Khôi phục và quản lý bền vững rừng ven biển đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật: 13/06/2022
Cùng với nhiều giải pháp thích ứng, việc đẩy mạnh trồng rừng ngập mặn sẽ giúp khu vực ven biển đồng bằng sông Cửu Long tăng cường sức chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Vừa qua, Bộ NNPTNT, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã tổ chức Hội thảo về “Tăng cường khả năng chống chịu vùng ven biển thông qua trồng rừng ngập mặn tại ĐBSCL”.

Theo đó, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ hỗ trợ Bộ NNPTNT vận động Quỹ Khí hậu xanh (GCF) tài trợ cho Dự án “Khôi phục và quản lý bền vững rừng ven biển khu vực ĐBSCL nhằm tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu”. 5 tỉnh sẽ tham gia dự án gồm: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang.

Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp cho biết, dự kiến dự án sẽ triển khai trồng mới 3.500 ha rừng, trồng phục hồi 1.000 ha rừng; Xây dựng phương án quản lý rừng bễn vững cho tất cả các chủ rừng, đóng mốc giới rừng; Mô hình đồng quản lý rừng ven biển (diện tích rừng hiện có và diện tích trồng mới).

5 tỉnh tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ tham gia dự án khôi phục và phát triển bền vững rừng ngập mặn 

Bên cạnh đó, dự kiến dự án sẽ cung cấp các giải pháp kỹ thuật gây bồi tạo bãi; Xây dựng 5 vườn ươm công nghệ cao; Trồng 3 triệu cây phân tán; Thiết lập hệ thống theo dõi, quản lý, giám sát rừng; Xây dựng 25 mô hình canh tác thủy hải sản bền vững; Xây dựng 25 mô hình du lịch sinh thái rừng ven biển; Tăng cường năng lực và phát triển thể chế, quản trị rừng.

Theo định hướng đó, Đại sứ quán Hà Lan và ADB đang hỗ trợ Bộ NNPTNT chuẩn bị nội dung vận động Quỹ Khí hậu Xanh GCF đồng tài trợ cho dự án.

Nhằm hỗ trợ Bộ NNPTNT và ADB trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển dự án, Chính phủ Hà Lan đã chỉ định tập đoàn Royal HaskoningDHV và Wetlands International thực hiện nghiên cứu về “Tăng cường khả năng chống chịu vùng ven biển thông qua trồng rừng ngập mặn tại ĐBSCL”, với những bài học kinh nghiệm quốc tế dưới góc nhìn tổng thể toàn diện về các yếu tố thành công và thất bại đối với các dự án phục hồi rừng ngập mặn.

Trong những năm qua, việc khai thác quá mức nước ngầm tại các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL dẫn đến đất sụt lún, tác động nghiêm trọng gấp 4 - 5 lần so với mực nước biển dâng. Do đó, một vành đai rừng ngập mặn  được trồng mới hoàn toàn hoặc một phần, sẽ góp phần giảm thiểu những thách thức này, nhưng quan trọng vẫn là các biện pháp bảo vệ vùng ven biển.

Theo các nhà nghiên cứu lâm nghiệp, vùng ĐBSCL có khoảng gần 350.000 ha rừng các loại, trong đó rừng tự nhiên là khoảng 54.000 ha. Hệ thực vật rừng ngập mặn vùng ĐBSCL có 98 loài cây rừng. Riêng các hệ sinh thái đất ngập nước có 36 loài thú, 182 loài chim, 34 loài bò sát và 6 loài lưỡng cư; vùng biển và ven biển có đến 260 loài cá và thuỷ sản.

Diện tích rừng ngập mặn tại ĐBSCL đang suy giảm nghiêm trọng trước tác động biến đổi khí hậu, khai thác cát quá mức.... 

Khu vực ĐBSCL còn có 10 khu đất thuộc vùng bảo tồn đất ngập nước đã được thành lập và đầu tư phát triển như: Hà Tiên, Vườn quốc gia Tràm Chim, khu dự trữ thiên nhiên U Minh Thượng, Vườn quốc gia Đất Mũi, Rừng đặc dụng Vồ Dơi, Bãi bồi Cà Mau, Tính Dơi, Trà Sư, Láng Sen và Lung Ngọc Hoàng...

Được biết, trong những năm qua, rừng ngập mặn ven biển vùng ĐBSCL đang suy giảm. Chỉ tính riêng trong 5 năm (2011-2016), theo báo cáo của Bộ NNPTNT, diện tích rừng ngập mặn toàn vùng đã giảm gần 10%, từ 194.723 ha năm 2011 xuống còn 179.384 ha vào năm 2016 (tức là đã giảm khoảng 15.339 ha). Cũng theo báo cáo nêu trên, toàn vùng ĐBSCL có 24 khu vực thường xuyên bị xói lở trên tổng chiều dài khoảng 147km. Tốc độ xói lở từ 5 - 45m/năm (tức trung bình mỗi năm mất khoảng 500 ha đất).

Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá dự án khôi phục, bảo vệ rừng ngập mặn ven biển ĐBSCL theo dự định đề xuất Chính phủ Việt Nam, phối hợp với Chính phủ Hà Lan và ADB có ý nghĩa rất quan trọng vì khu vực ĐBSCL là nơi chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu.

Thanh Vân

Nguồn: TCĐT thiên nhiên và môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 12/06/2022