Với độ cao từ 1.000-1.500 m so với mặt biển, thành phố Đà Lạt và các huyện phụ cận có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cần mở rộng phát triển tương xứng. Điều này đặt ra nhiệm vụ các ngành chuyên trách trong tỉnh Lâm Đồng cần tiếp tục xây dựng và triển khai các nhóm giải pháp đồng bộ, phù hợp hơn trong từng giai đoạn phát triển.
Tiềm năng du lịch sinh thái Đà Lạt đang cần những giải pháp đồng bộ để kết nối với các vùng phụ cận, phát triển hiệu quả hơn
Chưa khai thác tối ưu lợi thế
Qua khảo sát của các cơ quan chuyên môn trong tỉnh Lâm Đồng, thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận với khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, nền địa hình khá đa dạng núi, cao nguyên, sông suối, thác nước, hồ, hệ động thực vật với nhiều cánh rừng nguyên sinh, thứ sinh có giá trị đa dạng sinh học cao. Ở khu vực này đáng kể nhiều làng nghề mang đậm bản sắc các dân tộc trên cao nguyên Lâm Đồng: 5 làng hoa truyền thống của thành phố Đà Lạt (Vạn Thành, Thái Phiên, Hà Đông, Đa Thiện, Xuân Thành), làng dệt thổ cẩm B’Nơ C tại Lạc Dương; làng làm nhẫn bạc Ma Đanh của người Churu tại Đơn Dương... Tận dụng ưu đãi của thiên nhiên, các ngành chuyên trách trong tỉnh Lâm Đồng đã tạo ra cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư những sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch tham quan nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch canh nông; du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng... với những lợi thế so sánh của địa phương.
Đặc biệt, thành phố Đà Lạt đã đạt được nhiều thành tích về công tác bảo vệ môi trường và du lịch: Chứng chỉ “Thành phố tiềm năng trở thành Thành phố bền vững môi trường ASEAN” năm 2014; giải thưởng “Thành phố bền vững môi trường ASEAN” năm 2017; ứng cử Dự án Mô hình Thành phố carbon thấp của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2018; giải thưởng “Thành phố Du lịch Sạch ASEAN” các năm 2018, 2022; thành viên chính thức của Tổ chức Xúc tiến du lịch các thành phố châu Á - Thái Bình Dương (TPO) năm 2019; Bằng khen của Hiệp hội Đô thị Việt Nam công nhận Đà Lạt là “đô thị tiêu biểu trong Phong trào thi đua Xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp năm 2019 và 2020...
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên trách,thành phố Đà Lạt và các vùng phụ cận tuy sở hữu nhiều tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên du lịch, nhưng chưa khai thác tối ưu lợi thế của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, tính mùa vụ của ngành Du lịch tại Đà Lạt khá cao, thường xuyên đón lượng khách du lịch lớn vào các mùa cao điểm, dẫn đến tình trạng quá tải du lịch. Phát huy vai trò đầu tàu của một “Thành phố du lịch cấp vùng”, Đà Lạt không chỉ dừng lại với một điểm đến du lịch thuần túy mà cần chức năng một thị trường trung chuyển khách quan trọng trong tỉnh Lâm Đồng”.
Trở thành sản phẩm du lịch chủ lực
Bởi vậy, cũng theo các cơ quan chuyên trách trong tỉnh Lâm Đồng, cần tiếp tục xác định sản phẩm du lịch sinh thái trở thành sản phẩm chủ lực của Đà Lạt và vùng phụ cận. Đồng thời tổ chức đánh giá, kiểm kê lại hệ thống tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa hiện tại, làm cơ sở cho việc xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái Đà Lạt và vùng phụ cận. Qua đó định hướng khai thác tài nguyên du lịch theo không gian, thời gian, phân kỳ phát triển các loại hình sản phẩm, tuyến, điểm du lịch và loại hình dịch vụ phù hợp sinh thái Đà Lạt và vùng phụ cận, đáp ứng với nhu cầu thị trường.
Theo đó, về xây dựng, phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch thành phố Đà Lạt đến các vùng phụ cận phải gắn với quy hoạch phát triển vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Duyên hải miền Trung. Cụ thể, mở rộng đường vành đai Đà Lạt, tuyến đường tránh; hoàn thiện và xây dựng mới các tuyến đường trục chính và đường khu vực phù hợp với tính chất đô thị, điểm dừng chân du lịch. Phương án lâu dài cần nghiên cứu đối với các bãi xe ngầm cho khu vực trung tâm đô thị, các khu vực cây xanh cảnh quan có địa hình phức tạp.
Các ngành chức năng trong tỉnh Lâm Đồng tập trung hơn nữa phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải triển khai nghiên cứu khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt; huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thành 6 tuyến đường sắt đô thị dạng monorail phục vụ khách du lịch trên địa bàn thành phố Đà Lạt theo quy hoạch đã được duyệt.
Riêng các tuyến vận tải hành khách công cộng đến các khu điểm du lịch được ưu tiên phát triển bên cạnh mở rộng thêm các tuyến xe điện phục vụ du khách, nâng cao chất lượng phương tiện, dịch vụ vận tải theo hướng văn minh, hiện đại.
Đối với Khu Du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, chú trọng phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ du lịch; Khu Du lịch Đankia Suối Vàng chú trọng thu hút đầu tư đưa vào khai thác. Bên cạnh đó, tăng cường vận động, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh du lịch dịch vụ bảo đảm các điều kiện kinh doanh, đáp ứng yêu cầu để được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách theo quy định của Luật Du lịch.
Giải pháp căn cơ đối với thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận phải tiếp tục hình thành tour, tuyến, các mô hình liên kết trong chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch sinh thái, nhất là chuỗi liên kết theo ngành nghề kinh doanh lữ hành vận chuyển - lưu trú - tham quan - ăn uống - mua sắm. Ngoài ra, cần tập trung nghiên cứu, phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm, vào mùa mưa nhằm kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tăng doanh thu cho ngành Du lịch Lâm Đồng.
Văn Việt