp như lần đầu tiên anh rời đi, trong sương chiều bảng lảng. Dù bận rộn với công việc, với cuộc sống ở phố nhưng gần như tháng nào Duy cũng tranh thủ ngược núi, về quê tìm lại miền ký ức đẹp bên những ngôi làng Cơ Tu thấp thoáng dưới chân núi tây Bà Nà.
Đồi chè Quyết Thắng được kỳ vọng trở thành điểm dừng chân thu hút du khách
Mùa núi xanh, nhìn nơi nào cũng thấy màu bình yên. Những con đường chạy dài về phía núi, trải đầy hoa thầu đâu đẹp đến ngỡ ngàng. Hoa thầu đâu chỉ nở vào thời điểm sau cơn mưa núi. Giữa tiết trời mưa lạnh, con đường làng trở thành điểm đến thu hút giới trẻ ghi lại khoảnh khắc thơ mộng. Hôm nọ, tôi theo chân nhóm bạn ghé thăm làng văn hóa du lịch Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam). Đã gần 2 năm, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nơi này vắng bóng du khách.
Bên kia cầu treo, sự bình yên cứ mặc nhiên hiện hữu trong cơn mưa đầu mùa. Từng mái nhà gươl rêu phong cổ kính, sau nhiều năm phục hồi đã trở thành điểm đến lý tưởng của du khách. Những đêm trăng vằng vặc, dưới bóng đèn điện lấp lánh, những chàng trai, cô gái Cơ Tu múa vui theo nhịp trống, trước sự ngỡ ngàng của du khách. Nhưng, đó là chuyện của vài năm trước, Bhơ Hôồng bây giờ chừng như đã dần thưa bước chân tìm về. Cô gái Cơ Tu Đinh Thị Thìn - người kết nối, hình thành các tour tracking (du lịch mạo hiểm) tại làng nói, để chờ đợi du khách trở về, những ngày qua, người dân bắt đầu khởi động đội trống chiêng; sửa sang lại nhà cửa, không gian lưu trú…
Vẻ đẹp mộc mạc của làng văn hóa du lịch Bhơ Hôồng, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam
Niềm vui như bắt đầu trở lại. Tôi đi dọc làng Bhơ Hôồng, băng qua những cung đường núi, làng đẹp mê hồn. Chẳng trách ngày trước du khách bị mê mê hoặc nên nối dài những chuyến đi. “Bây giờ, mọi thứ đã bắt đầu sẵn sàng. Quảng Nam đã mở cửa đón du khách, Bhơ Hôồng rồi đây cũng sẽ tất bật với nhịp sống mới sau dịch bệnh. Chuẩn bị đủ đầy không gian du lịch xanh, hy vọng sẽ làm hài lòng du khách ghé chân”, Thìn chia sẻ.
Miên man “cổng trời”
Hôm trước, trong chuyến ngược núi vào buổi sớm mai, chúng tôi dừng chân ở một khu đồi phía “cổng trời” Tây Giang. Nơi này thuộc giáp ranh giữa xã Tr’hy và A Xan. Mở ra trước tầm mắt là sương mờ che phủ cánh rừng, non cao huyền ảo trập trùng cây xanh. Và ngạc nhiên hơn, chỉ sau vài phút, góc núi chợt bừng nắng, những màn sương bồng bềnh bay cao hòa cùng mây trời xa tít. Khung cảnh ấy lặp thêm nhiều lần nữa trên hành trình đến với non ngàn.
Đồng nghiệp đi với tôi, nói mùa này núi xanh màu biêng biếc. Ví đó như mạch nguồn của sự sống ở vùng đất Trường Sơn Đông. Tôi hiểu ý anh, không gì khác ngoài rừng. Vài năm trở lại đây, từ lợi thế rừng sinh thái và những “cung đường dưới bóng rừng”, các huyện miền núi Quảng Nam đã xoay chuyển và hình thành nên điểm du lịch xanh thu hút du khách. Đó cũng là lý do, khi du lịch được mở cửa, chính quyền các địa phương miền núi trở nên khấp khởi mừng.
Du lịch mở cửa, những lễ hội vùng cao hứa hẹn sẽ sớm diễn ra trở lại
Mới đây, tôi nghe thông tin từ ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, rằng địa phương đang lên kế hoạch tổ chức ngày hội đoàn kết Cơ Tu vào tháng 7 sắp tới. Sự kiện này diễn ra tại Làng văn hóa Cơ Tu (thuộc Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang) với nội dung chính là tái hiện nghi thức lễ kết nghĩa (prơngooch) quy mô cấp huyện giữa cộng đồng làng, hướng đến tăng cường tình đoàn kết, tạo không gian giao lưu, giới thiệu và quảng bá giá trị truyền thống đặc sắc của đồng bào Cơ Tu đến với du khách. “Thông qua hoạt động văn hóa, các trò chơi dân gian, trình diễn nghề và trưng bày sản phẩm truyền thống..., ngày hội hứa hẹn sẽ mang đến một không gian văn hóa đa màu sắc, hưởng ứng Năm du lịch quốc gia 2022”, ông Tùng nói.
Phát triển du lịch xanh
Miền núi Quảng Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Điều đó là quá rõ, khi nhìn vào những địa danh các làng truyền thống, các quần thể rừng và thác nước… trải dọc từ Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang cho đến Phước Sơn, Hiệp Đức, Nam - Bắc Trà My. Trong chuyến khảo sát về tiềm năng du lịch của vùng núi Đông Giang mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ông Lê Trí Thanh bày tỏ lạc quan với những tiềm năng phát triển du lịch xanh ở vùng đất giáp ranh với TP.Đà Nẵng.
Ông Thanh nói, đã đến lúc cần phải vực dậy để không lãng phí tiềm năng vốn có. Nhưng trước hết, các địa phương cần phải biết đón lấy cơ hội để khai mở tiềm năng, đáp ứng nhu cầu phát triển mới. “Chúng ta có một địa hình phải nói là rất đẹp, với hệ sinh thái tự nhiên khá nguyên sơ, khí hậu mát mẻ, một diện tích đất khá rộng và bằng phẳng trải dài dưới chân núi khu vực Tây Bà Nà. Đây là lợi thế rất lớn để phát triển du lịch sinh thái gắn với sản xuất ngành nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị sản phẩm đa dạng, độc đáo. Hy vọng từ những dự án kết nối tới đây được triển khai sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, hướng đến mục tiêu làm giàu và giảm nghèo bền vững”, ông Thanh nhấn mạnh.
Điểm nhấn của non ngàn, ngoài vẻ đẹp của hệ sinh thái rừng còn là nét văn hóa độc đáo đa màu sắc
Ông Thanh tin tưởng, với điều kiện mặt bằng đẹp, địa hình đồi dốc thoai thoải và cự ly rất gần TP. Đà Nẵng, không chỉ các quần thể rừng tự nhiên, mà ngay cả khu vực đồi chè Quyết Thắng cũng hoàn toàn có thể kết hợp để khai thác du lịch và trang trại . Sự kết hợp này được kỳ vọng sẽ mang lại giá trị kinh tế hữu ích, thông qua dịch vụ tham quan, nghỉ dưỡng hệ sinh thái du lịch đồi chè độc đáo.
Khánh Nguyên